Cuộc sống sang trang mới của mẹ già 79 tuổi từng có ý định cho 6 con dại ăn một bữa thật no rồi uống thuốc độc cùng chết
Ở cái tuổi thất thập, bà Lực từng có ý định muốn cho 6 con dại ăn một bữa thật no rồi uống thuốc độc cùng chết. Thế nhưng, cuộc đời mẹ con bà đã thay đổi khi có nhiều tấm lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ.
“Có mơ tôi cũng không dám tin mình và các con ở nhà mới”
Cách đây tròn một năm, câu chuyện bà Nguyễn Thị Lực (79 tuổi) cùng cực nuôi 6 đứa con bị tâm thần ở xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ khiến hàng triệu người thương cảm. Sinh được cả thảy 9 người con nhưng 6 người trong số đó mắc bệnh tâm thần, có lớn nhưng không có khôn khiến bà Lực rơi vào cảnh cùng cực.
Cuộc sống cực khổ bên các con tâm thần của bà Lực cách đây 1 năm.
Hằng ngày bà Lực phải xích chân từng người con lại.
Ở tuổi thất thập khi nhiều người con cháu đã yên bề gia thất thì bà lão hằng ngày vẫn phải tất tả lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho đàn con. Có lúc bà từng nghĩ “chết đi cho đỡ khổ”. Nhưng trước khi nhắm mắt bà sẽ cho 6 con dại ăn một bữa thật no rồi uống thuốc độc mẹ con cùng chết.
Sau khi những hình ảnh, bài viết về người mẹ già khắc khổ ấy được chia sẻ đã rất nhiều người ở các nơi, thậm chí vượt cả nghìn cây số từ miền Nam ra thăm hỏi. Mọi người cũng chia sẻ động viên với nỗi bất hạnh mà người mẹ này đã phải nếm trải.
Cho đến tận hôm nay, đã một năm trôi qua, chúng tôi quay trở lại mảnh đất ấy. Căn nhà cũ dột ngày trước, giờ đã được thay thế bằng một ngôi nhà khang trang, kiên cố. Có nằm mơ, bà Lực cũng không nghĩ có một ngày mình cùng các con ở trong nhà không còn mưa dột nữa.
Giờ đây, mẹ con bà Lực đã trong ngôi nhà khang trang.
Hằng ngày bà Lực vẫn tất bật chăm sóc cho các con.
Giờ đây, bà Lực không phải lo chạy ăn từng bữa cho các con nữa.
“Giờ này năm trước tôi còn ở nhà tranh, xây cách đó gần 40 năm. Nó được dựng từ khi hai vợ chồng từ quê ở Duy Tiên, Hà Nam lên đây lập nghiệp phải lo từng bữa ăn. Hàng đêm tôi phải lo khâu từng manh quần, manh áo cho con. Vậy mà giờ đây, cuộc sống đã sang trang mới, cơm đã đủ no, áo đã đủ mặc”, bà Lực nói.
Vị trí này, cách đây 1 năm là ngôi nhà cũ của vợ chồng bà nhưng đã bị mối mọt phải tháo bỏ.
Theo bà Lực, sau khi được sự giúp đỡ của mọi người, bà đã xây dựng được căn nhà mới khang trang hơn. Nhưng các con bà đều vẫn như những đứa trẻ thơ, ăn uống vẫn phải bón từng thìa. Điều bà cảm thấy tiếc nuối nhất cho đên thời điểm hiện tại, đó chính là ngôi nhà cũ gắn liền với kỷ niệm gần 40 năm của bà với các con giờ không con nữa.
“Ngôi nhà đó là nơi chôn giấu ký ức của vợ chồng tôi và các con. Sau khi được xây mới ngôi nhà này bằng sự giúp sức của những tấm lòng hảo tâm, tôi luôn tự bảo bản thân rằng, phải khắc cốt những kỷ niệm đã qua. Nhưng do ngôi nhà đó bị mối ăn hết các cột, rồi đến khi sập tôi mới nhờ anh em đến dỡ hẳn ngôi nhà đó đi”, bà Lực nói.
“Tôi sẽ chăm sóc cho các con đến khi nào không còn sức lực nữa mới tính chuyển các con vào trung tâm”
Nhớ về những gì còn là kỷ niệm ở ngôi nhà cũ, bà Lực cho biết, điều bà tiếc nuối nhất đó chính là chiếc áo quan chồng bà chuẩn bị cho mình từ trước và bà giữ gìn bấy lâu nay đã không còn.
Bà Lực lo cho cuộc sống sau này của các con.
“Nhà mất đã đành, nhưng chiếc áo quan đó là di vật chồng tôi để lại cho vợ sau này nhưng tôi cũng không giữ được. Khi chuyển lên nhà mới, tôi mới biết chiếc áo quan đã bị mối mọt ăn hết, còn liều thuốc ngày xưa chồng tôi để lại để mẹ con cũng không dùng được, vì người ta nói thuốc đó đã quá hạn sử dụng”, bà Lực chia sẻ.
Dù không còn những món đồ gọi là kỷ niệm ở bên, nhưng bà vẫn mừng vì đến giờ này bà đã 80 tuổi, các con bà không phải khổ như xưa. Tuy nhiên, tuổi càng cao bà lại có một nỗi niềm riêng…
Tuy nhiên, bà sẽ chăm sóc cho các con cho đến phút cuối đời.
“Điều tôi lo lắng nhất là khi tôi không còn nữa thì ai sẽ là người lo lắng cho các con. Vì thế tôi đang phải tìm nơi nào đó để gửi gắm chúng sau này”, bà Lực nói.
Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, bà Lực đang tìm hiểu để gửi một số người con tâm thần vào trung tâm chăm sóc, bảo trợ xã hội. Rồi đến khi sức cùng, lực kiệt bà sẽ gửi nốt số con còn lại.
“Tôi được cộng đồng ủng hộ khoảng 1 tỷ và ngôi nhà tình thương. Nhưng nhiều người khuyên tôi nên gửi các con vào trung tâm bảo trợ xã hội. Dù biết mọi người lo tôi sức yếu, không thể cáng đáng được, nhưng tôi đã nuôi các con cả một đời rồi. Vì thế, chỉ khi nào kiệt sức tôi mới tính đến chuyện chuyển chỗ ở mới cho các con”, bà Lực lo lắng.
Được biết, hiện bà vẫn nuôi các con mắc bệnh tâm thần ở căn nhà tình nghĩa. Qua đây, bà Lực muốn gửi lời cảm ơn đến các mạnh thường quân đã giúp đỡ mẹ con bà qua lúc hoạn nạn khó khăn nhất của cuộc đời.