“Cuối Đường Băng” - Thêm một thế giới "chân dài" xa thực tế

Shindo ,
Chia sẻ

Được đầu tư công phu hơn hẳn "Người Mẫu" trước đó, nhiều người đã hy vọng "Cuối Đường Băng" sẽ đem lại một cái nhìn thú vị và mới mẻ hơn về thế giới của các "chân dài"...

Cuối Đường Băng dài 50 tập, do công ty Truyền thông Trí Việt sản xuất. Dù đã bắt đầu hoàn thành vào năm 2011 nhưng mãi đến tháng 4/2012 phim mới rục rịch lên sóng HTV7. Giống như Người Mẫu, Cuối Đường Băng xoay quanh những câu chuyện trong giới thời trang Việt. 

Chuyện phim là hành trình vươn đến thành công của cô “vịt con xấu xí” Hoa Mai (Khánh My) trong thế giới của sắc đẹp với những góc khuất trong ngành thời trang. 

Đầu tư “hoành tráng”

Thời điểm 2010, Cuối Đường Băng đã gây xôn xao vì số tiền đầu tư trên dưới 1 triệu USD. So với phim Người Mẫu trước đó, rõ ràng Cuối Đường Băng có sự chuẩn bị kĩ càng hơn về mặt nội dung và hình thức thể hiện. 


Xem Cuối Đường Băng, nhiều khán giả sẽ phải choáng ngợp với độ “chịu chơi” của nhà sản xuất: người đẹp, xe sang, quần áo hàng hiệu. Một bộ phim về thế giới thời trang nên độ đầu tư cho trang phục của diễn viên cũng được phía sản xuất chăm chút rất tỉ mỉ. Những bộ đồ và phụ kiện của diễn viên trong bộ phim này hoàn toàn có thể tạo thành một bộ sưu tập lớn dành riêng cho những tín đồ thời trang.

Được biết, Cuối Đường Băng cũng được đầu tư khá lớn về mặt kỹ thuật, với công nghệ tiên tiến, đồng thời đội ngũ làm phim còn được trải qua một khóa tập huấn với các chuyên gia làm phim đến từ Hàn Quốc. Bộ phim cũng được cho thu tiếng trực tiếp, điều mà không phải bộ phim Việt nào cũng dám thực hiện.


"Cuối Đường Băng" được đầu tư trên dưới 1 triệu USD

Với một sự đầu tư công phu đến nhường ấy, trước khi bộ phim lên sóng, nhiều khán giả đã rất kỳ vọng vào một bộ phim “hoành tráng”, đem lại hơi thở mới cho phim Việt. Thế nhưng…

Một thế giới xa rời thực tế?

Được biết, ban đầu, Cuối Đường Băng do đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt thực hiện. Tuy nhiên, vì chưa thật sự am hiểu về văn hóa, cuộc sống của người Việt nên những tập đầu của bộ phim đã không thể đạt chất lượng như mong muốn của nhà sản xuất.

Giải pháp được đưa ra lúc đó là... hủy bỏ phần lớn những thước phim đã thực hiện, thay đổi đạo diễn. Phương Ðiền (từng thực hiện phim Dù gió có thổi Cá rô - em yêu anh) thực hiện cảnh quay nội và Tuấn Thanh (đạo diễn dựng phim Dù gió có thổi) đảm nhiệm công việc quay ngoại.

Sự việc “thay tướng giữa dòng” này có lẽ cũng ảnh hưởng phần nào đến kế hoạch cũng như tâm lý của đoàn làm phim. Bởi Cuối Đường Băng sau đó vẫn chưa cho thấy được chất “thuần Việt” mà nét chân thực mà khán giả yêu cầu ở một bộ phim Việt.


Thế giới người mẫu mà "Cuối Đường Băng" vẽ ra đang đi theo lối mòn của các phim Việt trước đó

Sau một thời gian phát sóng, Cuối Đường Băng cho thấy những cố gắng nhất định về kịch bản và diễn xuất của các ngôi sao. Thế nhưng, khi nhìn lại các tập phim, nhiều người vẫn băn khoăn với câu hỏi: “Thế giới thượng lưu mà Cuối Đường Băng vẽ ra liệu có xa rời cuộc sống hiện tại?”.

