Đã thơm tho còn được khỏe mạnh!
Để sử dụng hương trị liệu một cách hiệu quả và an toàn, các bạn cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về phương pháp này.
Hương trị liệu (aromatherapy) là một phương pháp điều trị bệnh khá tốn kém nhưng rất độc đáo bởi người bệnh vừa được thưởng thức những loại hương thơm ngát, vô cùng dễ chịu lại còn được lành bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng hương trị liệu một cách hiệu quả và an toàn, cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về phương pháp này.
Hiện nay, nhiều người đã vượt qua giai đoạn “ăn no mặc ấm” để bước vào giai đoạn “ăn ngon mặc đẹp và thơm tho”. Nói đến chuyện “thơm tho” thì như lạc vào mê cung với vô vàn nước hoa, tùy sức chọn lựa, nào nước hoa trong phòng tắm, phòng ngủ, nước hoa để xịt lên trên người…
Bên cạnh đó, hiện nhiều người còn sử dụng hương trị liệu trong khi tắm, xông hơi, ngâm chân, ngâm người tại nhà… Tuy nhiên, việc sử dụng các loại dầu hương liệu hiện nay là tự phát chứ thầy thuốc ít khi chỉ định điều trị bằng hương liệu (do không nắm vững hoặc không có kiến thức về phương pháp điều trị này).
Vì vậy, muốn sử dụng hương trị liệu, chúng ta cần trang bị một số kiến thức cơ bản về chỉ định, chống chỉ định, liều lượng, cách thức xử lý một số phản ứng phụ nếu có… Áp dụng hương trị liệu không đúng cách vừa tốn tiền vừa phải chịu những tác hại do hương liệu gây ra.
Hương trị liệu là một phương pháp điều trị rất nhẹ nhàng, tao nhã bằng cách sử dụng những loại dầu hương liệu (essential oils) được chiết xuất từ các loại cỏ, cây có hương thơm nhằm mục đích kích thích cơ thể và tinh thần, nâng cao sức đề kháng, loại bỏ stress và điều hòa điều chỉnh những rối loạn bệnh lý trong cơ thể. Các loại dầu hương liệu đi vào cơ thể qua hai con đường.
Con đường thứ nhất thông qua hệ hô hấp. Khi những phân tử của dầu hương liệu được hít vào vòm mũi sẽ kích thích những tế bào tiếp nhận thuộc hệ thống khứu giác. Các tế bào tiếp nhận này sẽ chuyển những tín hiệu về hành khứu. Đây là một cấu trúc nằm sâu trong trung tâm của đại não.
Từ hành khứu, những thông điệp điện hóa học này sẽ được gửi đến nhiều vùng khác nhau của não. Khi nhận được những thông điệp trên, các vùng này sẽ tiết ra những chất dẫn truyền thần kinh hóa học. Những chất này có tác dụng làm an thần, thư giãn, giảm đau, điều chỉnh sự rối loạn nội tiết, kích thích tiến trình miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể… Một số dầu hương liệu còn đi vào đường mũi rồi xuống vùng hầu họng, đến hai phổi, tạo ra những tác động điều trị tại chỗ, sau đó được hấp thu vào máu để đi đến các cơ quan.
Con đường thứ hai được thực hiện khi da tiếp xúc với những loại dầu này, các phân tử dầu sẽ đi xuyên qua các tuyến tiết mồ hôi, các lỗ chân lông, rồi được khuếch tán vào máu, vào hệ bạch mạch để đi đến các cơ quan trong cơ thể. Dầu hương liệu có thể được dùng như một loại thuốc để điều trị. Vì vậy chúng ta phải sử dụng đúng cách, đúng chỉ định cho từng loại bệnh cụ thể chứ không dùng theo cảm tính, cứ thấy loại có mùi thơm mà mình thích thì sử dụng hoài, vì đôi khi có những phản ứng phụ.
