Dòng tâm sự "Lời nói dối của bố" gây bão MXH, nhưng phía sau câu chuyện nghẹn ngào là cuộc tranh cãi gay gắt về cách dạy con
Để có tiền cho con ăn học, người bố đã nói dối con nhiều lần cho đến khi bị con phát hiện ra...
Ai cũng thuộc lòng câu "Công cha như núi Thái Sơn" nhưng không phải ai cũng hiểu được hết ý nghĩa câu nói này cho đến khi được làm cha, làm mẹ. Bởi vì, dù cha mẹ có vất vả, gian lao, mồ hôi có rơi từng giọt ngoài đường thế nào thì vẫn kiên quyết để con có điều kiện sống tốt nhất. Câu chuyện sau đây là một trường hợp điển hình.
Người con gái đang là sinh viên, bất ngờ phát hiện ra phía sau số tiền 3 triệu gửi lên hàng tháng cho mình là những đêm không ngủ, là những bữa cơm chỉ ăn với trứng của bố. Ấy thế mà lâu nay cô vẫn vô tư không biết gì. Câu chuyện được kể lại như sau:
"Thật sự hôm nay mình đã khóc, khóc rất nhiều vì nhìn thấy hình ảnh này, người lái xe là bố mình. Để có số tiền 3 triệu gửi lên cho mình ăn học hàng tháng thì bố ngày đi chạy xe ôm, tối đi làm bảo vệ. Bố cấm mình đi làm thêm và chỉ muốn mình tập trung vào việc học.
Bố có nghị lực thật phi thường, bố luôn giấu mình và vì ngây thơ mà mình chẳng biết điều ấy. Chẳng để ý rằng bàn tay ấy đã vì nắng, vì gió mà đen đúa gầy guộc đi nhiều.
Đợt vừa rồi nghỉ lễ mình về gặp bố, mắt bố trũng sâu vì thiếu ngủ, da bố rám nắng và đen đi một cách khó hiểu. Nhưng bố nói người già ai chẳng vậy.
Có lẽ con gái của bố đã quá ngây thơ và chẳng hiểu bố đã phải vất vả mới có số tiền ấy để gửi đều đặn cho con hàng tháng.
Bữa cơm của bố chỉ có hai món duy nhất, bố ăn cơm với 2 quả trứng và chút rau luộc. Bố nói bố thích ăn trứng, trứng ngon, trứng dễ ăn. Bố ăn nhiều đến nỗi nhìn cái thùng rác chỉ toàn vỏ trứng chứ không hề có cái khác. Làm gì có ai thích ăn mãi một món nhưng vì để tiết kiệm tiền nuôi con gái ăn học vậy mà bố mình vẫn ăn nó hàng ngày, thường xuyên đều đặn.
Đến hôm nay khi thấy bức ảnh, gọi điện về hỏi bố, vẫn là giọng nói ồm ồm, bố mắng con “gọi cái gì tầm này tao đang ngủ, tối còn phải đi làm”. Vâng nhưng là giọng nói gấp gáp, nhưng có tiếng còi xe máy, và cuộc gọi thứ 2 bố từ chối không nghe máy.
Đến tối gửi ảnh và bố đã xác nhận điều ấy, thương bố, chỉ muốn chạy về ôm bố khóc như những ngày còn bé, ốm đau, bị ngã xe mắt bố đỏ hoe, bố ôm vào lòng vỗ về.
Con chẳng mong con lớn nữa chỉ mong bố đừng già đi. Con thương bố nhiều lắm bố ơi".
Dòng chia sẻ thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. Ai cũng nghẹn ngào trước tình cảm của người cha dành cho con:
"Mình rất thích đọc những bài về tình cảm gia đình. Rất quý những bạn có hoàn cảnh khó khăn mà chịu khó, chăm chỉ. Rất ngưỡng mộ những cô chú lam lũ nhưng tràn đầy tình yêu thương cho con cái".
"Thực sự cảm động. Bố mẹ luôn hi sinh vì con".
"Bố tôi cũng vậy. Nhưng giờ nhận ra thì thực sự quá muộn màng khi tôi không còn bố như bạn. Tôi vẫn nhớ câu: “Tao thích ăn cá, bữa cơm của tao chỉ cần vậy đủ, ăn thịt dính răng” và rồi luôn dành nồi thịt cho anh em tôi. Lúc đó ngây thơ nghĩ bố thích ăn cá thật. Nhưng đúng là chẳng ai là người chỉ thích ăn 1 món cả, đặc biệt là cá khô, cá rẻ tiền".
Tuy nhiên, hành động hi sinh hết lòng vì con của người cha này cũng khiến cho cộng đồng mạng phản đối. Mọi người cho rằng chính người cha đã khiến cho con trở nên sống vô tâm, mặc dù biết rằng nhiệm vụ của con cần tập trung vào học hơn là kiếm tiền.
"Biết cha vất vả thì hãy cố gắng tranh thủ đi làm thêm. Kiếm vài đồng phụ gia đình cho bố mẹ bớt khổ. Còn hơn mà ngồi than vãn sướt mướt con thương bố thương mẹ. Nhưng chỉ nói rồi để đó".
"Sinh viên thì bố mẹ nào chẳng cấm đi làm thêm, muốn con tập trung học hành. Nhưng miệng nói thương bố mà không chịu động não nghĩ cách đi làm thêm".
"Ôi trời. Bố vất vả thế mà con còn nói "con gái của bố đã quá ngây thơ và chẳng hiểu bố đã phải vất vả" thì thật là chịu rồi".
Ngoài ra, mọi người còn chỉ trích việc người cha cho con mỗi tháng 3 triệu đồng là quá nhiều so với mức sống bình quân hiện tại của sinh viên.
Dạy con về tiền bạc như thế nào cho đúng?
Thẳng thắn với con về tình trạng kinh tế gia đình là điều cần thiết
Các bậc phụ huynh nên cởi mở và thành thật với con cái về vấn đề tiền bạc, tình trạng kinh tế của gia đình. Điều này sẽ giúp con chuẩn bị tâm lý để đương đầu với cuộc sống thực tế.
Thay vì từ chối khi con đòi hỏi, hãy giải thích cho con hiểu ngân sách của gia đình không cho phép. Nếu gia đình bạn đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, mà vẫn cố gắng đáp ứng thứ mà con đòi hỏi nhưng không cần thiết, sẽ khiến con có suy nghĩ không thực tế. Ngược lại, khi con hiểu về thực trạng kinh tế của gia đình, nghĩa là bạn đang hình thành những suy nghĩ đúng đắn về tiền bạc cho các con.
Tạo điều kiện cho con kiếm tiền
Trẻ con thường không hiểu hết được giá trị của đồng tiền. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy dạy con về tiền bạc từ khi con nhỏ, bằng cách tạo điều kiện cho con kiếm tiền để giúp con hành trang trong cuộc sống, để con trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, cha mẹ phải luôn theo sát, nhắc nhở con biết phân bố thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt hàng ngày. Nếu trẻ làm thêm những việc có liên quan đến mua bán, thì cha mẹ phải thường xuyên giám sát, quản lý chặt chẽ. Nếu con tự kiếm việc thì cha mẹ phải tìm hiểu đối tượng thuê con làm việc. Phải kiểm soát chặt chẽ thời gian, công việc, nơi làm việc và thu nhập của con.