Đám cưới Chí Trung – Ngọc Huyền: Đêm tân hôn ngủ trên giường mẹ chồng
Hơn 30 năm đã trôi qua, Ngọc Huyền vẫn nhớ như in ngày cưới với Chí Trung. Đó là một ngày Hà Nội vô cùng giá buốt đầu năm 1986 và lễ đón dâu diễn ra khi trời đã tối sầm.
Cặp vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung – Ngọc Huyền được xem là biểu tượng hạnh phúc của làng nghệ thuật phía Bắc. Yêu nhau hơn 7 năm, cưới nhau hơn 30 năm, quãng thời gian dài bằng một đời thanh xuân của một người. Đủ dài để mọi buồn vui ngọt ngào cay đắng đều trở thành những thức gia vị. Rắc vị này một chút, rắc vị kia một chút, vừa vặn thì hài lòng, quá tay thì chặc lưỡi. Nhưng cứ nhìn đôi mắt vẫn long lanh sáng ngời trên gương mặt trẻ trung của Ngọc Huyền, đủ biết những gia vị kia đang được rắc vừa vặn hay quá tay.
Cuộc hôn nhân hơn 30 năm của Chí Trung - Ngọc Huyền là biểu tượng của hạnh phúc trong giới nghệ sĩ
Hơn 30 năm, nhắc đến ngày cưới, Ngọc Huyền vẫn đầy hào hứng và cảm động. Chị bảo chị nhớ hết. Nhớ nhất là mùi pháo thơm lúc Chí Trung nắm tay chị đi ra ngõ ngày vu quy. Mùi pháo ấy đến giờ chị vẫn còn cảm thấy rất rõ rệt, vẫn hít hà được mỗi khi kí ức trở về.
Cô dâu đau mắt vì thức đêm làm cỗ cưới
“Đám cưới Hà Nội thời bao cấp không thể quyết định trong một tháng như bây giờ. Yêu lâu hay yêu chóng thì đám cưới luôn là sự kiện phải chuẩn bị kĩ càng trước vài tháng. Đơn giản là vì không có nhiều tiền. Mà có tiền cũng không thể mang đống tiền ấy ra chợ thoắt một cái khuân về đống đồ. Thời bao cấp cái gì cũng thiếu thốn, hiếm hoi.” – nghệ sĩ Ngọc Huyền hồi tưởng.
Đám cưới của chị và Chí Trung được tẩn mẩn chuẩn bị từng li từng tí mỗi ngày một ít theo cách của thời bao cấp ấy. Mẹ Ngọc Huyền đi chợ trước đám cưới hai tháng. Chỉ riêng đồ khô đã phải mua thành nhiều ngày. Hôm thì mua ít miến, hôm mua ít lạc, hôm mua ít gạo đỗ. Có khi lại phải nhờ người quen ở tỉnh khác đặt mua cho ít măng ít nấm. Rồi gà cũng mua trước cỡ nửa năm, từ lúc còn nhỡ nhỡ, nhồi cho ăn để đến lúc cưới là có gà ngon. Cứ có chút tiền lại mua một tí để dành sẵn. Hà Nội lúc đó rất thiếu thốn, đôi khi một tấm măng ngon cũng không có nổi.
Ngọc Huyền: Hà Nội lúc đó rất thiếu thốn, đôi khi một tấm măng ngon cũng không có nổi.
Mà đấy là gia đình Ngọc Huyền được tiếng có của ăn của để thời bấy giờ. Cô là con gái của ông chủ tiệm ảnh Đại Tân phố Huế nức tiếng Hà Thành, thuộc vào diện “tiểu thư nhà giàu”. Trong khi Chí Trung lại nghèo quá. Lúc bấy giờ, cả hai cũng mới bắt đầu có chút tên tuổi trong giới, chứ không phải nổi tiếng như giai đoạn sau này, càng không phải “hotface” như hiện tại. Hồi mới yêu nhau, gia đình Ngọc Huyền phản đối dữ dội. Song không phải vì chê Chí Trung nghèo như người ta đồn thổi.
