Đã đến lúc cần học tập "TỬ TẾ": Toán, Lý, Hoá, Sinh không học, trong tương lai, đất nước sẽ phát triển như thế nào?
Thầy Tuấn cho rằng, đất nước trong kỷ nguyên vươn mình đang cần rất nhiều lao động chất lượng cao có kiến thức, kĩ năng làm việc và thái độ tốt!
Những năm gần đây, chính sách sử dụng điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển vào đại học và một số trường THPT, THCS đã khiến số người học ngoại ngữ tại Việt Nam tăng mạnh. Phụ huynh đổ xô, "đốt tiền" cho con luyện thi.
Nhiều người cho rằng, sự quá chú trọng vào tiếng Anh có thể làm giảm sự chú ý và đầu tư thời gian cho các môn học khác. Một người giỏi tiếng Anh nhưng thiếu kiến thức chuyên môn sẽ khó có thể cạnh tranh trong môi trường làm việc, nơi yêu cầu cả kỹ năng ngôn ngữ lẫn năng lực chuyên môn cao.
Toán, Hóa, Sinh là những môn học nền tảng giúp rèn luyện khả năng tư duy logic và phân tích, điều cực kỳ quan trọng trong các ngành Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ. Nếu thiếu kiến thức vững chắc về các môn này, học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các ngành học chuyên sâu như Y học, Kỹ thuật, Nghiên cứu khoa học. Việc học tiếng Anh tuy quan trọng nhưng không thể thay thế được nền tảng kiến thức khoa học vững chắc.
Mới đây, thầy Đặng Minh Tuấn – Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Việc học giỏi tiếng Anh thật sự có ích, nhưng chỉ mang lại lợi ích cá nhân
Theo ông Tuấn: Những bạn có được năng lực ngoại ngữ, đạt điểm IELTS, TOEFL cao... thường có năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin tốt. Chúng ta đánh giá cao tư duy nhận thức của trẻ ở khía cạnh đó.
Phong trào học ngoại ngữ, thi các chứng chỉ quốc tế - ở góc độ nào đó cũng là một điều tốt. Nó giúp cho cả giáo viên, phụ huynh, học sinh nhận thức ra được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Nó là một kênh để tiếp nhận, tiếp thu được nguồn tri thức, kho thư viện khổng lồ trên thế giới. Tuy nhiên việc dùng tiêu chí năng lực, kỹ năng về ngôn ngữ để đánh giá về mặt tài năng của người học thì hoàn toàn không đúng.
Theo ông, việc học giỏi tiếng Anh thật sự có ích, nhưng chỉ mang lại lợi ích cá nhân; nghĩa là những người giỏi tiếng Anh có thể làm nghề phiên dịch, dạy tiếng Anh và những việc tương tự. Nếu cả quốc gia chỉ tập trung vào việc học tiếng Anh mà bỏ qua các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác, điều đó có thể gây hại và nguy hiểm.
"Ngay cả khi giỏi tiếng Anh, chúng ta chỉ có thể "chém gió" và tự hào với người Tây, làm một số video để khoe khả năng phát âm tốt và dạy tiếng Anh. Chứ việc học tiếng Anh không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào liên quan đến khoa học và kỹ thuật để phát triển đất nước, mục đích của nó chỉ là để tạo ra một vòng xoáy: Học tiếng Anh tốt - mở lớp dạy tiếng Anh - đào tạo thế hệ tiếp theo đi học tiếng Anh và tiếp tục vòng xoáy không tận.
Kết quả là xã hội thu được gì?
Không có gì.
Hệ thống giáo dục và khoa học của quốc gia thu được gì?
Cũng không có gì.
Trong khi đó, cả đất nước đang lao vào việc kéo cày, cuối cùng lại để cho các công ty từ nước ngoài kiếm tiền bằng những chứng chỉ của họ. Chứng chỉ cuối cùng chỉ để khoe mà không đóng góp được gì cho đất nước", thầy Tuấn chia sẻ.
