Đại biểu Tư pháp: "Thiến" những kẻ hiếp dâm mới là nhân văn

Theo Bao Dat Viet,
Chia sẻ

"...Nhu cầu tình dục là tự nhiên của con người, nhưng xã hội phải can thiệp không để cho nó hoạt động một cách tự do, bừa bãi"...-ĐB Đỗ Văn Đương.

"Giả sử trong trường hợp bản thân lâm vào tình trạng này tôi cũng đồng ý chịu hình phạt đó. Kể cả con cái mình, tôi cũng đề nghị như thế bởi vì không cần thiết tố chất dục vọng trái pháp luật, gây hại cho người khác, gây hấn cho xã hội, nhục nhã cho dòng họ, cho gia đình như vậy. Nhu cầu tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người, nhưng xã hội phải can thiệp không để cho nó hoạt động một cách tự do, bừa bãi"... - ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ.

Hiếp dâm tập thể không chỉ ở Ấn Độ

PV: - Thời gian gần đây liên tiếp những vụ án hiếp dâm trẻ em đau lòng xảy ra, gây bức xúc dư luận như: Vụ án Đặng Trần Hoài giết bé gái mới 4 tuổi và hiếp cô chị 8 tuổi ở Sơn Tây, HN; bé gái học lớp 8 ở Chương Mỹ, HN bị 4 thanh niên thi nhau hiếp dâm tập thể, chụp ảnh "mây mưa"; người bố đau đớn trước thảm cảnh đứa con gái 7 tuổi của mình bị bạn nhậu hiếp dâm trong nghĩa địa giữa rừng cao su…. Hậu quả, nạn nhân phải chịu nỗi đau, tổn hại lớn về sức khỏe, sự khủng hoảng về tinh thần và mất mát theo suốt cuộc đời. Là Ủy viên UB Tư pháp của QH, ông nhìn nhận về điều này như thế nào?

ĐB Đỗ Văn Đương: - Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra trong mấy năm gần đây rất phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều địa phương và do các đối tượng khác nhau thực hiện. Và đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em còn rất ít tuổi. Thậm chí, có cháu 3 - 5 tuổi đã bị xâm hại tình dục rồi.

Đại biểu Tư pháp:
  ĐB Đỗ Văn Đương

Những hành vi rất nguy hiểm này chúng tôi thấy cần phải cảnh báo cho người dân biết. Bởi trẻ vốn ngây thơ, vẫn chưa hiểu biết gì, rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt, mua chuộc để các đối tượng chiếm đoạt tình dục. Cho nên trẻ em ở những nơi vắng vẻ, đi một mình, hoặc ở nhà không có người lớn trông nom hay bị các đối tượng "râu xanh" mò tới, cưỡng bức tình dục.

Điều này không phải hiếm gặp, tôi cũng đã từng truy tố nhiều đối tượng trên 80 tuổi về hiếp dâm trẻ em, có cụ cùng một lúc hiếp dâm cả hai trẻ em 4 tuổi và 5 tuổi.

Trẻ em chăn trâu, cắt cỏ ở nông thôn, bãi bồi, vùng đồi núi vắng cũng bị hiếp dâm. Đối tượng không phải ai xa lạ mà chính là những người quen thực hiện hành vi đồi bại ấy.

Hay những trẻ em hơn nhau vài tuổi như nữ là 10 - 12 tuổi, nam 12 - 13 tuổi bây giờ cũng đã có hành vi tình dục rồi. Chúng xem phim ảnh rồi bắt chước và giao cấu với nhau; thậm chí hiếp dâm, nhưng theo luật những đối tượng này chưa đủ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử lý hành chính là không đủ sức răn đe.

Một loại đối tượng khá đặc biệt nữa là những thanh niên mới lớn (15-17 tuổi) rất nhạy cảm về dục vọng và khi họ uống rượu say thì phải coi chừng. Bởi khi bị kích thích và có điều kiện là sẽ thực hiện hành vi cưỡng hiếp.

Hơn nữa, bây giờ có hiện tượng hiếp dâm tập thể, không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ.

Từ việc xâm hại tình dục trẻ em, còn dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh một tội phạm khác nghiêm trọng hơn, như sau khi hiếp dâm là giết nạn nhân để bịt đầu mối.

Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại và tôi phải cảnh báo thủ đoạn như vậy để các em phải luôn luôn có một sự quản lý, trong nom cẩn thận. Nếu không gửi nhà trẻ, không đi học, ở nhà phải có bố mẹ hoặc người lớn. Khuyên và không để cháu không đi một mình vào những nơi vắng vẻ, đi đêm tối một mình, không đàn đúm bạn bè sau khi tan học.