Ngọc Huyền kể, chị là người duy nhất trong gia đình theo nghệ thuật. 14 tuổi, cô bé có gương mặt tròn và đôi mắt to đen láy trong đội nghi thức của Cung thiếu nhi thành phố lọt qua cuộc tuyển lựa hàng nghìn học sinh để được đóng vai chính trong bộ phim truyện nhựa Quyển vở sang trang. 15 tuổi, cô bé lại tiếp tục được mời đóng phim Bình minh xôn xao. Hai bộ phim điện ảnh đã nuôi giấc mộng diễn viên của cô tiểu thư. Đến đỗi, phim đóng máy rồi, cô bé vẫn ngày ngày ngồi bên cửa sổ tầng 2 nhìn xuống xem có chiếc xe ô tô nào đến đón mình đi đóng phim nữa hay không. 17 tuổi, Ngọc Huyền thi tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ, một mình một con đường gian khổ trong gia đình có truyền thống kinh doanh.
Một mình Ngọc Huyền theo đuổi nghệ thuật trong một gia đình có truyền thống kinh doanh
Chí Trung ngược lại, là con nhà nòi nghệ thuật. Cha anh, NSND Quý Dương, là một danh ca nổi tiếng, là nghệ sĩ hàng đầu của âm nhạc cách mạng. Cha mẹ anh lại li hôn khi anh còn nhỏ. Bản thân anh lại mắc lỗi… quá đẹp trai. Vì thế bố mẹ Ngọc Huyền rất lo lắng cho con gái. Các cụ sợ rằng con mình làm dâu một gia đình nghệ thuật, nền nếp gia phong mọi thứ đều khác biệt thì liệu có thể hòa hợp được không. Nhưng rồi sau mấy năm, ông bà cũng phải chấp nhận mối tình của đôi trẻ. Bởi lửa gần rơm, có cấm cũng không cấm được.
Bên nhà Ngọc Huyền, cỗ cưới được tổ chức rất to: 40 mâm cỗ. Gọi là “nhà giàu” mà họ hàng lại đông nên mới thế. Và dĩ nhiên là tự nấu hoàn toàn. “Hôm nấu cỗ vui lắm. Đám cưới ngày xưa vui nhất chính là ngày nấu cỗ mà. Đó là buổi quần tụ của họ hàng người thân, bà con lối phố. Người lớn người bé mỗi người một việc, tất cả thức trắng đêm để nấu nướng cỗ bàn cho ngày hôm sau.” – Ngọc Huyền hồi tưởng.
Một góc nhỏ mâm cỗ cưới tự nấu nhà Ngọc Huyền
Đầu bếp chính của cỗ cưới là mẹ Ngọc Huyền. Bà vốn tháo vát và nấu ăn rất ngon, đảm đương mọi việc, lên thực đơn và nấu các món chính. Còn họ hàng mỗi người một tay phụ giúp. Người làm gà, người nhặt rau, người bóc hành bóc tỏi. Ai giỏi làm nộm thì làm nộm, ai giỏi làm nem thì gói nem. Cô dâu cũng phải đứng lên ngồi xuống như con thoi để chuẩn bị cỗ bàn cùng mọi người. Mà làm gì có bếp ga hay bếp điện. Sân nhà cô dâu phải chất mấy bếp củi, ninh nấu cả đêm các món canh món hầm, khói bếp mù mịt. “Hồi đấy cô dâu nào cũng đau mắt. Trang điểm thì má phấn môi son nhưng mắt thì cứ đỏ kèm nhèm. Là vì thức đêm đun bếp củi đấy.” – Ngọc Huyền vừa kể vừa cười trước những người trẻ chưa từng “nếm mùi” bao cấp đang ngỡ ngàng cứ tưởng chuyện đùa.
Ngọc Huyền xinh đẹp lộng lẫy trong ngày cưới dưới bàn tay trang điểm của chính mình
Nhưng đấy chỉ là cỗ cưới mời họ hàng thân quyến, được làm riêng ở mỗi nhà. Như nhà Chí Trung chỉ làm mâm cơm cúng gia tiên. Còn tiệc cưới chung của hai bên gia đình là tiệc ngọt làm ở phòng cưới. Hoàn toàn không có những bữa tiệc mặn linh đình ê hề ăn uống trong các nhà hàng khách sạn long lanh đèn hoa như 30 năm sau.
