Đại gia Diệu Hiền: "Tôi bán nhà mua Rolls Royce làm thương hiệu"
Bà Diệu Hiền nổi tiếng và tai tiếng cũng do con cá tra, khi được ca ngợi đến tận mây xanh, lúc bị coi như kẻ tội đồ. Vừa từ Mỹ trở về, nữ đại gia dốc bầu tâm sự chuyện đời, chuyện làm ăn...
Nữ đại gia này cho biết từ ngày về nước đã tăng được mấy ký, nên có da thịt chứ hôm mới về tóp cả hai má, rồi nở nụ cười mệt mỏi. Nhưng chỉ chốc lát, câu chuyện không thể không nhắc đến con cá tra và bà Phạm Thị Diệu Hiền trở nên khác hẳn, lại như hồi nào. Bà nói, con cá tra của ĐBSCL không nước nào có được, từ thịt, da đến gan, xương, đều chế biến được sản phẩm ngon, “nhưng muốn khai thác lâu dài thì phải làm thương hiệu, chú Sáu Kiệt bảo tôi như vậy”.
Bán nhà, mua xe Rolls Royce làm thương hiệu
- Có phải cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt?
- Dạ. Hồi đầu, tôi cũng sợ không làm được. Chú Sáu Kiệt bảo nếu không có thương hiệu thì sẽ giết chết con cá tra, khai thác cạn kiệt tài nguyên mà đất nước vẫn nghèo. Chú động viên tôi, đã làm thành công dự án khu dân cư, xây được biệt thự đẹp thì làm thương hiệu cá tra được, thương nông dân ĐBSCL là làm được.
Trước kia, tôi sợ giết cá lắm, chú Sáu khuyên nếu giết cá phải xuống địa ngục mà giúp được nhiều người nuôi cá bớt khổ thì không sợ gì cả. Tôi nghe theo, nghĩ một mình tôi lỡ phải xuống địa ngục mà hàng trăm người được lên thiên đường thì cũng ráng.
- Năm 2007 bà mới bén duyên con cá tra, làm thế nào bà xây dựng được thương hiệu Bianfishco nhanh như vậy?
- Nhiều người có hàng nghìn tỷ mà có làm được đâu. Tôi cũng nhờ được nhiều người bày cho. Một chính khách nổi tiếng của Mỹ chỉ cho biết, đối xử với các triệu phú phải có đẳng cấp để họ không coi thường mình thì mới làm ăn được với họ, sản phẩm mới có thương hiệu. Tôi bán hai ngôi nhà mua chiếc xe Rolls Royce cũng để xây dựng thương hiệu cá tra, dùng đón đưa các triệu phú tận sân bay, những khi họ sang đàm phán làm ăn.
Công ty Bình An từ ngày thành lập không tăng vốn điều lệ, trong lúc đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy, cả viện nghiên cứu, giá trị gấp hai ba lần. Tôi đem hết tài sản nhà cửa đất đai rất nhiều của gia đình thế chấp vào ngân hàng, vay tiền làm.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền cho biết, nghe lời khuyên từ một chính khách Mỹ nổi tiếng, để làm thương hiệu, đã từng phải bán 2 căn nhà để mua xe Rolls Royce.
- Không lẽ nhờ có chiếc Rolls Royce mà sản phẩm Bianfishco vào Mỹ được hưởng thuế suất ưu đãi bằng không sao?
- Bianfishco vào thị trường Mỹ ghi nhãn hiệu lớn đàng hoàng, không phải ghi chữ nhỏ xíu bên dưới tên người khác như không ít doanh nghiệp, và vào thẳng siêu thị. Chúng tôi đã ký được hợp đồng với một tập đoàn quản lý siêu thị hàng đầu của Mỹ, một tháng xuất 100 container sản phẩm cá tra, một năm là 1.200 container. Đột ngột, ngân hàng rút vốn, như chiếc xe đang chạy có trớn ngon lành thì bị rút ống xăng.
Cay đắng
Trồng cây, đến ngày hái quả thì không hái được, chúng tôi đau lắm. Cùng lúc đó, tôi tổ chức đám cưới cho con lại bị nhiều báo chí bêu riếu, tôi sốc quá nên đổ bệnh.
- Lúc đó, có người còn suy luận Diệu Hiền ôm tiền chạy ra nước ngoài?
