Cưới 6 tháng phải mua nhà trả góp vì áp lực bố mẹ, tôi "phát điên" khi vợ liên tục đòi đứng tên dù không tham gia trả nợ
Thực tế thu nhập của anh Tuấn gấp 3 lần chị Lan nên anh trả nợ nhà là chính.
Quá áp lực từ hai bên nội ngoại "giục mua nhà", vợ chồng anh Tuấn (30 tuổi) và chị Lan (28 tuổi) quyết định vay ngân hàng sau đám cưới 6 tháng để mua căn chung cư. Do ngân sách eo hẹp, anh Tuấn đứng tên vay và đứng tên sổ hồng mặc dù cả hai cùng sinh sống.
Ban đầu mọi chuyện ổn nhưng chỉ vài tháng sau, khi vợ chồng bàn thuê sửa chữa, chị Lan ngỏ ý thêm tên vào sổ hồng thì anh từ chối: " Anh vay, anh đứng tên để anh còn trả nợ, em tính toán làm gì". Thực tế thu nhập của anh Tuấn gấp 3 lần chị Lan nên anh trả nợ nhà là chính. Mâu thuẫn tăng dần do vợ nghĩ chồng không tôn trọng mình, để lại vết rạn lớn trong hôn nhân.
Ở 1 số nước trên thế giới áp dụng chế độ “Community Property”, tức là mọi tài sản và nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đều mặc định là tài sản chung, chia đôi khi ly hôn không cần ghi rõ. Tại Việt Nam, luật cũng quy định tương tự: Tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung kể cả khi chỉ đứng tên một người. Tuy nhiên, nếu không có bằng chứng đóng góp hoặc có thỏa thuận riêng, việc phân chia có thể gặp khó khăn.

Ảnh minh họa
Cách làm thực tế để tránh tranh chấp tài sản khi mua nhà sau cưới
Trường hợp một người đứng tên vay/mua nhà: Nên vay chung và đứng tên chung cả hai vợ chồng (nếu đủ điều kiện), để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, hạn chế tranh chấp sau này.
Nếu không đủ điều kiện vay chung: Cần lập thỏa thuận tài sản riêng bằng văn bản. Ví dụ: người chồng đứng tên vay và sổ hồng, nhưng có cam kết rõ ràng rằng vợ có quyền sở hữu 50% tài sản này, văn bản cần công chứng để có hiệu lực pháp lý.
Khi cha mẹ hai bên hỗ trợ mua nhà: Cần ghi rõ trong văn bản mua bán hoặc hợp đồng tặng cho: tài sản là của ai, tặng riêng cho ai. Tránh để tài sản mang danh "cha mẹ cho" nhưng khi tranh chấp lại không chứng minh được rõ ràng.
Lo ngại người đứng tên tự ý mua bán, cầm cố: Trong hợp đồng vay hoặc thỏa thuận tài sản, nên có điều khoản bắt buộc "mọi giao dịch chuyển nhượng, thế chấp phải được cả hai bên đồng thuận bằng văn bản".
Khi phát sinh mâu thuẫn, ly hôn hoặc chia tài sản: Văn bản thỏa thuận trước đó sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng. Càng chi tiết, càng dễ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả hai bên trước tòa.
Mua nhà sau cưới dù là hành động thể hiện trách nhiệm, nếu thiếu minh bạch về quyền sở hữu và vay mượn, có thể biến giấc mơ an cư thành cơn ác mộng pháp lý. Hãy xử lý tài chính hôn nhân như một hợp đồng trọn đời rõ ràng từ đầu, tránh tranh chấp đến mức phải ly hôn.
Khi chồng trả nợ chính, làm sao để vợ vẫn có tiếng nói và không thành "người ngoài cuộc"?
Thực tế trong nhiều gia đình, người chồng là người gánh vác tài chính chính, thu nhập gấp nhiều lần vợ, đồng thời là người trực tiếp trả phần lớn khoản nợ mua nhà. Tuy nhiên, nếu không khéo léo xử lý, tình huống này dễ khiến vợ cảm thấy mình "kém giá trị", còn chồng dễ rơi vào tâm thế "tôi có quyền quyết".
Giải pháp không nằm ở tiền, mà nằm ở sự công nhận vai trò:
Công khai tài chính nhưng không so sánh:
Thay vì "ai kiếm bao nhiêu" thì nên cùng nhau bàn "chúng ta đang dùng tiền để làm gì". Việc chồng trả nhiều hơn không có nghĩa là chồng có toàn quyền mà là cả hai đang đầu tư cho tương lai chung.

Ảnh minh họa
Ghi nhận giá trị đóng góp phi tài chính:
Người vợ có thể kiếm ít hơn nhưng vẫn đóng góp bằng việc chăm con, quán xuyến nhà cửa, hỗ trợ tinh thần. Đây là những đóng góp mà pháp luật cũng công nhận khi chia tài sản (Điều 59 – Luật Hôn nhân và Gia đình).
Đưa ra quyết định lớn theo nguyên tắc "đồng thuận":
Ví dụ: sửa nhà, cho thuê, chuyển nhượng, dùng nhà để thế chấp... đều cần bàn bạc và thống nhất, thay vì ai là người trả nhiều hơn thì có tiếng nói hơn.
Sử dụng mô hình chia tài chính linh hoạt:
Ví dụ: chồng đóng góp 70% chi phí hàng tháng, vợ 30%; còn lại vợ có thể dành phần tiền của mình để đầu tư cá nhân, tiết kiệm, hoặc hỗ trợ những khoản khác (nuôi con, hiếu hỷ…).
Người trả tiền nhiều hơn không đồng nghĩa có giá trị hơn. Một cuộc hôn nhân bền vững là khi mỗi người đều cảm thấy mình có vai trò, được công nhận và có tiếng nói dù đồng lương không ngang bằng.