Ngọc Huyền bảo: “Đám cưới bây giờ càng to, càng hoàng tráng, càng lộng lẫy, càng cầu kì thì càng không vui. Trước khi đi, người ta còn phải đắn đo lấn cấn, xem nên đi cả nhà hay đi một mình, đi thì mừng bao nhiêu tiền cho phù hợp với số người. Rồi muốn đi cả nhà cho vui lại ngại chủ tiệc phải kê thêm ghê, sắp thêm bát. Chẳng còn cái sự vô tư và niềm hồ hởi hồn nhiên đúng chất đi dự tiệc như thời chúng tôi”.
Đám cưới thời "nghèo mà vui" của Ngọc Huyền - Chí Trung
Đám cưới không xe hoa
Hỏi Chí Trung đi đón dâu bằng xe hoa loại gì, Ngọc Huyền ớ ra “xe hoa là xe gì nhỉ?”. Phải mất vài giây chị mới định hình được khái niệm “xe hoa” rồi bật cười thích thú, bảo: “Làm gì có xe hoa. Bọn chị được nhà hát cho mượn xe Hải Âu, là xe khách ấy. Mà có cái xe ấy là sang lắm rồi đấy. Cô dâu chú rể bố mẹ họ hàng tất tật lên hết một xe. Cô dâu chú rể được ưu tiên ngồi ghế trước”.
Chú rể Chí Trung đón cô dâu Ngọc Huyền lên chiếc "xe hoa" đặc biệt
“Mà thời đó đón dâu tối nhé” - Ngọc Huyền giải thích – “Thời đó không ai xem ngày xem giờ gì cả. Cưới thì cứ thứ bảy, chủ nhật mà đón dâu thì cứ bảy rưỡi tối. Ai cũng vậy hết. Tiệc cưới được làm tối. Đến 9 rưỡi thì kết tiệc ai về nhà nấy”. Lại thêm một cái lạ lùng.
Lễ đón dâu của Chí Trung - Ngọc Huyền diễn ra vào 7 rưỡi tối theo đúng tập tục cưới hỏi thời bao cấp
Tiệc cưới của Ngọc Huyền – Chí Trung được làm ở phòng cưới CLB Lao động phố Tăng Bạt Hổ. Hà Nội thời đó chỉ có dăm ba phòng cưới và đặt cũng không dễ. Đám cưới vui như trảy hội. Cô dâu chú rể là diễn viên mà bố của chú rể làm ca sĩ nổi tiếng nên đám cưới càng rộn ràng, tưng bừng náo nức.
Cô dâu chú rể vui vẻ bên bạn bè nghệ sĩ. NSƯT Anh Tú và NSND Lan Hương đứng cạnh Chí Trung.
Chú rể Chí Trung bảnh bảo lịch lãm bên các đồng nghiệp nam ở Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài cùng bên trái chính là nghệ sĩ Đức Hải.
“Không thể diễn tả được, chỉ có thể nói là vui lắm. Mọi người thi nhau hát hò, đọc thơ. Anh em bạn bè đồng nghiệp, bạn học bạn phố đều đi dự, rồi mang hết con cái đi theo. Chỉ ăn bánh uống trà rồi văn nghệ thôi mà vui không thể tả. Cảm động nhất là một người chú họ nhà anh Chí Trung làm chủ hôn, lên phát biểu dặn dò cô dâu chú rể. Bài phát biểu ấy đến giờ tôi vẫn giữ. Nó không giống với những lời hoa mĩ rườm rà được các MC đám cưới mang từ đám cưới này tới đám cưới khác chỉ thay tên đổi họ như bây giờ đâu. Rất chân thành và cảm động. Thi thoảng, tôi vẫn mang tờ giấy chép bài phát biểu ấy ra đọc cho cả nhà nghe”. – Ngọc Huyền chia sẻ.
