Dân công sở "méo mặt" vì mùa cưới xin
Một trong những khoản chi khiến không ít dân công sở phải "méo mặt" là tiền mừng đám cưới. Mối quan hệ càng rộng, khoản chi cho đám cưới cũng nhiều thêm, đi thì xót mà không đi cũng... chẳng xong.
"Viêm màng túi" vì... đám cưới
Hà Trang (24 tuổi), nhân viên kế toán một công ty TNHH ở Hà Nội rên như vạc khi nhận được thiệp mời đám cười. Cầm trên tay hai chiếc thiệp cưới, cô nàng nói mà như khóc: “Lại mời cưới. Tháng này đã tiêu hơn 2 triệu tiền mừng cưới rồi. Đi tong nửa tháng lương của tôi”.
Khi được an ủi: “Đi người ta rồi sau này người ta đi lại mình”, Trang thở dài: “Toàn là các cô, các bác sắp về hưu mời cưới con họ. Sau này đến lượt mình thì họ nghỉ cả rồi, không có cửa thu hồi vốn nữa”. Cô nàng mếu máo: "Hết tiền chi tiêu cho đến cuối tháng rồi. Biết làm thế nào đây. Quả này đi tiệc phải nhét cho no bụng, bù lại những ngày úp mì tôm ròng rã sắp tới."
Thùy Dương, (25 tuổi), nhân viên tín dụng doanh nghiệp của ngân hàng X thì cũng kêu trời vì chuyện cưới hỏi. Dương phân trần: “Làm nghề này phải thân thiết, giữ mối quan hệ với khách hàng. Đám hiếu đám hỷ nhà khách hàng đều phải đi cả. Tháng vừa rồi đi cưới 3 đám toàn là con của mấy ông to công ty A. Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, ai cũng phải thân thiết, cưới con ai cũng không thể không đi. Mình móm mất hơn 1 triệu để giữ quan hệ với khách. Mà toàn phải tự bỏ tiền riêng ra chứ ngân hàng chả bù cho xu mẻ nào."
Nhiều đám cưới cùng trong 1 tháng khiến dân công sở "méo mặt" với cảnh "viêm màng túi" - (Ảnh minh họa).
Thủy Tiên (21 tuổi), thực tập sinh ở công ty thiết kế nội thất Y ngớ người khi nhận được thiệp hồng của một anh đồng nghiệp. Tiên cũng không hiểu vì sao anh ấy lại mời mình. Cô nàng chẳng biết chủ nhân tấm thiệp là ai, chưa giáp mặt bao giờ, cũng không phải là nhân viên chính thức của công ty. Không đi thì cũng vô duyên, nhất là khi các anh chị khác cứ nhiệt tình rủ rê, chú rể cũng thường xuyên sang nhắc nhở "Hôm ấy em phải đi góp vui với anh đấy nhé!". Cực chẳng đã, Tiên đành về nhà xin tiền bố mẹ để mừng đám cưới "người lạ mặt". Mẹ Tiên nhất quyết không cho và bảo "Không quen sao phải đi."
Tiên phải trích từ tiền tiêu vặt ra 200 ngàn cho vào phong bì để mừng cưới. Khổ nỗi, đến công ty, mọi người xôn xao rằng đám cưới tổ chức ở khách sạn to lắm, xịn lắm, đắt tiền lắm. Tiên đau khổ lấy nốt số tiền còn lại của mình đắp vào cho tròn 500 ngàn, nếu không thì dơ mặt vì đến đám cưới sang chảnh mà lại mừng ít quá. Cứ nghĩ tới số tiền tiêu vặt bỗng chốc không cánh mà bay, Tiên chỉ muốn trào nước mắt.
"Không mời cũng khổ, mời cũng khổ"
Hoàng Tùng (30 tuổi), lập trình viên ở công ty F. sắp cưới vợ. Anh chàng cứ đắn đo mãi về chuyện mời khách. Làm hơn chục năm ở công ty đủ để Tùng quen biết tất cả nhân viên, tuy nhiên không phải ai chàng ta cũng thân thiết. Tùng suy nghĩ mãi xem có nên mời cả công ty không hay chỉ mời vài người đại diện.
