Dân công sở không được dùng đồ nhựa một lần
Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không được dùng đồ nhựa một lần như chai, cốc, đũa, bát nhựa. Tại các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm không được sử dụng băng rôn.
Năm 2021 siêu thị không dùng túi ni lông
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó yêu cầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, gồm túi nylon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn... Ngoài ra, không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác.
Tại các cơ quan công sở trên, phải bố trí thùng rác để phân loại rác thải. Chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ, trong đó khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
UBND các tỉnh, thành vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán cafe, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch... trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường. Không cung cấp miễn phí túi nylon cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi nylon khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
Tại trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng như sân bay, bến tàu, bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, công viên, quảng trường, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, địa phương phải bố trí các thùng thu gom, phân loại rác. Riêng với các tiểu thương chợ dân sinh truyền thống sẽ phải nộp phí dịch vụ thu gom rác.
Tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác
Rác thải nhựa là vấn đề môi trường nhức nhối thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu. Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong 10-15 năm tới, lượng nhựa được sản xuất sẽ tăng gấp đôi, năm 2025 dự đoán đạt đến 500 triệu tấn, trước 2030 là 619 triệu tấn. Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, tốc độ dùng nhựa tăng trưởng 16-18% mỗi năm, nằm trong top 5 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất. Việc xử lý, tái chế rác của Việt Nam được đánh giá chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là chưa phân loại rác tại nguồn.
Nhằm giảm thiểu sử dụng rác nhựa một lần, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nylon.
Với các cơ sở y tế và cơ sở giáo dục sẽ phải đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế, trường học xanh, sạch, đẹp. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh, sinh viên.
Riêng với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy, đưa ra các phương án thay thế trong quy định hướng dẫn ngành du lịch dịch vụ.
Để triển khai các nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý, hoàn thành trước ngày 30/10/2020.