- Suy luận ác quá. Làm sao tôi lại mua danh ba vạn bán danh ba đồng. Diệu Hiền sống vì danh dự chứ chưa bao giờ sống vì đồng tiền. Ở Mỹ, bệnh xỉu lên xỉu xuống nhưng tôi cũng ráng nhờ nhiều người giúp đỡ hoàn trả được tiền đặt cọc cho đối tác ký hợp đồng, để bảo vệ thương hiệu Bianfishco , giữ thị trường Mỹ.
- Thực tế số người hiểu, thương và giúp đỡ vẫn nhiều hơn số người căng biểu ngữ chửi Diệu Hiền, nên Bình An mới trở lại bình an?
- Tôi kể anh nghe chuyện này, một phụ nữ tham gia nhóm người căng biểu ngữ chửi đó, nuôi cá tra đến khi không còn tiền cho cá ăn nữa, năn nỉ tôi mua. Tôi nói tôi cũng đang gặp khó, mà chồng của chị là đại gia chế biến thủy sản, sao không kêu chồng mua? Nhưng chồng chị ta chế biến xuất khẩu thủy sản mấy chục năm mà không có thương hiệu, không có thị trường. Tôi mua cá cho chị ta, gặp lúc ngân hàng rút vốn nên thiếu nợ. Khi tôi bệnh nặng, chị ta không một lời hỏi thăm còn chửi bới, và chồng tôi kể là chồng chị ta còn kéo nhiều người đến đe dọa tính mạng chồng tôi cả đêm.
- Ông Trí chồng bà cũng có kể rằng, xảy ra khủng hoảng nợ càng thương Diệu Hiền vì lo làm ăn đến nỗi khi ra nước ngoài trị bệnh lại không có tiền?
- Ngân hàng phong tỏa hết tài khoản của tôi. Lúc đó, tôi đang lo làm ăn, bỏ hết tiền ra làm ăn, đột ngột khó khăn dồn dập rồi bệnh nặng tái phát nên trở tay không kịp. Nhưng tôi cũng biết ơn nhiều người khi bị nợ lớn, rất khó khăn vẫn không nặng lời với Công ty Bình An, với chồng con tôi, không kiện cáo gì cả. Như anh Khắc Hải ở Cần Thơ, tôi mua cá hơn 60 tỷ đồng, trả được một phần còn nợ gần 42 tỷ.
Cô Minh Thư cũng ở Cần Thơ mà báo chí viết là “hoa hậu nuôi cá tra”, còn bị nợ hơn 3 tỷ đồng, cũng không chửi bới gì cả. Làm ăn với nhau nhiều năm, họ biết đấy ạ. Diệu Hiền không giật dọc của ai, không bao giờ dám phụ bạc con cá tra.
Không trả hết nợ, chết không nhắm mắt
- Nhiều người nể phục chồng của Diệu Hiền, trước kia hay bị tiếng thích ăn chơi vậy mà khi đụng chuyện, làm được việc không mấy ai làm được?
- Đúng là anh Trí có lúc mê chơi, tôi phải đưa tiền để xài. Nhưng khi bị bệnh, tôi lại hạnh phúc vì anh điện thoại bảo là giá nào cũng giữ được nhà máy cho tôi, trả được nợ cho nông dân. Tôi mừng lắm. Nhà máy chế biến cá tra là tâm huyết cả đời tôi, còn nợ tiền cá phải trả hết, thì tôi nếu có chết mới nhắm được mắt.
- Hôm ông Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội Đỗ Quang Hiển vào Công ty Bình An , đã khoác vai ông Trí cảm ơn là giữ được nhà máy không suy chuyển một chút gì. Hành động khoác vai ấy khiến phóng viên báo chí chúng tôi hơi bị bất ngờ, ngân hàng chủ nợ và doanh nghiệp con nợ có thể thân mật như thế để vượt khó khăn?
- Tính anh Trí khác tôi, với ai anh Trí cũng chơi được, không muốn làm mất lòng ai cả, có người xấu với anh mà anh cũng làm bạn được. Còn tôi không thích ai là cả đời không chơi. Hôm anh Trí ra đón tôi ở sân bay, tôi bệnh ốm yếu mà cũng vững hơn anh Trí đấy. Thấy tôi tiều tụy, anh Trí suýt khóc. Tôi phải đưa tay ra hiệu là còn đông người xung quanh, đừng làm gì người ta để ý, ảnh mới kìm được.
- Dù sao, cuối cùng, Diệu Hiền cũng đã về lại ngôi nhà hạnh phúc của mình trong yên ấm, xin chụp một tấm hình?
- Tôi rất không muốn, vì sợ ồn ào trên báo chí. Nhưng không lẽ từ chối. À, để tôi bế cháu nội nhé, giờ tôi ở nhà chăm cháu nội thôi.