Dân công sở nghĩ gì khi rơi vào tình trạng thất nghiệp
Ai cũng đôi lần phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Hãy cùng nghe các nhân viên công sở chia sẻ về cách vượt qua tình trạng thất nghiệp nhé.
Chủ động thất nghiệp để định hướng bản thân
Trần Thanh Tùng chủ động thất nghiệp để tìm hướng đi mới cho bản thân.
Nói về chủ đề thất nghiệp, Trần Thanh Tùng tâm sự: “Thực ra lần thất nghiệp gần đây là do mình chủ động lựa chọn. Sau sáu tháng làm công ty cũ, định hướng, môi trường làm việc và bản thân mình thay đổi vì điều kiện khách quan. 25 tuổi, bỗng cảm thấy chênh vênh, mình mới suy nghĩ là hướng này không hợp, vậy thì hợp hướng nào?
Thế nên mình xin nghỉ việc. Thời gian thất nghiệp, mình thấy mọi thứ cũng bình thường vì cơ hội cũng không ít, nhưng quan trọng mình biết được bản thân muốn gì. Lúc ấy, mình chẳng đi đâu, suy nghĩ, đọc sách, trò chuyện với những người quan trọng và quyết định đưa ra một định hướng phù hợp.”
Tóm lại, đối với Thanh Tùng, chuyện thất nghiệp thật nhẹ nhàng, đơn giản. Đó là khoảng thời gian để anh tự quyết định cho sự nghiệp của bản thân trong 4-5 năm tới. Hiện tại, anh đã tìm ra một cơ hội hoàn hảo ở công ty mới. Đồng nghiệp rất chuyên nghiệp, con đường sự nghiệp rộng mở vì công ty đang trên đà phát triển mạnh, bản thân anh cũng có nhiều cơ hội để thể hiện với vai trò là Trợ lý thương hiệu cao cấp của một công ty chuyên mặt hàng tiêu dùng.
Bị nản chí khi rơi vào tình trạng thất nghiệp
Bị nản chí khi rơi vào tình trạng thất nghiệp nhưng Mai Trâm Anh vẫn kiên trì theo đuổi tìm kiếm công việc mình yêu thích.
Nữ nhân viên marketing Mai Trâm Anh cho biết: “Công việc có rất nhiều nhưng người thất nghiệp cũng chẳng thiếu. Bản thân mình thời gian đầu ra trường cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp “tạm thời”. Đôi khi muốn bỏ cuộc, chấp nhận làm việc tại nơi ba mẹ sắp đặt từ trước, nhưng cuối cùng mình vẫn cố gắng tìm kiếm và tích cực nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi. Bây giờ mình rất vui và hài lòng với công việc hiện tại đã theo đuổi từ lâu. Đồng nghiệp thân thiện, dễ gần, văn hóa công ty năng động phù hợp với những người trẻ.”
Mai Trâm Anh cũng chia sẻ thêm, dù sau bao nỗ lực tìm kiếm mà không công ty nào nhận bạn vào thì cũng đừng nản lòng, hãy dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân vấn đề trong hồ sơ xin việc của bạn, cách thức bạn trả lời phỏng vấn với các nhà tuyển dụng để phát hiện thiếu sót và thay đổi. Sau đó, hãy tiếp tục và tiếp tục nộp hồ sơ, chắc chắn bạn sẽ sớm tìm được công việc mà bạn mong muốn.
Thất nghiệp giúp mình thư giãn bản thân
Đối với chàng hướng dẫn viên du lịch, thất nghiệp là khoảng thời gian để thư giãn.
Trần Phan Hiển tâm sự thất nghiệp là khoảng thời gian giúp mình thư giãn bản thân, từ bỏ nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống. Anh tin rằng, một người đam mê, nhiệt tình với công việc thì không sợ lâm vào cảnh thất nghiệp. Hiện nay, chuyện thất nghiệp trở nên quá phổ biến, diễn ra muôn màu muôn vẻ, nguyên nhân một phần cũng vì nền giáo dục, khiến sinh viên dư thừa kiến thức mà thiếu kỹ năng thực tế áo dụng vào công việc.”
Bên cạnh đó, Phan Hiển bày tỏ quan điểm: “Theo mình, sau khi tốt nghiệp ra trường, không làm đúng công việc chuyên môn đã học mà phải làm bán thời gian, làm tạm thời một công việc nào đó cũng được xem là thất nghiệp. Nếu vô tình rơi vào hoàn cảnh không mong muốn thì nên xem lại cách làm việc và năng lực của bản thân, để tìm hiểu nguyên nhân công ty sa thải bạn, từ đó cải thiện những kỹ năng còn yếu kém và siêng năng tìm kiếm cơ hội mới.”