Cứu sống cặp song sinh non tháng, suy hô hấp sơ sinh
2 bé sinh đôi non tháng 34 tuần (cân nặng 2 kg và 1,8 kg) bị suy hô hấp sơ sinh đã được các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cứu sống.
Một ngày sau khi nhập viện Khoa Sản, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để theo dõi thai kỳ, sản phụ T. T. T. Đ (23 tuổi, địa chỉ tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đau bụng nhiều kèm theo dấu hiệu chuyển dạ, con so, thai 34 tuần.
Các bác sĩ sản khoa sau khi thăm khám phát hiện sản phụ khung chậu hẹp, dọa sinh non, sản phụ được chuyển mổ cấp cứu có kèm ê kíp bác sĩ khoa Nhi hỗ trợ.
Sau sinh, 2 bé gái (cân nặng 2 kg và 1,8 kg) đều suy hô hấp, thở chậm, rên, co lõm ngực, tím môi, chi, phập phồng cánh mũi, hạ thân nhiệt, được cấp cứu hồi sức bóp bóng qua mask tại phòng mổ, ủ ấm. Sau hồi sức 5 phút, 2 bé hồng lại, được chuyển Hồi sức Nhi (NICU) theo dõi và điều trị.
Tại NICU 2 bé được điều trị tích cực: thở máy không xâm nhập (NCPAP), kháng sinh, nằm giường sưởi ấm (Warmer), nuôi ăn hỗ trợ đường tĩnh mạch và chăm sóc vô trùng.
Sau 6 ngày điều trị, 2 bé tự bú tốt, tiêu sữa, bắt đầu tăng cân, được chuyển về phòng nội trú với mẹ và xuất viện khi 9 ngày tuổi.
BS.CKI. Phạm Thanh Huy, Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sinh non khi trẻ sinh trước 37 tuần tuổi thai và trẻ sơ sinh nhẹ cân khi cân nặng lúc sinh thấp hơn 2.500 gram.
Trẻ sinh càng non thì nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn sơ sinh cũng như nguy cơ chậm phát triển tâm thần vận động trong những năm đầu đời càng cao.
Em bé sinh non dễ bị lạnh trong nhiệt độ phòng bình thường do cơ thể của bé chưa có khả năng tự ổn định thân nhiệt trong khi lớp mỡ dự trữ dưới da không có hoặc rất ít. Khi đó, bé cần phải được điều trị và hỗ trợ tích cực trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (còn gọi là NICU).
Tại đây, cơ thể của bé sẽ được giữ ấm bằng cách đặt trong lồng ấp hoặc dưới một hệ thống sưởi ấm đặc biệt. Ngoài ra trẻ còn đối diện với các vấn đề như suy hô hấp sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da sơ sinh.
Chính vì vậy, các thai phụ trước và trong giai đoạn mang thai cần tiêm ngừa đầy đủ, theo dõi thai kỳ đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ, kiểm soát các bệnh lý trong khi mang thai như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, cường giáp…
Mẹ bầu cũng cần theo dõi các cử động thai thường xuyên nhất là 3 tháng cuối thai kỳ, nếu có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết âm đạo, chóng mặt, dọa sinh non, khung chậu hẹp... nên đi khám sớm để các bác sĩ xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến mẹ và bé.