Như lời Ngọc Huyền, tiệc cưới chỉ có ăn bánh uống trà, mà bánh ở đây chỉ có bánh quy gai quy xốp được làm thủ công chứ không phải ra cửa hàng tạp hóa mua cả bịch bánh kẹo sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp như hiện nay. Thứ bánh thủ công ấy do đích thân cô dâu tự tay làm.
Một tuần trước đám cưới, Ngọc Huyền lỉnh kỉnh mang bột mì, trứng gà, đường kính đến xếp hàng ở cửa hàng làm bánh. Ở đấy, người ta phát cho mỗi khách một cái chậu. Khách tự đập trứng đổ đường vào chậu đánh cho kĩ, rồi kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt. Trời thì giá buốt, Hà Nội mùa đông năm 1986 lạnh như cắt da, cô dâu Ngọc Huyền co ro ở cửa hàng làm bánh đến mức bị cảm lạnh, sát hôm đón dâu mới hồi phục sức khỏe. Món quy gai quy xốp là món bánh chính và duy nhất của các tiệc cưới thời ấy. Nhà nào khấm khá thì cho thêm ít vừng và bơ. Để có được bơ, nhà Ngọc Huyền phải ra cửa hàng mậu dịch ở Tôn Đản chuyên dành cho cán bộ cấp cao, nhờ người quen cạy cục mua hộ ít bơ, bỏ vào bánh cho dậy mùi. Ngọc Huyền bảo, không biết có phải do kí ức thì lúc nào cũng đẹp hay không mà thứ bánh quy gai quy xốp chị làm được mọi người khen là “ngon nhất Hà Nội”.
Mùi pháo đêm vu quy
Cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm, Ngọc Huyền vẫn xốn xang mỗi khi hồi tưởng lại ngày cưới của mình. Kí ức thì được mất, nhưng có một thứ cô không bao giờ có thể quên, đó là mùi pháo đêm vu quy.
Phong tục truyền thống thời đó là hễ gia đình chú rể đến là nổ một tràng pháo mừng, khi chú rể rước cô dâu đi là nổ thêm một tràng pháo tiễn. “Lúc ấy mình đang ngồi trong buồng trang điểm. Là diễn viên nên tự tay làm tóc, vẽ vời lên mặt mà. Rồi tiếng pháo nổ đoàng, thế là run cuống lên, chân tay luýnh quýnh không sao làm được nữa. Run không phải vì sợ muộn giờ đâu. Run vì cảm giác gì đó rất thiêng liêng khó tả. Khi đón dâu ra phòng cưới, lại thêm một tràng pháo nổ. Mùi pháo sao mà thơm thế, ấm thế. Mùi pháo ấy đến giờ tôi vẫn nhớ như in, vẫn cảm giác như mình còn hít hà được”.
Nói là duy nhất mùi pháo không quên được, nhưng thực ra thì Ngọc Huyền không quên nhiều thứ lắm - cái đám cưới của thời “nghèo mà sang, nghèo mà vui” ấy. Từ chuyện nhờ chị Tơ vợ anh Vinh lái xe của Nhà hát, người phụ nữ có 4 con nhanh nhẹn, tháo vát, làm người trang trí giường cưới, trải chăn gối cho mình; chuyện sắm được cái chăn hoa cho đêm tân hôn; chuyện mượn một anh bạn vừa đi nước ngoài về bộ áo vest để Chí Trung mặc hôm cưới; chuyện hai vợ chồng mang hết tiền mừng cưới đi mua được chiếc cassettle để đầu giường nghe nhạc; đến chuyện sang nhà cô bạn thấy có bức ảnh em bé rất xinh bèn mượn về để treo mấy ngày cưới lấy may. “Giờ kể chuyện mượn nhau một bức ảnh thì mọi người cười, nhưng thời đấy một bức ảnh treo tường cũng hiếm, cho nhau mượn đã là quý chứ đâu dám xin nhau.” – Ngọc Huyền bùi ngùi.