Ngay cả việc giao con cháu cho các ông cụ hàng xóm cũng phải hết sức cảnh giác. Bởi vì bây giờ con người cũng chịu sự tác động của nhiều luồng thông tin xấu, văn hóa phẩm độc hại. Trong lúc ở nhà một mình, dục vọng nổi lên bản thân các cụ cũng bức xúc đấy, cố gắng tìm cái gì thỏa mãn và lúc đó trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị lợi dụng đấy.

Đây chính là điều nhức nhối nhất của mặt trái xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, văn hóa phẩm độc hại kích dục bùng nổ, trước hết phải cảnh báo cho người dân biết để quản lý, giáo dục trẻ em; phải tuyên truyền rộng rãi để nhân dân biết mà giám sát, ngăn ngừa. Đối với các cơ quan pháp luật phải điều tra, xử lý trừng phạt người phạm tội thật nghiêm khắc và lấy cái đó răn đe người khác.

Theo tôi, có lẽ tới đây phải hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống 12 tuổi đối với những loại tội đặc biệt nghiêm trọng như hiếp dâm, giết người. Nếu xảy ra hậu quả đặt biệt nghiêm trọng phải xử phạt thật nặng; còn người lớn nếu phạm tội có thể sẽ tử hình.

PV: - Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao trong thời gian gần đây lại liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy?

ĐB Đỗ Văn Đương: - Ở đây, có nguyên nhân xã hội tác động tâm sinh lý con người, công tác quản lý con người chưa được chặt chẽ. Việc tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế; trong khi tác động của hình ảnh kích dục trong phim ảnh; thuốc kích thích tình dục, rượu bia cũng hết sức nguy hiểm… đã làm gia tăng tính đua đòi, bắt chước, tìm hiểu những cái hiếu kỳ, thỏa mãn dục vọng của một bộ phận thanh thiếu niên mới lớn; kể cả các cụ ông cô đơn.

PV: - Ngày nay có rất nhiều những loại hình thuốc kích dục, tăng cường sinh lý quảng cáo nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng, kích thích sự hiếu kỳ. Phải chăng đây cũng chính là một nguyên nhân phát sinh tình trạng trên?

ĐB Đỗ Văn Đương: -

Theo tôi cũng hẳn như vậy. Thuốc kích thích cũng có một phần tác động. Ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có biết thuốc kích dục là gì đâu.

Nhưng cái tác động nhiều nhất chính là phim ảnh, quảng cáo hở ngực, phim sex trên các phương tiện thông tin, trên mạng, gây kích thích sự tò mò, hiếu kỳ. Ngay cả chuyện sinh hoạt của người lớn, không kín đáo để các em nhìn thấy cũng gây kích động.

Thiến hóa học để nhân văn với số đông

PV: - Vụ án nữ sinh 23 tuổi bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt dẫn đến tử vong ở Ấn Độ xảy ra gần đây đã khiến dư luận nước này kịch liệt lên án. Một trong số các biện pháp mạnh được đưa ra là "thiến" bằng hóa chất. Hình phạt này đang được áp dụng thành công ở một số nước như: Mỹ, Anh, Đức, Nga, Hàn Quốc. Theo ông ở Việt Nam có nên áp dụng biện pháp này?

ĐB Đỗ Văn Đương: - Đây là một biện pháp rất đáng để đưa ra bàn. Cũng sẽ có người cho rằng điều đó vi phạm nhân quyền, người ta phạm tội thì chỉ phải chịu hình phạt mang tính truyền thống. Nhưng đây có lẽ là một hình phạt mới, cần được nghiên cứu, bổ sung trong hệ thống hình phạt để duy trì trật tự xã hội hiệu quả hơn, khiến cho người khác thấy nhục nhã, run sợ mà từ bỏ hành vi phạm tội.

Ý nghĩa của nó là không chỉ trừng trị người phạm tội mà quan trọng hơn là răn đe người khác đừng có đi vào con đường tà dâm. Ngày xưa, pháp luật phong kiến người ta có hình phạt rất hay, người ăn trộm thì bị chặt tay, anh nào hiếp dâm người ta đem thiến. Đây là một hình phạt dường như thái quá nhưng hiệu lực răn đe rất tốt.

Theo tôi, những đối tượng phạm tội hiếp dâm rồi, khi ra tù vẫn có thể tái phạm. Nếu tiêm loại hóa chất đó mà loại trừ được bệnh hoạn của người phạm tội thì cũng nên áp dụng.

Vì chính họ là người gây tội ác cho xã hội, gây hoang mang lo sợ trong dân chúng thì Nhà nước với tư cách là người duy trì các trật tự xã hội, có lẽ cũng cần một biện pháp thích ứng để đối phó với sự gia tăng của tình hình xâm hại tình dục trẻ em một cách hữu hiệu nhất.

