Đại Võ Sinh Huyết Chiến: "hàng mới" của điện ảnh Trung Hoa
Sau kungfu và phim kiếm hiệp cổ trang thì "võ thuật kinh kịch" sẽ là món thay thế?
Ngoài kungfu, Trung Hoa còn có võ thuật Kinh Kịch
Đại Võ Sinh Huyết Chiến không phải là câu chuyện của những con người ra sức đi tìm mọi cách để bảo tồn bộ môn văn hóa này tại Trung Hoa và cũng không phải một phim về lịch sử kinh kịch. Nó chỉ đơn thuần là một phim nói về những xung đột xunh quanh mối quan hệ tình cảm giữa 2 chàng trai và một cô gái đều là diễn viên kinh kịch. Mối quan hệ phức tạp này xảy ra vào thời Dân Quốc và cũng là giai đoạn vàng của lịch sử kinh kịch Trung Hoa. Chỉ vậy thôi! Nhưng khi bước ra tầm thế giới, Đại Võ Sinh Huyết Chiến lại có sức lan tỏa đưa văn hóa Trung Hoa (là Kinh Kịch) ra ngoài thế giới một cách cực kỳ mạnh mẽ và ấn tượng.
Từ lúc này về sau, câu chuyện chuyển sang hẳn bối cảnh của gánh hát kinh kịch và những con người ở đó. Câu chuyện ân oán, hận thù của các nhân vật chính lần lượt được kể ra với những màn...đánh nhau cực kỳ ấn tượng trong phim. Dĩ nhiên, võ thuật sử dụng trong các pha đánh nhau cũng chính là võ thuật kinh kịch - vừa uyển chuyển, vừa khéo léo nhưng vẫn mạnh mẽ không kém.
Chuyển tải văn hóa cực kỳ độc đáo
Vậy ra đây là phim chỉ dành riêng cho người nước ngoài xem về văn hóa Trung Hoa? Không hề, hãy nhìn vào 3 diễn viên chính thì bạn sẽ hiểu. Han Kyung, Ngô Tôn và Từ Hy Viên chính 3 cái tên đang được giới trẻ Trung Hoa cực kỳ yêu thích và hâm mộ. Đại Võ Sinh Huyết Chiến không phải làm ra để đi thi hay để "bảo tồn" văn hóa đơn thuần mà còn để kinh doanh đàng hoàng.
Với 3 cái tên "hot" như thế, Đại Võ Sinh Huyết Chiến dư sức kéo khán giả đến rạp dù cho có là "phim về kinh kịch". Và câu chuyện lại tiếp tục với thêm một thành công nữa của những người làm phim khi đã mang được những hình ảnh "quốc hồn quốc túy" của kinh kịch đến với hàng ngàn khán giả mà trước đó họ chẳng cần và cũng chả quan tâm đến "kinh kịch là cái gì". Chỉ cần những người trẻ không thấy "kinh kịch" là một cái gì xa lạ nữa là đủ...
Kịch bản đơn giản mang đậm tính giải trí
Đại Võ Sinh Huyết Chiến không phải là một kịch bản với những tình huống mới lạ, đặc sắc mà chỉ đơn thuần là những màn "trả thù" của các nhân vật được lồng ghép khéo léo, đan xen vào nhau. Nhưng, cho dù khéo léo thế nào mà nội dung phim không "hot" thì cũng khó có thể để phim có thể lôi kéo được khán giả đến rạp để xem những thứ liên quan đến "kinh kịch". Và thêm một chút tình cảm tay ba, thậm chí là tay tư vào những màn trả thù chính là món "hot" mà bộ phim mang đến cho khán giả.
Tất cả mọi ân oán hận thù bắt đầu được gieo kể từ sau sự thua cuộc của sư phụ Dư Thắng Anh và tấm biển vàng "Võ sư Thái Đẩu" rơi vào tay Nhạc Giang Thiên. 15 năm sau, hai đệ tử của Dư Thắng Anh là Quan Nhất Long (Ngô Tôn đóng) và Mạnh Nhị Khuê (Han Kyung đóng) đã trở về thách đấu với Nhạc Giang Thiên và chiến thắng. Nhạc Giang Thiên tự sát ngay tại chỗ. Hai cậu học trò tiếp quản gánh hát và quản lý luôn cả cô đào nổi tiếng trong giới kinh kịch bấy giờ là Tịch Mộc Lan (Từ Hy Viên đóng). Từ đây, những mối xung đột giữa 3 nhân vật đời sau này mới trở thành tâm điểm của phim. Quan Nhất Long trả xong thù cho thầy thì bắt đầu hưởng thụ. Mạnh Nhị Khuê thì tiếp tục thực hiện việc "trả thù nhà". Trong khi đó, một mối thù mới lại đang được bắt đầu với cô đào Tịch Mộc Lan và cũng là học trò cũ của Nhạc Giang Thiên.. Tại Việt Nam, Đại Võ Sinh Huyết Chiến (My Kingdom) do BHD phát hành và công chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 16/9/2011. |
Khó có ai nghĩ là sau kungfu và phim kiếm hiệp cổ trang, với Đại Võ Sinh Huyết Chiến, người Trung Hoa lại có thể bắt các khán giả thế giới phải tiếp tục đặt câu hỏi và quan tâm đến một thứ khác đến từ đất nước này: đó là võ thuật kinh kịch. Phải chăng, đây sẽ là món thay thế cho những "kungfu" hay "cổ trang" đang bắt đầu "nhạt" dần? Hãy chờ xem.
Cuối cùng, xin mượn những băn khoăn của một bạn trẻ sau khi xem phim để khép lại bài viết này. Và hy vọng đó cũng không chỉ là suy nghĩ riêng của bạn trẻ này: "Kinh kịch Trung Quốc đã bước ra thế giới bằng phim ảnh một cách ấn tượng như thế. Vậy thì bao giờ các "quốc hồn, quốc túy" đầy đặc sắc và thú vị của Việt Nam như cải lương, chèo, hát bội...mới có được một cơ hội tương tự?". Câu hỏi này, xin dành cho các nhà làm phim Việt đang ngày đêm mải theo đuổi những thứ xa xôi mà có lẽ là từ lâu đã quên mất những "quốc hồn, quốc túy" này...