Để phát triển giáo dục và khoa học cho quốc gia, chúng ta cần bắt đầu từ các môn Khoa học tự nhiên
Ông Tuấn nhận định: Đất nước trong kỷ nguyên vươn mình đang cần rất nhiều lao động chất lượng cao có kiến thức, kĩ năng làm việc và thái độ tốt! Toán, Lý, Hoá, Sinh không học? Vậy trong tương lai, đất nước sẽ phát triển như thế nào? Tiếng Anh thật sự cần thiết và quan trọng, nhưng nó chỉ là một công cụ, không có quốc gia nào đặt việc học ngoại ngữ làm trọng tâm để phát triển khoa học cho đất nước.
Khi được mời làm ban giám khảo kỳ thi Khoa học kỹ thuật Intel ISEF tại Mỹ, ông Tuấn nhận thấy: Tại cuộc thi đó học sinh phổ thông trình bày những đề tài khoa học được nghiên cứu trong khoảng 1 năm trước đây. Đó là những học sinh tài năng đến từ nhiều quốc gia. Trong quá trình chấm thi không có một tiêu chí nào của Ban giám khảo quốc tế dành cho tiêu chí về ngôn ngữ và họ đánh giá học sinh nằm ở các yếu tố như sau:
Thứ nhất năng lực tìm ra vấn đề; Thứ hai là cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề đó; Thứ ba việc phát triển cơ sở lý thuyết đó có giúp gì cho sự phát triển khoa học thế giới. Không có một tiêu chí nào đánh giá học sinh đó giỏi tiếng Anh hay không giỏi tiếng Anh.
Mỗi ngày chúng ta có quỹ thời gian chung giống nhau là 24 giờ. Khi phụ huynh tập trung nâng cao năng lực của con em mình về tiếng Anh để ôn thi IELTS, TOEFL… sẽ mất đi quỹ thời gian để phát triển các nền tảng khác như Nghệ thuật, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội…
Bên cạnh đó các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thường chỉ có giá trị trong 2 năm. Sau 2 năm người học phải thi lại nếu cần sử dụng. Như vậy, nếu nguồn lực tiền bạc, thời gian phụ huynh đầu tư cho con cứ lặp đi, lặp lại trong khi giá trị đó lại không phải bền vững thì sự đầu tư đó liệu có phù hợp?
Muốn giáo dục công phát triển thì chúng ta phải dùng đánh giá nội lực, tức là dùng những bài đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của cơ quan quản lý để người dân không bị tốn nguồn tiền rất lớn đổ vào các tổ chức đánh giá quốc tế.
Việc đánh giá năng lực của người học phụ thuộc vào một kênh đánh giá bên ngoài thì đây không phải là tiêu chí cho nền giáo dục của toàn dân. Phụ huynh học sinh không có lựa chọn nào khác do họ bị áp lực từ xã hội. Trong khi đó, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí xét tuyển vào đại học và trung học - những cuộc thi rất quan trọng để đào tạo nhân tài và nguồn lao động trí thức cho đất nước khiến cha mẹ bắt buộc phải theo "guồng quay" đã được định sẵn này.
Để phát triển giáo dục và khoa học cho quốc gia, chúng ta cần bắt đầu từ các môn Khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, Sinh. Đây là nền tảng để xây dựng khoa học, đào tạo các kỹ sư, chuyên gia, nhà kinh tế cho đất nước và cho sự phát triển khoa học.
Thầy Tuấn nhận định: "Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở Châu Á này, đều có hệ thống thi cử căng thẳng về Toán, Lý, Hoá, Sinh để tuyển chọn nhân tài cho đất nước; nhưng tuyệt đối không bao giờ họ sử dụng tiếng Anh làm tiêu chí xét tuyển.
Ở Mỹ, học sinh phổ thông thậm chí còn kém Toán hơn học sinh Việt Nam nhiều, chương trình Toán của họ rất nhẹ nhàng; nhưng hàng năm, Mỹ lại nhập hàng ngàn nhân tài Toán học từ trên thế giới để "đền bù" cho học sinh Mỹ kém Toán - và đó là lý do tại sao nền khoa học Mỹ phát triển.
Đừng lầm lũi học tiếng Anh và bỏ qua hoàn toàn nền tảng khoa học kỹ thuật.