Đã có 25 trẻ chết, sởi biến chứng nguy hiểm thế nào?
Bệnh sởi tuy có thể điều trị tại nhà nhưng một khi đã biến chứng thì rất nguy hiểm.Đã có hàng chục trẻ tử vong do biến chứng của căn bệnh này. Do đó, phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu khi con bị biến chứng để kịp thời đưa tới bệnh viện.
10% ca bệnh sởi bị biến chứng
Chưa bao giờ diễn biến bệnh sởi phức tạp như hiện nay. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội đang quá tải bệnh nhi sởi, 25 trẻ đã tử vong do biến chứng của căn bệnh này.
Tại TP.HCM cũng đã bắt đầu xuất hiện vài ca tử vong kỳ hậu sởi, thậm chí bệnh còn lây lan luôn cả trong cộng đồng bệnh nhi nội trú.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cảnh báo các dấu hiệu của bệnh sởi giúp phụ huynh nhận biết khi bệnh trở nặng, nhằm có những quyết định kịp thời, tránh tử vong cho trẻ.
Trẻ mắc sởi sẽ trải qua 4 thời kỳ là ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và phục hồi.
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày (bệnh nhi có thể sốt nhẹ). Thời kỳ khởi phát của bệnh sởi kéo dài từ 3 – 5 ngày. Trong giai đoạn này bệnh nhi sốt từ 39 – 40 độ, các triệu chứng kèm theo dễ gặp như đổ ghèn mắt, viêm hô hấp…Thời kỳ toàn phát, bệnh nhi sẽ bị nổi ban, ban đầu nổi từ sau tai sau đó lan lên mặt và xuống ngực, bụng.
Nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có biến chứng các vết ban sẽ lặn dần sau 2 – 3 ngày. Kể từ khi bệnh khởi phát tới lúc khỏi khoảng 1 tuần – 10 ngày.Tuy nhiên, theo ghi nhận tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 1, 10% số bệnh nhi sởi nội trú bị biến chứng.Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi thấy con bị sởi và xuất hiện các triệu chứng thở nhanh, chảy mủ tai, lơ mơ, đi cầu ra máu, co giật.
Bệnh sởi nếu xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi có thể gây ra biến chứng viêm phổi nặng, suy dinh dưỡng. Còn nếu bệnh xảy ra ở người lớn thì các biến chứng dễ gặp là viêm cơ tim, viêm não.Bác sĩ Khanh cho rằng, bệnh nhân sởi có thể tử vong do các nguyên nhân: Có sẵn bệnh nền, suy dinh dưỡng, thiếu máu.Đối với trẻ em, hệ miễn dịch chưa ổn định nên rất dễ bị sung huyết, xuất tiết dịch ở mũi, họng…
Siêu vi sởi là một dạng đặc biệt, có đặc điểm vào một giai đoạn sẽ gây ra dịch ở niêm mạc mũi, mắt, miệng. Khi bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn ở đâu thì sẽ gây ra các biến chứng tổn thương ở đó.
Khó vì dân “ngại” vắc xin
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 78 ca sởi nội trú. Hiện nay bệnh sởi đã lây lan luôn cả trong cộng đồng bệnh nhân nội trú. Nhiều bệnh nhân hậu sởi (sau khi bị sởi vài tuần) bị viêm phổi nặng, vài ca đã không qua khỏi và tử vong.
Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện trung bình mỗi tuần có 90 bệnh nhân nhập viện do bị sởi. Có vài trường hợp bị biến chứng viêm phổi, một trường hợp khá nặng đang thở máy. Các ca bệnh sởi trong tháng 3 tại bệnh viện này đã tăng gấp 1,5 lần so với tháng 2.
Con số thống kê toàn TP.HCM cho thấy trong 14 tuần đầu tiên của năm 2014, lượng trẻ mắc sởi thường là 815 ca (tăng 708 ca so với cùng kỳ năm 2013), sởi bị viêm phổi là 365 ca (tăng 67 ca). Như vậy, tổng số cùng kỳ năm ngoái TP.HCM có 405 ca sởi, còn năm nay là 1.180 ca sởi.
Đặc biệt, nếu năm 2013, trẻ bị sởi đa số dưới 3 tuổi, nay lứa tuổi bị bệnh có khuynh hướng gia tăng, thậm chí trẻ chưa tới tuổi chích ngừa sởi cũng…dính bệnh.Để ngăn chặn dịch sởi bùng phát trong cộng đồng, ngành y tế TP. kêu gọi phụ huynh hãy cho con đi chích ngừa đầy đủ.Đã có 100 nghìn liều vắc xin ngừa sởi được chuẩn bị đủ để đáp ứng cho tất cả các trẻ em chưa chích hoặc chích nhưng chưa đủ liều. Tuy nhiên, chiến dịch chích ngừa sởi bổ sung lần này gặp phải khó khăn do nhiều phụ huynh từ chối vắc xin miễn phí, muốn cho con chích dịch vụ.
Thực tế cho thấy 91% trẻ bị sởi do chưa chích ngừa hoặc chích chưa đủ liều. Tâm lý “ngại” vắc xin của người dân đang góp phần làm cho dịch bệnh khó khống chế.
Tại BV Nhi Trung ương, số trẻ mắc sởi biến chứng cũng rất nhiều khi có tới 50/210 cháu phải thở ô xy, bị suy hô hấp, có cháu bé hình ảnh chụp phổi cho thấy phổi trắng xóa. Trong số trẻ mắc sởi có nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng và cả trẻ đã đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm do bị ốm, do lo ngại việc tiêm chủng có thể gây tai biến. Th.S., B.S. Đỗ Thiện Hải, phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết để ngăn chặn bệnh sởi, một biện pháp hiệu quả là hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Có những trẻ không đi đâu nhưng vẫn mắc sởi. Khi người thân vào phòng bệnh thăm trẻ mắc bệnh sởi rồi ra về, người đó đã mang theo virus sởi và ngược lại, khi vào các buồng bệnh khác, người thân có thể mang theo virus sởi vào và gây bệnh cho trẻ. Vì thế, để hạn chế bệnh lây lan, bác sỹ khuyến cáo nên hạn chế vào thăm người bệnh, nếu ra về cần tiến hành khử trùng bằng cách tắm giặt sạch sẽ, thay quần áo mặc vào viện, nhỏ nước muối sinh lý vào họng, mũi, … để sát khuẩn. Virus sởi có thể sống trong môi trường bình thường từ 3-4 giờ đồng hồ.
14h ngày hôm nay (22/4/2014), aFamily sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến: Dịch sởi 2014 - Cái nhìn toàn cảnh, với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa. Ngay từ bây giờ, nếu có câu hỏi liên quan đến vấn đề "nóng" này, bạn có thể gửi câu hỏi TẠI ĐÂY. |