Đắk Lắk: Ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu tại huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột

Mai Lê, Quang Nhật,
Chia sẻ

Ngày 17/2, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu tại huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk: Ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu tại huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 44 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, số mắc rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố và có 2 ổ dịch tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Lắk. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường Mầm non và Tiểu học.

Tại huyện Lắk, ngày 9/2, bệnh nhân đầu tiên là H.R.Ê. (SN 1999, trú tại xã Nam Ka, huyện Lắk) có biểu hiện sốt nhẹ, xuất hiện nốt mụn nước trên mặt, ngực. Ngày 13/2, bệnh nhân được người nhà đưa đến trạm y tế xã Nam Ka khám và xin thuốc. Tại đây, bệnh nhân được cán bộ y tế thông báo tình hình có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu và cho thuốc điều trị, hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Hiện có 6 trường hợp khác sống gần nhà bệnh nhân cũng đang có dấu hiệu bệnh tương tự. Các ca bệnh đa số là học sinh tại Trường Mẫu giáo Hoa Hướng Dương (4 ca); Trường Dân tộc nội trú Lăk (1 ca); Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (1 ca). Nguy cơ bùng phát dịch tại các trường học là rất cao.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, bệnh nhân đầu tiên phát hiện mắc bệnh là Y.B.Ê. (SN 2017, trú tại Buôn Tơng Ju, xã Eakao, TP. Buôn Ma Thuột). Theo người nhà bệnh nhân, bệnh khởi phát vào ngày 1/2 với triệu chứng sốt nhẹ, tuy nhiên gia đình vẫn cho bé đi học tại trường Mầm non Eakao, xã Eakao. Đến ngày 6/2, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện mụn nước rải rác ở bụng và mặt sau đó lan ra các vùng khác; lúc này gia đình cho cháu nghỉ và đi khám tại phòng khám tư, có sử dụng thuốc (không rõ loại). Hiện tại đã ghi nhận 22 trường hợp mắc bệnh là học sinh Trường Mầm non Eakao.

Ngày sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, lực lượng y tế đã tiến hành giám sát điều tra ca bệnh tại nhà, dịch tễ xung quanh. Điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại các trường học, tiến hành phun ChloraminB khử khuẩn và cấp ChloraminB cho các trường học ghi nhận ca bệnh khử khuẩn hằng ngày. Đồng thời hướng dẫn các gia đình có ca bệnh thực hiện việc vệ sinh hàng ngày, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong xã tiêm vaccine thủy đậu, đồng thời khi có các biểu hiện triệu chứng tương tự như sốt, nổi mụn nước... liên hệ ngay Trạm Y tế để xử trí kịp thời.

Chia sẻ