Cuối tuần làm tour đến thư viện của loạt ĐH danh giá: Nơi chứa hơn 1 triệu tài liệu, nơi đầu tư đến 129 tỷ
Không chỉ sở hữu cảnh quan và cơ sở vật chất hiện đại, nhiều trường đại học còn gây ấn tượng bởi khu vực thư viện "xịn sò" bậc nhất.
Thư viện là một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều sinh viên với không gian yên tĩnh và là nơi lưu trữ nhiều nhiều tài liệu, sách vở. Không chỉ là nơi cung cấp nguồn kiến thức vô tận một cách miễn phí, thư viện còn là nơi được nhiều cô cậu sinh viên lựa chọn để học tập, chạy "deadline" trong những mùa thi cử.
Chính vì vô số tiện ích mang lại, nhiều trường đại học cũng dành sự quan tâm và đầu tư lớn cho các khu vực thư viện, từ các trang thiết bị hiện đại đến số lượng đầu sách "khổng lồ" để phục vụ cho sinh viên. Ngoài ra, đây còn trở thành địa điểm được nhiều người ghé đến để check-in bởi không gian sang trọng cùng view "triệu đô".
Đại học Tôn Đức Thắng
Ngôi trường này không chỉ gây ấn tượng suốt nhiều năm bởi chất lượng đào tạo hàng đầu, mà còn nhận được sự tin tưởng bởi tiềm lực đầu tư về cơ sở vật chất. Một trong số đó không thể bỏ qua khu thư viện 7 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 8.678m2 cùng với kinh phí "khủng" lên đến 129 tỷ đồng.
Đây cũng được xem là thư viện "không ngủ" đầu tiên tại Việt Nam với thời gian hoạt động xuyên đêm phục vụ nhu cầu học tập của người học. Sức chứa của thư viện có thể lên đến 3.000 người cùng lúc, tiên phong trong việc ứng dụng đồng bộ giải pháp công nghệ trong quản lý, vận hành và khai thác...
Bên cạnh đó, TDTU INSPIRE Library còn được trang bị đầy đủ hệ thống quản lý tự động theo công nghệ RFID, điển hỉnh như: Hệ thống kiểm soát ra vào, máy in đa chức năng, phân loại tài liệu, máy làm sạch và diệt khuẩn cho tài liệu, các hệ thống mượn và trả sách tự động, cổng an ninh tài liệu, kiểm soát ra vào...
Cơ sở vật chất ấn tượng tại khu thư viện của Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Nguyễn Tất Thành
Với sự đầu tư "không phải dạng vừa", hệ thống Trung tâm Thông tin - Thư viện của Đại học Nguyễn Tất Thành sở hữu diện tích xây dựng hơn 16.000m2 cùng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Với không gian rộng lớn bậc nhất, nơi đây đã có sức chứa cùng lúc lên đến 1.700 sinh viên.
Thư viện này được chia thành 3 khu với nhiều chức năng khác nhau: Phòng đọc, phòng tra cứu thông tin, khu tự học, hội thảo, họp nhóm... Đáng chú ý, tại đây còn lưu trữ hơn 11.000 đầu sách với đa dạng các chủ đề khác nhau đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học tập của sinh viên trường.
Trường còn trang bị khoảng 400 máy tính đã được cài đặt sẵn các phần mềm hỗ trợ học tập như: PMT-EMS Education, PMT-EMS Examsys test... Ngoài ra, thư việc còn đầu tư mua quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu giáo dục uy tín trong và ngoài nước như: ProQuest Central, Springer Link, IEEE, STD...
Trường trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại để phục vụ sinh viên
Đại học RMIT
Nổi tiếng với mức học phí hàng đầu và chất lượng sinh viên nổi bật, Đại học RMIT luôn nhận được sự đánh giá cao bởi cơ sở vật chất hiện đại. Thư viện ngôi trường này có tổng diện tích khoảng 2000 m2 với hệ thống quản trị thư viện Spydus từ Civica Singapore. Địa điểm này hoạt động tất cả các ngày trong tuần từ 8 giờ sáng đến khoảng 9 giờ tối.
Thư viện của Đại học RMIT nhận được sự chú ý từ sinh viên bởi kho tài liệu tiếng Anh "khổng lồ" với tổng cộng khoảng 80.000 đầu sách in. Ngoài ra, đây còn là nơi lưu trữ nguồn tài liệu điện tử phong phú với hơn 300 cơ sở dữ liệu nổi bật: 350.000 e-book, 100.000 báo, tạp chí, báo cáo…
Thư viện còn cung cấp quyền truy cập không giới hạn tới nguồn tài liệu trực tuyến từ Melbourne. Không dừng lại ở đó, không gian tại đây còn khiến nhiều sinh viên thích thú bởi sự tối giản nhưng đầy sang trọng, đặc biệt là sự yên tĩnh và thoải mái phù hợp với việc học tập, nghiên cứu, đọc sách...
Thư viện RMIT sở hữu nguồn tài liệu tiếng Anh "khổng lồ"
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Không kém cạnh một số ngôi trường khác, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng đầu tư thư viện lên đến 20 tỷ đồng với diện tích sử dụng khoảng 2000 m2 gồm 4 tầng lầu. Đây luôn được xem là địa điểm check-in được nhiều sinh viên yêu thích, cũng như không gian học tập và làm việc hiệu quả.
Với thiết kế theo mô hình Không gian học tập chung (Learning Commons), thư viện được trang bị đầy đủ các phương tiện để phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trường. Ngoài ra, tại đây cũng áp dụng phương pháp vận hành và quản lý bằng công nghệ tiên tiến như: Trạm lập trình RFID, trạm lưu thông RFID, thẻ/chíp RFID...
Theo thống kê, thư viện của trường hiện đã có hơn 17.000 tài nguyên cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, cùng với đó là hơn 1,3 triệu tài liệu, giáo trình, luận văn, bài giảng... Trường cũng đầu tư mua quyền truy cập các tài liệu điện tử miễn phí từ nhiều nhà xuất bản trên thế giới để sinh viên có thể tham khảo miễn phí.
Đây được xem là địa điểm được nhiều sinh viên thường xuyên lui đến
Tổng hợp