Một số loại dầu hương liệu được chỉ định để điều trị các bệnh thông thường như hen suyễn dùng clary sage (một loại cây kiểng thuộc họ salvia có hương thơm), cây bách (cypress), trầm hương (frankincense). Viêm phế quản dùng cajuput, gỗ đàn hương (sandalwood). Viêm xoang sử dụng cúc trường sinh (immortelle), chanh, myrtle. Cao huyết áp dùng cây cam chanh (bergamot), dầu hoa cam (neroli), ngọc lan tây (ylang ylang). Bệnh viêm đại tràng kích thích sử dụng sweet majoram, tiêu đen (black pepper), bạc hà (peppermint). Say tàu xe dùng bạch đậu khấu (cardamom), thìa là (fennel), gừng (ginger). Ăn không tiêu sử dụng lá cây quế (cinnamon leaf), rau mùi (coriander), cây cam chanh (bitter orange). Cảm lạnh sử dụng bạc hà, ravensara. Hội chứng tiền kinh nguyệt (những triệu chứng rối loạn trước khi có kinh) dùng clary sage, cây phong lữ (geranium), hoa hồng (rose). Đau bụng kinh sử dụng cúc la mã (roman camomile), clary sage, hoa nhài (jasmine)…
Chúng ta cần chú ý một số dầu hương liệu không được dùng (chống chỉ định) trong các trường hợp sau: không dùng nguyệt quế (bay) khi đang sử dụng các loại thuốc như aspirin, heparin, warfarin… Không dùng thìa là khi đang uống paracetamol. Không dùng hương thảo (rosemary), cỏ xạ hương (thyme) cho bệnh nhân cao huyết áp. Không dùng cải hương (spike lavender) khi đang bị sốt. Bệnh nhân bị động kinh không dùng thìa là, cải hương, hương thảo. Bệnh nhân đang bị viêm gan không dùng thìa là và hương thảo…
Một số loại dầu hương liệu rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời như bạch chỉ (angelica), bergamot, bưởi (grape fruit), chanh, ngọc lan tây… Khi sử dụng các loại dầu này cần tránh xa ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, phụ nữ có thai không được sử dụng các loại dầu hương liệu như cajuput, cúc La mã, hạt cần tây (celery seed), lá cây quế, thìa là, dầu hoa nhài tinh chế (jasmine absolute), juniper berry, lavender (oải hương), kinh giới (marjoram), cỏ thi (yarrow)…
Khi sử dụng dầu hương liệu, điều cần lưu ý đầu tiên là không sử dụng quá nhiều vì sự nồng nặc của hương thơm sẽ có tác dụng ngược lại giống như chúng ta dùng thuốc quá liều vậy. Mỗi lần chỉ sử dụng 1-2 giọt, tuy nhiên có thể kết hợp hai hoặc ba loại dầu hương liệu có cùng chỉ định điều trị một loại bệnh nào đó, mỗi loại hai giọt, trộn thật đều phức hợp dầu hương liệu trên trước khi dùng. Có nhiều phương thức áp dụng, có thể cho phức hợp dầu hương liệu vào một dụng cụ làm bay hơi để hương thơm lan tỏa khắp phòng, có thể nhỏ vài giọt dầu hương liệu vào một chiếc khăn mỏng nhỏ rồi để dưới gối trong lúc ngủ hay nằm thư giãn. Thấm dầu hương liệu vào miếng gạc rồi hít nhẹ nhàng.
Massage bằng dầu hương liệu: sử dụng khoảng sáu giọt, có thể dùng một loại hương liệu hay trộn lẫn 2-3 loại hương liệu (nếu kết hợp ba loại, mỗi loại chỉ dùng hai giọt là đủ), sau đó trộn đều với 15 mi li lít dầu massage hay còn gọi là dầu mang (carrier oil). Phức hợp này được dùng để xoa bóp toàn thân với hiệu quả rất tốt.
Tắm với dầu hương liệu: cho nước ấm vào bốn tắm, nhỏ vào bồn tắm khoảng sáu giọt dầu hương liệu (một loại hoặc kết hợp ba loại với liều lượng như trên) rồi ngâm mình trong khoảng 15 phút. Có thể áp dụng ngâm chân với cùng phương thức trên.
Xông hơi bằng dầu hương liệu: dùng một chậu nhỏ dung tích khoảng 600 mi li lít, đổ nước thật sôi vào và nhỏ vào sáu giọt dầu hương liệu, dùng khăn đủ lớn để trùm lên đầu và toàn bộ chậu nước có chứa hương liệu để xông vùng mặt, mũi họng…
Hương trị liệu là một phương pháp điều trị độc đáo vì vừa được điều trị vừa hưởng sự dễ chịu, thơm tho. Trước đây, phương pháp này chủ yếu được sử dụng ở các spa sang trọng. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều gia đình đã áp dụng tại nhà với mục đích phục hồi sức khỏe và giảm stress sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tại sao chúng ta không trang bị thêm một số kiến thức để có thể điều trị một số bệnh thông thường tại nhà cho chính mình và người thân bằng hương trị liệu?
Theo Saigontimes