Đàn châu chấu dày đặc bất ngờ "tấn công" hoa màu
Châu chấu xuất hiện từ trên rừng rồi di chuyển xuống dưới khu vực có người dân ở Lạng Sơn, gây thiệt hại khoảng 1-2 ha ruộng ngô của người dân
Chiều nay 29-5, một lãnh đạo UBND xã Thiện Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) cho biết trên địa bàn xuất hiện các đàn châu chấu tre lưng vàng phá hoại hoa màu của người dân.
Theo lãnh đạo này, qua xác minh ban đầu, đàn châu chấu xuất hiện từ trên rừng rồi di chuyển xuống dưới khu vực có người dân ở. Bước đầu, đàn châu chấu gây ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 1-2 ha ruộng ngô của người dân.
Sau khi nắm bắt được thông tin, xã Thiện Hòa và lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra, khoanh vùng, đưa ra giải pháp hạn chế tác hại của hàng vạn con châu chấu trên.
Trước hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về châu chấu xuất hiện tại một trường tiểu học, vị lãnh đạo này khẳng định châu chấu chỉ nhảy, bò, bám vào tường, cây cảnh… chứ chưa ảnh hưởng đến học sinh.
Châu chấu tre lưng vàng là sinh vật gây hại định kỳ, thức ăn ưa thích của chúng là tre, lúa, ngô… Khi còn là ấu trùng, chúng xuất hiện trên cỏ hoặc rừng tre thấp, châu chấu sau đó bò lên cây, hoạt động mạnh dưới độ ẩm 60%. Khi mật độ cao ở giai đoạn còn non, chúng co cụm thành từng đàn và có thể gây thiệt hại nặng. Châu chấu trưởng thành có thể di chuyển từ 40-60 km.
Giai đoạn tuổi trưởng thành của châu chấu, chúng tập trung mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 700-800 con/m2, cá biệt 1.000 con/m2. Nguy cơ châu chấu sinh trưởng mạnh, gây hại cây trồng là rất lớn.