"Đám cưới trần trụi" - Trào lưu mới của giới trẻ Trung Quốc

Bảo Minh ,
Chia sẻ

Một đám cưới không nhẫn cưới, không căn hộ, không xe hơi và không tiệc tùng đang đang trở thành trào lưu đối với giới trẻ Trung Quốc. Đó là cách họ nói về đám cưới “trần trụi”

Theo CNN, ước tính, trung bình mỗi đám cưới ở Trung Quốc ngốn tới 20.000 USD (450 triệu đồng). Ở thành phố, chi phí cho một đám cưới đắt đỏ hơn, ước tính trung bình lên tới 32.000 USD (700 triệu đồng). Quá mệt mỏi trước áp lực tiền nong, nhiều cặp đôi đã phá vỡ truyền thống, bất chấp tất cả để tổ chức "cưới xin trần trụi" không tiệc tùng, thậm chí không nhẫn cưới.

Theo ước tính, mỗi năm, có khoảng 10 triệu cặp uyên ương ở Trung Quốc kết hôn. Để lập gia đình, tính trung bình, các cặp uyên ương Trung Quốc phải xác định tiêu tốn ít nhất hàng nghìn USD cho một đám cưới đơn giản bao gồm chi phí cho một đôi nhẫn cưới, tiền chụp ảnh, thuê váy cưới và tiệc báo hỷ. Đó là chưa kể khoản chi phí không nhỏ khi nhiều cặp vợ chồng ngày nay còn đi hưởng tuần trăng mật ở những địa điểm “đắt xắt ra miếng”, hay mời người nổi tiếng tới dự đám cưới. Ngày 13.6 vừa qua, một cặp đôi tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc tổ ra chịu chơi khi ngốn hơn 200 triệu đồng để cử hành hôn lễ trên một chiếc máy bay trực thăng ở độ cao 400 mét.

Chỉ riêng việc chụp hình cưới thôi đã mất rất nhiều tiền: thuê trang phục, thuê người trang điểm, thuê địa điểm chụp hình, thuê thợ chụp hình… 

"Đó là sự kiện chỉ diễn ra một lần trong đời. Có thể chúng tôi không quá cầu kỳ về đám cưới, song cha mẹ và người thân của chúng tôi thì không như vậy", Wang Di, 23 tuổi chia sẻ. Theo Wang, nhiều bậc cha mẹ xem việc tổ chức cưới xin rình rang, hoành tráng là cơ hội để họ "nở mày nở mặt" với thiên hạ. Thậm chí, nhiều cặp còn phải "hoãn cưới" hết năm này sang năm khác chỉ vì chưa tích cóp đủ tiền để tổ chức đám cưới. Chưa kể, nhiều chú rể còn phải vất vả "cày cuốc" và tích cóp để mua nhà, tậu xe... mới mong lấy được vợ. Trong khi đó, thu nhập hàng năm của một người Trung Quốc ước tính trung bình khoảng 3.300 USD (72 triệu đồng) và do đó, gánh nặng chi phí cưới hỏi đang đè lên vai nhiều cặp uyên ương có mức thu nhập khiêm tốn, khiến họ lao đao.

Tôi mong muốn tổ chức lễ cưới đơn giản và ít tốn kém nhất với phương châm chỉ cần mọi người đều vui vẻ - đó là điều quan trọng nhất", một cô dâu chia sẻ với CNN. Cô dâu Zhang Yueyue, trưởng nhóm tiếp thị của một tạp chí nghệ thuật cho biết, cô và chồng mình đã tổ chức một đám cưới tối giản nhất, chỉ tiêu tốn ít hơn 2.000 USD (43 triệu đồng). Với mức thu nhập khá khiêm tốn, cặp đôi nhất trí rằng, càng tiết kiệm chi phí đám cưới, họ càng để dành được nhiều tiền hơn để bắt đầu cuộc sống hôn nhân sau này.

Đám cưới giản dị, chỉ tốn dưới 43 triệu đồng của cô dâu Zhang Yueyue (giữa). 

Trong đám cưới, cô dâu, chú rể chỉ đơn giản mặc quần áo truyền thống của người Trung Quốc chứ không may hoặc thuê Âu phục như bình thường. Zhao Mengsha, một đồng nghiệp và là bạn của cô dâu có mặt trong lễ cưới cũng chia sẻ, cô đang lên kế hoạch cưới xin và cũng dự định tổ chức thật đơn giản, tiết kiệm. "Tôi không có nhiều tiền tích cóp. Do đó, tôi chỉ muốn tổ chức một bữa tiệc đơn giản", Zhao cho hay. Nhiều cặp uyên ương thậm chí còn "nổi loạn" khi chấp nhận "cưới xin trần trụi" - hoàn toàn bỏ qua nguyên tắc truyền thống là phải có nhà, có xe mới làm đám cưới. Thậm chí, một số đôi còn không mua nhẫn cưới, cũng không tổ chức tiệc cưới mà chỉ đơn giản đi đăng ký kết hôn để được pháp luật công nhận là vợ chồng. 
 
Nhiều cặp còn phải "hoãn cưới" hết năm này sang năm khác chỉ vì chưa tích cóp đủ tiền để tổ chức đám cưới. 

Cặp uyên ương Zhu Heng và Jia Zhiwei vừa tổ chức "cưới xin trần trụi" cho hay, họ đã hoãn cưới nhiều năm để chờ giá nhà ở Bắc Kinh hạ thấp xuống những mong có thể tậu nhà riêng trước khi chính thức kết thành vợ chồng. Tuy nhiên, điều họ mong đợi mãi vẫn không xảy ra. Cuối cùng, cả hai quyết định làm lễ cưới dù không mua được nhà. "Mọi cô gái đều mong ước có một đám cưới lãng mạn. Tuy nhiên, hạnh phúc mới chính là điều quan trọng nhất, hơn bất cứ điều gì khác. Tôi chỉ cần chúng tôi đến được với nhau", cô dâu Jia chia sẻ. Tuy nhiên, chủ rể Zhu, một nhân viên tư vấn bất động sản cho biết, không phải tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái với một "đám cưới trần trụi" đi ngược lại với tập quán xã hội. "Tôi cảm thấy rất có lỗi", Zhu nói về việc không có khả năng tậu nhà riêng cho cô dâu của anh. 
 
Theo CNN
Chia sẻ