Thời nghèo khó ấy, cô tiểu thư con ông chủ hiệu ảnh Đại Tân còn đi xin từng tờ họa báo màu, ngồi tỉ mẩn cắt giấy thành sợi, cuộn lại thành từng con ốc chưa bằng đầu ngón tay út, rồi lấy dây xâu lại để làm chiếc ri-đô che chỗ gác xép nhà Chí Trung, nơi sau này sẽ là tổ chim cúc cu của hai vợ chồng. Tấm ri-đô “handmade” mất vài tháng trời mới làm xong, biến cái gác xép nhỏ chỉ đủ trải chiếu nằm trở nên xinh xắn. Riêng đêm tân hôn, Ngọc Huyền – Chí Trung được mẹ chồng “đặc cách” cho mượn chiếc giường của bà làm giường cưới. Chị Tơ khéo léo chăng màn tuyn trắng, đính kết từng bông hồng lá măng, gấp chiếc chăn hoa phẳng khiu cho đôi trẻ. Cũng trong đêm ấy, trên chiếc giường ngủ nhờ của mẹ chồng, cô con gái xinh đẹp của họ đã được hoài thai.
Ngọc Huyền và Chí Trung chụp ảnh trên chiếc giường cưới mượn của mẹ
Ấy thế mà chỉ hơn 25 năm sau, đám cưới của con gái anh chị đã khác hoàn toàn, không có một chút gì giống ngày xưa. Cô gái cưới theo kiểu Tây, chỉ vài chục khách mời thân thiết nhất. Nhưng nỗi buồn lớn nhất của họ là mối tình ấy đã tan vỡ mất rồi. Một ngày kia, khi hai anh chị đang đi công tác trong Nam thì con gái nhắn tin: “Con đã về nhà mình rồi mẹ ạ.” Chị sững sờ vì hiểu điều đó đã xảy ra. “Tôi và Chí Trung yêu nhau 7 năm, còn chúng yêu nhau 9 năm, nhưng kết hôn 3 năm đã chia tay. Đấy là cái duyên phận. Nhưng người làm cha mẹ thì day dứt khổ tâm vì hạnh phúc của con không được trọn vẹn. Thời gian đầu, hai vợ chồng chúng tôi giấu chuyện. Thì nhìn vào nhà Chí Trung – Ngọc Huyền, người ta chỉ thấy một màu hồng hạnh phúc. Có ai biết, chúng tôi lặng lẽ khóc thầm vì thương con.”
“Vì tôi ngoan nên Chí Trung được thể”
Ngọc Huyền bảo, Chí Trung có tính “lẳng lơ”. Hồi yêu nhau, Chí Trung vẫn bẹo má cô này cô khác là chuyện thường tình. Chị cũng từng ghen tuông, từng dằn dỗi, từng tức tưởi, từng tủi hờn, thậm chí từng có suy nghĩ tiêu cực. Nhưng biết làm sao khi đó là tật xấu cố hữu của chồng. Chị phải dằn lòng làm quen dần, mỗi ngày học cách chấp nhận dần, tập cách dửng dưng dần. Lâu dần, tật xấu ấy của Chí Trung không còn khiến chị xao xác nữa. “Một phần mình không thể giận chồng quá lâu là vì dù anh có “lẳng lơ” ở đâu nhưng vợ con với anh luôn là số 1. Suốt 37 năm qua, lúc nào mình cũng cảm nhận được một tình yêu rất lớn của anh ấy dành cho mình. Thế nên có bao nhiêu tủi hờn cũng theo gió mà bay.”
Ngược lại, Chí Trung thì lúc nào cũng canh chừng Ngọc Huyền, quản vợ đường đi lối về. “Mình không thích đâu nhưng nếu phản kháng thì phải phản kháng từ hồi mới lấy nhau. Chứ giờ thì muộn rồi. Chí Trung là người gia trưởng. Mà vì mình ngoan hiền quá nên anh ấy càng được thể phát huy” – Ngọc Huyền hài hước.
