Cựu chuyên gia NASA khẳng định: Chúng ta đã tìm được bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa

J.D,
Chia sẻ

Chỉ là, nhân loại chưa sẵn sàng để công nhận điều đó - theo lời cựu chuyên gia của NASA Gilbert Levin.

Vào thập niên 1970, NASA gửi lên sao Hỏa 2 con tàu thăm dò trong nhiệm vụ mang tên Viking - sứ mệnh được đánh giá là quy mô và tốn tiền bậc nhất thời kỳ bấy giờ dành cho sao Hỏa.

Nhờ Viking, nhân loại đã có những góc nhìn khác về Hành tinh Đỏ, với vô số những dữ liệu, thông tin đầy kinh ngạc được gửi về. Tuy nhiên, riêng về sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa thì ngay cả khi gửi được robot tự hành (rover) Curiosity đó, chúng ta vẫn chưa tìm ra.

 - Ảnh 2.

Thí nghiệm tìm sự sống trên sao Hỏa đã từng được thực hiện

Nhưng có thật là chưa tìm ra không? Ngay từ sứ mệnh Viking, chúng ta đã tìm ra một số dấu vết về sự sống ở hành tinh này, nhưng các bằng chứng chưa thực sự rõ ràng. Có điều, theo tiến sĩ Gilbert Levin - cựu chuyên gia tại NASA, ông thực sự tin rằng có một thí nghiệm khi đó đã cung cấp những bằng chứng cho thấy sự sống tồn tại ở sao Hỏa. Ý tưởng này được ông đưa vào nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Scientific American.

Cụ thể theo Levin, thí nghiệm ấy có ký hiệu là LR, và nó hết sức đơn giản: Nhỏ một giọt dưỡng chất lên mẫu đất trên sao Hỏa được đánh dấu bằng đồng vị phóng xạ carbon. Nếu có sự sống ở đó, nó sẽ hấp thụ dưỡng chất, sản sinh ra CO2, giải phóng đồng vị carbon phóng xạ và giúp hệ thống xác định được.

Cả 2 tàu Viking đều thực hiện thí nghiệm này. Một tàu lấy mẫu đất nền chịu tác động từ ánh Mặt trời, một tàu lấy mẫu nằm dưới đá. Kết quả thì thật đáng ngạc nhiên, cả 2 đều phát xạ.

 - Ảnh 3.

Sau 1 tuần, thí nghiệm được lặp lại với cùng một mẫu đất, nhưng không có gì xảy ra nữa. Bởi vậy mà vào năm 1976, Levin và cộng sự là tiến sĩ Patricia Ann Straat đã cho rằng chưa thể có kết luận chuẩn xác. Cộng thêm việc thí nghiệm phân tích phân tử của Viking không thể tìm ra vật chất hữu cơ ở đây, NASA kết luận rằng việc 2 mẫu phát xạ trên chỉ là phản ứng hóa học mô phỏng lại sự sống mà thôi.

Nhưng thời gian gần đây, Levin và Straat đã lần lại kết quả nghiên cứu khi ấy. Họ đưa ra giả thuyết rằng đó thực chất chính là dấu hiệu của sự sống với sự tin tưởng rất cao, bởi đã có nhiều phát hiện tương tự trên sao Hỏa trong suốt 43 năm qua.

 - Ảnh 4.

Biết đâu, sao Hỏa vẫn tồn tại sự sống?

"Có bằng chứng nào chống lại khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa? Sự thật là chẳng có!" - Levin cho biết. "Hơn nữa, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy một số vi sinh vật có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường tương tự với sao Hỏa,"

Dĩ nhiên logic mà nói, bạn không thể lấy việc không thể chứng minh sao Hỏa không tồn tại sự sống để làm bằng chứng cho điều ngược lại. Nhưng dù vậy, Levin đã đúng ở điểm chúng ta không thể bác bỏ khả năng sự sống trên sao Hỏa không tồn tại. Ngoài ra, Levin cũng muốn tiếp tục thực hiện thí nghiệm LR thêm một lần nữa. Chỉ tiếc là, nhiệm vụ gần nhất lên sao Hỏa không được trang bị công cụ này.

"Tôi tin rằng chúng ta nên tiếp tục các thí nghiệm xác định sự sống trên sao Hỏa trong các nhiệm vụ kế tiếp."

140 năm qua, việc sao Hỏa có sự sống hay không đã là nguồn cảm hứng vô tận cho giới khoa học và tiểu thuyết gia. Và hiện tại có thể chưa chắc chắn, nhưng dường như một vài bằng chứng đã xuất hiện rồi. Chỉ là, chúng ta chưa nhận ra thôi.

Tham khảo: Science Alert, IFL Science

Chia sẻ