Nếu chúng ta cứ nặng về giáo dục, về hình phạt tù, thì e rằng mầm họa tà dâm trong xã hội khó mà thuyên giảm; phải có hình phạt mạnh để những người khác có ý định gây tội lỗi ấy cảm thấy kinh sợ, nhục nhã, không dám phạm tội. Nếu đúng có loại thuốc đó theo tôi cũng nên áp dụng.

Cùng với tuyên hình phạt tù, cần tuyên "thiến hóa chất" là một hình phạt bổ sung. Tức là cùng với việc đi tù, thì đồng thời tiêm loại thuốc đó để mất khả năng tình dục.

PV: - Cũng có quan điểm cho rằng áp dụng việc thiến hóa chất sẽ là thiếu nhân văn. Ông nghĩ sao về điều này?

ĐB Đỗ Văn Đương: - Cái nhân văn chúng ta phải hiểu là nhân văn cho cái đa số chứ không phải là thiểu số. Khi trừng trị một ai đó phải dựa vào căn bản quyền trừng trị của xã hội, tức quyền phải xem xã hội có cần trừng trị người phạm tội bằng hình phạt "thiến hóa chất" hay không? Xã hội thấy rằng cần thiết phải trừng trị hành vi này như vậy thì Nhà nước phải có hình phạt thích ứng, giữ cho xã hội yên vui.

Nhà nước là người phải điều khiển xã hội, phải nắm lấy căn bản quyền trừng trị của xã hội đó, nhu cầu của xã hội mà hoạch định chính sách hình sự, xây dựng luật hình và có biện pháp thích nghi. Trước khi đưa ra một hình phạt nào đó, phải có ý kiến trong nhân dân. Nếu đa số đồng ý, mà trên thế giới nhiều nước áp dụng thì mình cũng có thể áp dụng.

PV: - Giả sử chúng ta có áp dụng biện pháp thiến hóa chất này đối với các đối tượng phạm tội hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay hàng loạt các mặt hàng như thuốc kích thích, tăng cường sinh lý… lại được bày bán tràn lan trên thị trường. Nếu như được sử dụng các loại thuốc này họ lại trở lại như cũ thì việc thiến hóa chất xem ra không khả thi?

ĐB Đỗ Văn Đương: - Khi tiêm vào rồi phải tính đến khả năng không lấy lại được như cũ nữa, tức là làm suy giảm triệt để thì có dùng loại thuốc nào cũng không kích lên được nữa.

Tôi cho rằng đó cũng là một hình phạt và cũng nên thế vì có những trường hơp hiếp dâm gây chết người, gây phẫn uất trong dư luận xã hội. Chính vì vậy, đối với những trường hợp phạm tội hiếp dâm thì nên tiêm loại thuốc mất hết khả năng tình dục. Điều đó sẽ tạo ra sự răn đe vô cùng hiệu quả.

Đồng thời, cũng ngăn ngừa không để tái phạm tội và cũng không để sinh ra một đứa trẻ có "gien" phạm tội bẩm sinh, tức là đời cha đã hiếp dâm thì đời con cũng không loại trừ.

Trước đây người ta hoạn, thì xã hội văn minh nên áp dụng thiến hóa chất, tuy anh còn đầy đủ các bộ phận nhưng không còn dục vọng nữa, đây là biện pháp hiệu quả và nhân văn.

PV: - Riêng cá nhân mình, ông có đồng ý với biện pháp này không?

ĐB Đỗ Văn Đương: - Tôi đồng ý. Giả sử trong trường hợp bản thân lâm vào tình trạng này tôi cũng đồng ý chịu hình phạt đó. Kể cả con cái mình cũng thế, tôi cũng đề nghị như thế bởi vì không cần thiết tố chất dục vọng trái pháp luật, gây hại cho người khác, gây hấn cho xã hội, nhục nhã cho dòng họ, cho gia đình như vậy.

Nhu cầu tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người, nhưng xã hội phải can thiệp không để cho nó hoạt động một cách tự do, bừa bãi. Người đàn ông không thể như con gà trống, cứ nhìn thấy con gà mái là có thể vỗ cánh xông vào. Đã là con người là phải gắn với người khác, tổng hòa các mối quan hệ xã hội.

Khi đôi mắt xã hội nhìn vào thì đành phải biết kiềm chế hành vi vì xã hội sẽ có chế tài xử lý khi cá nhân đi ngược lại quy tắc xử sự chung của xã hội. Đừng vì những ham muốn thái quá, chà đạp danh dự, nhân phẩm người khác, là trái đạo lý làm người, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

PV: - Xin cảm chân thành cảm ơn ông!


Chia sẻ