Chí Trung luôn "canh chừng" cô vợ xinh đẹp không tuổi của mình
Nhưng thực tế thì cũng từa tựa vậy. Chí Trung ở ngoài dí dỏm, tưng tửng vậy thôi, chứ trong nhà, công to việc lớn đều là anh quyết định. Gia trưởng nên thời khó khăn nhất, đêm Chí Trung lên sàn diễn làm vua chúa, ngày Chí Trung ra chợ trời buôn săm lốp, gánh vác chuyện áo cơm để Ngọc Huyền tập trung lo liệu nhà cửa, chăm mẹ chăm con. Sau này kinh tế khá giả hơn, anh cũng là người lo toan việc trọng đại, con cái nhường phần Ngọc Huyền. “Nói ra thì có vẻ là bất bình đẳng. Nhưng tôi nghĩ trong gia đình vợ chồng không nên bình đẳng quá. Người chồng gia trưởng quá thì không hay nhưng nên gia trưởng một chút thì gia đình sẽ ấm êm hơn. Các bạn trẻ có thể không đồng quan điểm này với tôi nhưng nếu hỏi tôi có bí quyết gì để giữ gia đình hơn 30 năm qua thì nó là như vậy đấy”.
Ngọc Huyền: "Người chồng gia trưởng quá thì không hay nhưng nên gia trưởng một chút thì gia đình sẽ ấm êm hơn."
Ngọc Huyền nói thật, bởi hơn 30 năm chị đã sống như thế. Xinh đẹp, tài năng, nhưng Ngọc Huyền lại coi con cái là điều quan trọng hơn cả sự nghiệp. Chí Trung chẳng yêu cầu, Ngọc Huyền cũng chọn việc lo liệu ngày hai bữa cơm cho chồng con, tự tay chăm con chứ không thuê giúp việc, đưa đón con đi học, chăm con lúc ốm đau. Thời xuân sắc nhất, bao nhiêu đoàn làm phim mời chị, chị cũng từ chối vì không thể giao con cái cho ai. Người ta bảo chị nhường chồng, nhưng chị bảo, mình không nhường, là mình chọn cái mình yêu thích nhất.
Tự nguyện lùi lại phía sau, chăm lo con cái gia đình để chồng phát triển sự nghiệp là sự lựa chọn của Ngọc Huyền
30 năm, dù nhiều lúc bát đũa xô nhau hay sóng gió ở đâu ào đến, Ngọc Huyền – Chí Trung cũng chưa từng có ý định sẽ chia tay. Chí Trung từng kể, cãi nhau to đến mấy Ngọc Huyền cũng không bỏ về nhà mẹ đẻ cách có vài bước chân. Còn Ngọc Huyền lại phục Chí Trung cái lối ứng xử khôn khéo để giữ êm ấm trong nhà. “Anh Chí Trung khôn lắm. Có lần hai vợ chồng giận nhau, nhưng không dám cãi nhau trước mặt mẹ. Anh ấy rủ mình ra ngoài vườn hoa. Ra đấy cãi nhau, mình thì khóc lóc, mắt đỏ hoe. Anh ấy chờ cho mắt mình bớt đỏ, rồi đút cho mình cái tăm rồi bảo đi về. Mình thì ngây ngô không hiểu. Mãi mới biết làm thế để giả bộ với mẹ rằng chúng con vừa đi ra ngoài ăn quà đấy.”
Hơn 37 năm yêu và cưới, Chí Trung - Ngọc Huyền vẫn líu ríu bên nhau như đôi chim cu trong tổ ấm của mình
Ngọc Huyền khoe bức hình hai vợ chồng mới chụp trong chuyến du lịch gần đây
30 năm, tấm ri-đô hình con ốc làm từ giấy báo đã không còn, những nồi niêu xoong chảo, phích nước vật phẩm được tặng từ đám cưới đã dùng hết cả, cái gác xép tổ cúc cu cũng mất. Chỉ mùi pháo thơm vô hình thì thời gian vẫn chưa ăn mòn tới được. Mùi pháo ấy nhắc Ngọc Huyền nhớ lại chị đã hạnh phúc như thế nào trong ngày cưới với Chí Trung, để trong lúc khó khăn nhất vẫn kiên tâm giữ một chốn thiêng liêng trú ẩn suốt cuộc đời.