Đầu tiên, Tùng chỉ mời những đồng nghiệp thân thiết trong cơ quan. Thế nhưng khi đi đưa thiệp cưới, một vài người không được mời lại giở giọng châm chọc: “Ơ, thế em không mời chị à?”; “Cứ tưởng sắp được ăn tiệc hóa ra lại bị loại khỏi danh sách, buồn quá!”; "Chú sợ anh ăn hết cỗ nhà chú hay sao mà không mời anh?". Có người còn bảo Tùng ki bo, sợ tốn tiền làm cỗ cưới nên chẳng thèm mời mọc ai.
Nhiều người vẫn nói đùa là nhận thiệp hồng chẳng khác gì nhận được công văn đòi nợ - (Ảnh minh họa).
Bị mọi người trách nhiều quá, Tùng tá hóa đi in thêm thiệp mời đến phân phát. Anh chàng tặc lưỡi vay mấy chục triệu để đặt thêm bàn và thầm nghĩ: “Coi như một dịp để mở rộng mối quan hệ". Tuy nhiên, sau khi mời hết cả công ty, Tùng vẫn không thoát khỏi những lời bàn tán. Người thì bảo "Thằng đấy rõ dơ, cả đời nói chuyện chưa được chục câu mà cũng mời đám cưới". Người ác miệng còn chửi Tùng tham lam, nhân dịp đám cưới trục lợi, cố tình mời nhiều để... đào mỏ.
Tự dưng lại mang tiếng vì chuyện phát thiếp mời, Tùng chỉ biết vò đầu bứt tai: "Không mời cũng khổ, mời cũng khổ".
Kết cục
Nhận được thiệp mời cưới thứ 7 trong tháng, Trang quyết định lờ lớ lơ luôn, không đi nữa. Nàng ta cũng quyết chỉ đi những đồng nghiệp thân thiết, ai thân vừa vừa thì chỉ gửi tiền mừng chứ không đi. Còn đối với những người quen sơ sơ hoặc chưa bao giờ thấy mặt, Trang quyết không chịu bỏ một xu.
Sau vài lần áp dụng chính sách “thắt chặt” dành cho các phi vụ cưới hỏi công sở, Trang nổi tiếng là kẻ ki bo, keo kiệt ở công ty. Nhiều người chửi xéo Trang không biết tôn trọng người khác, còn trù úm cô nàng “Sau này đám cưới nó cóc ai thèm đến dự”. Trang nghe chuyện cười khẩy bảo “Báu gì. Chẳng cần các ông các bà ấy đến. Đám cưới tớ chỉ tổ chức đơn giản, thân mật. Tớ chẳng thích tiệc cưới nườm nượp khách khứa nhưng lại đầy những gương mặt tớ chẳng biết là ai.”
Nhiều khi, đám hỷ trở nên mất vui vì tiền mừng không đủ bù lỗ - (Ảnh minh họa).
Còn Hoàng Tùng, đám cưới của anh chàng ế hơn chục bàn cỗ, chủ yếu là bàn của những đồng nghiệp không tới. Vì không quen thân lắm, Tùng cũng chẳng phải sếp to nên không ai sợ làm mếch lòng Tùng. Người lịch sự thì báo không đến và gửi đôi ba trăm làm quà mừng. Có những người còn “mất hút con mẹ hàng lươn” luôn, không đến dự mà cũng chẳng bù tí tiền nào để giúp Tùng bù lỗ. Hậu quả là ngày cưới mà chú rể mặt cứ méo xệch, não nề nhìn xuống hội trường trống huơ trống hoác, thức ăn thừa chất đống.
Cuối buổi, vợ chồng Tùng gom đồ ăn thừa, xách về cho tủ lạnh ăn dần. Nhẩm tính số tiền cỗ bỏ ra và thu lại, lỗ gần mấy chục triệu, Tùng mặt dài ra như cái bơm. Tiền làm đám cưới là Tùng đi vay để tổ chức, cứ nghĩ là mời đông người thì sẽ bù lại được. Giờ thì ăn nguyên một quả đắng.
Nghĩ tới số tiền lớn phải trả trước mắt, vợ chồng Tùng chỉ biết thở dài.