Có ý kiến cho rằng, phải chăng vì khai thác đề tài thời trang nên bối cảnh và hình tượng nhân vật phải “sang” hơn mức bình thường? Thế giới của Cuối Đường Băng cũng giống như nhiều phim Việt khác gần đây hay tái hiện: ở thì phải là biệt thự, đi thì phải là xe sang, bước vào quán phải gọi rượu Tây mới sành điệu. 

Cuối Đường Băng vẽ ra một thế giới rất “thượng lưu”. Xem phim, khán giả có cảm giác như đang lạc đến Hàn Quốc, Singapore… chứ không còn là đất Việt. Các cô gái mới lớn bỏ quê nghèo lên tỉnh với ước mơ trở thành người mẫu, và hành trình vươn đến thành công của họ gắn với quần áo lụa là, xe hơi, nước hoa, điện thoại thật sành điệu. Những xu hướng thời trang, bài học giữ gìn vóc dáng cũng được Cuối Đường Băng khai thác triệt để. 



Đó là chưa kể đến những hạt sạn khó chấp nhận được: nhà ở của ba cô gái quê Hoa Mai (Khánh My), Lan Anh (Quỳnh Mai), Yến Nhi (Băng Di) quá sang trọng. Lan Anh đi làm thêm đủ mọi việc vẫn không đủ tiền chi tiêu, nhưng lại luôn có sẵn váy áo, phấn son mỗi khi cần đến, người mẫu nam có người ốm tong teo, có người lại quá thấp…

Có thể với nhiều người, Cuối Đường Băng vẫn là một bộ phim thú vị. Thế nhưng, cái thú vị đó không nằm ở ý nghĩa giáo dục số đông thế hệ trẻ Việt Nam. Nói về thế giới giàu có này, áp dụng lời thoại của nữ chính Khánh My họa chăng là phù hợp nhất: “Xinh đẹp, giàu có rồi còn nổi tiếng nữa. Cô gái nào mà không thích chứ!".

Chút “vớt vát” từ dàn diễn viên trẻ

Cuối Đường Băng quy tụ một dàn diễn viên mới, trẻ và đẹp như: Diễm Châu, Trương Nam Thành, Băng Di, Khánh My… Trong số họ, đa phần là những người mẫu, chân dài lấn sân điện ảnh. Dù là “tay ngang” nhưng các diễn viên cũng phần nào thể hiện được khả năng diễn xuất cũng như những nỗ lực làm tròn vai của mình. 

Vai nữ chính Khánh My đã rất nỗ lực thể hiện sự biến hóa của nhân vật Hoa Mai. Gương mặt đẹp, ngoại hình bắt mắt là điểm sáng nổi trội mà Khánh My sở hữu. Vào vai “vịt con xấu xí” bỏ quê lên tỉnh để chen chân vào ngành người mẫu, diễn xuất tự nhiên của cô đã chiếm được cảm tình của khán giả và “vớt vát” phần nào cho bộ phim này. 

Khánh My

Diễn xuất của Diễm Châu, Băng Di cũng thu về phản ứng tích cực. Sau Vợ Tôi Là Số Một, đến phim Cuối Đường Băng, nhân vật mà Diễm Châu thể hiện đều lưu lại những ấn tượng riêng biệt. Một Thuận Thiên ích kỉ, thủ đoạn, lắm chiêu trò là hình ảnh phản chiếu bộ mặt thật của không ít chân dài trong làng mẫu Việt. 

Những màn đối đáp, diễn xuất nội tâm và chọc cười khán giả của các diễn viên cũng là phép cộng làm mềm lại Cuối Đường Băng sau những pha đối đầu căng thẳng.

Diễm Châu

Băng Di

So với các phim có diễn viên tay ngang tham gia khác, Cuối Đường Băng đã thể hiện những mặt tích cực nhất định, như đạo diễn Phương Điền từng tâm sự: "Hầu hết diễn viên chính trong phim đều khá trẻ và mới bước vào nghề diễn nên chỉ có thể nói họ diễn xuất tròn vai, phim thu tiếng trực tiếp nên chắc chắn sẽ có một vài khiếm khuyết, tuy nhiên tôi tin Cuối đường băng là bộ phim khá tốt bởi câu chuyện hấp dẫn. Bản ngã của mỗi người đều có sự vươn lên. Ðiều quan trọng là sự vươn lên ấy phải đi bằng chính đôi chân của mình".


Chia sẻ