"Đại thủy chiến": Cảm xúc từ bộ phim Hàn ăn khách nhất mọi thời đại

Hải Anh,
Chia sẻ

Điều gì đã khiến một bộ phim lịch sử như "Đại thủy chiến" trở thành tác phẩm ăn khách nhất mọi thời đại của Hàn Quốc?

Năm nay, phòng vé Hàn Quốc xác lập một kỷ lục doanh thu mới với Đại thủy chiến - Roaring Currents. Bộ phim lịch sử này đã vượt qua những tác phẩm bom tấn trước đó để trở thành Phim ăn khách nhất mọi thời đại, thu hút hơn 17 triệu lượt người xem. 

Điều gì làm nên thành công cho một bộ phim lịch sử - thể loại phim mà rất nhiều người nghĩ rằng khô khan, "khó nhằn"? Phải chăng người Hàn Quốc kéo nhau ra rạp để ủng hộ tinh thần cho một bộ phim kể lại chiến công vĩ đại đã giúp họ lưu danh sử sách?

"Đại thủy chiến" trailer


Dựa trên sự kiện lịch sử có thật, Đại thủy chiến tái hiện lại cuộc chiến vô tiền khoáng hậu của đô đốc Yi Sun Shin - chỉ đạo 12 chiến thuyền chống lại cuộc tấn công của... 330 tàu chiến đến từ Nhật Bản năm 1579.

Bộ phim mở ra với bối cảnh năm thứ 6 trong cuộc chiến tranh đầy đau thương, mất mát giữa triều đại Joseon và Nhật Bản. Quân Nhật ngày càng bành trướng khi huy động lực lượng hải quân khổng lồ tiến vào vùng biển Joseon. Kinh thành dường như đã chấp nhận số phận. Đức vua trị vì ban thánh chỉ yêu cầu Đô đốc Yi Sun Shin giải tán lực lượng Hải quân. 

Thế nhưng, với quan điểm "để mất biển là mất nước", Đô đốc Yi đã kiên quyết duy trì lực lượng 12 tàu chiến, lập ra chiến lược đối đầu với 330 tàu địch, được chỉ huy bởi Kurushima - được mệnh danh là "Vua hải tặc" đến từ Nhật Bản, kẻ từng có mối thù sâu đậm với Yi Sun Shin.


Nam diễn viên tài năng Ryu Seung Ryong vào vai "Vua hải tặc" Kurushima

Cuộc chiến ngay từ lúc mở màn đã gần như nắm chắc thất bại, binh sĩ mất niềm tin, không còn tinh thần chiến đấu. Tất cả những cận thần của Đô đốc Yi đều lần lượt quay lưng lại với ông. Ngay cả người con trai luôn sát cánh bên ông cũng khuyên cha hãy buông bỏ. Yi Sun Shin đã bắt đầu cuộc chiến không phải với 12 chiến thuyền, mà với con số 0 tròn trĩnh: không niềm tin, không ý chí, không có nơi quay lại. Tất cả chỉ có cái chết cùng một nỗi sợ hãi khổng lồ đang chờ đợi để nuốt chửng đội quân Joseon ở phía trước.

Tái hiện lại cuộc chiến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Hàn Quốc, đạo diễn Kim Han Min lại lựa chọn cách tập trung khai thác nỗi sợ hãi của con người. Nỗi sợ hãi lớn dần theo thời gian, từ khi cuộc chiến bắt đầu cho đến khi lên đến cao trào. Nỗi sợ hãi như một thứ virus ăn mòn con người ngày này qua ngày khác. Thế nhưng đỉnh điểm của nỗi sợ chính là gì? Tại sao nỗi sợ hãi lại chính là chiến thuật của Đô đốc Yi Sun Shin? Đó cũng là câu hỏi mà đạo diễn Kim đặt ra cho người xem và chỉ chịu đưa ra câu trả lời vào phút chót.



Xem Đại thủy chiến, dường như khán giả cũng hóa thân thành nhân vật trong phim, những con người nhỏ bé chờ đợi và thắc mắc, rốt cuộc Đô đốc Yi sẽ làm gì để chống lại 330 chiến thuyền hung hãn kia chỉ với đội quân nhụt chí của mình? 127 phút xem phim, cũng bởi thế, là 127 phút hồi hộp đến nín thở. 

Như đoán biết tâm lý người xem, đạo diễn Kim Han Min cũng điều tiết để cho diễn tiến cuộc chiến chậm rãi nhưng kịch tính. Các đại cảnh hoành tráng, những cảnh chiến đấu khốc liệt có thể khiến khán giả phải che mặt, phần âm thanh được làm chân thật cùng tông màu tối trong bối cảnh lịch sử cũng đầy u ám, đau thương, tất cả biến Đại thủy chiến thành một tác phẩm hùng tráng đẫm chất sử thi, đẹp trong đau đớn.

Ngoài ra, không thể không khen ngợi yếu tố cảm xúc luôn được các đạo diễn Hàn Quốc xử lý rất tốt trong những bộ phim của họ. Với Đại thủy chiến, người xem sẽ phải rùng mình, nổi da gà hoặc rơi nước mắt với nhiều trường đoạn ấn tượng. 


Và cuối cùng, trọng tâm của tác phẩm, Đô đốc Yi Sun Shin - người quan trọng nhất lại được xây dựng một cách "bình thường" nhất. Dưới sự thể hiện của diễn viên kỳ cựu Choi Min Sik, ấn tượng về vị Đô đốc lẫy lừng này trong Đại thủy chiến là... không có ấn tượng gì cả. Ông không dũng mãnh, cũng không đáng sợ. Ở Đô đốc Yi chỉ toát lên nét già nua cũ kỹ của một người đã chinh chiến nhiều năm, lại đang mang bệnh tật, gần đất xa trời.

Thay vì tái hiện hình ảnh vị Đô đốc oai phong lẫm liệt, đạo diễn Kim lại chọn cách tái hiện Đô đốc Yi ở khía cạnh nội tâm, những nỗi trăn trở, trằn trọc, những điều ám ảnh ông khi là người đứng mũi chịu sào, trước cuộc chiến không nhìn thấy một tia hy vọng. Thay vì tái hiện khía cạnh mạnh mẽ, bất khuất, Yi Sun Shin trong Đại thủy chiến lại là một lão tướng cô đơn, thương tổn, đầy bất an và cũng sợ hãi như ai. Chỉ khác là với những binh sĩ đắm chìm, co cụm trong nỗi sợ hãi, vị Đô đốc lại đối diện với nó và như ông nói, "lợi dụng" nó để chiến thắng nó.


Ngôi sao gạo cội Choi Min Sik đã thể hiện thành công hình tượng Đô đốc Yi Sun Shin

Trở lại với câu hỏi tại sao một bộ phim lịch sử lại hút khách đến vậy ở rạp chiếu? Phải chăng người Hàn kéo nhau ra rạp để ủng hộ tinh thần tác phẩm tái hiện lại chiến công vĩ đại của họ? Điều này có lẽ cũng đúng, bởi tự tôn dân tộc là điều mà ai cũng có. Thế nhưng một tác phẩm chẳng thể nào sống và lan truyền được nếu không chứa cảm xúc. Bạn sẽ không bao giờ nhớ về một bộ phim chẳng khiến bạn đọng lại một điều gì khi xem xong. Với Đại thủy chiến, cho dù không phải một công dân Hàn Quốc, cho dù chẳng am hiểu lịch sử, bộ phim cũng sẵn sàng giữ một chỗ trong tim khán giả bởi ngọn lửa cảm xúc mà nó đã nhen lên.
Chia sẻ