Cuộc sống càng hiện đại, trẻ em càng cô đơn?

Saga,
Chia sẻ

Có đầy đủ các phương tiện giải trí nhưng dường như cuộc sống càng hiện đại thì trẻ càng cảm thấy cô đơn. Dành một phút lắng nghe tâm tư của con trẻ qua Cuộc thi "Tuổi nhỏ nghĩ lớn - Hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn" - những mong ước nhỏ bé nhưng đầy sâu sắc của trẻ có thể khiến bạn phải giật mình.

Trẻ cô đơn và khao khát yêu thương

Trong số 480 ý tưởng tham dự Cuộc thi “Tuổi nhỏ nghĩ lớn – Hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn” tổ chức tại Hà Nội tháng 7 vừa qua, điều gây ngạc nhiên cho Ban giám khảo là dù chỉ trong độ tuổi 6-16 nhưng rất nhiều em thể hiện sự quan tâm đặc biệt tinh tế tới vấn đề tinh thần và tình cảm trong mỗi con người. Trong đó được trăn trở nhất là tình cảm gia đình với đầy đủ những khía cạnh như nhu cầu được yêu thương, tính gắn kết, sự gần gũi sẻ chia và các giải pháp nuôi dưỡng bầu không khí thân mật cởi mở, tạo chất keo gắn bó giữa các thành viên.

 
Ý tưởng chế tạo “robot tình yêu” của Nguyễn Loan Châu xuất phát từ suy nghĩ “Tình yêu khơi nguồn cảm xúc sáng tạo, giúp con người có động lực vươn lên trong cuộc sống”. “Ở viện dưỡng lão, robot sẽ như một người con động viên chăm sóc người già. Trong bệnh viện, robot sẽ xoa dịu nỗi đau, giúp những bà mẹ trẻ, đưa ra lời khuyên” – Loan Châu nói về dự án của mình.

Cuộc thi đã tiếp nhận những ý tưởng gói ghém đầy đủ sự nhạy cảm của trẻ, gây nhiều bất ngờ cho người lớn. “Con có thể có những ngày thế này không? Bố mẹ cùng con chơi xích đu, cùng con chạy bộ, chơi bóng rổ, cùng bơi ở bể bơi Bốn Mùa. Trong bữa ăn tối chúng ta có thể cùng nhau trò chuyện. Trước khi đi ngủ bố mẹ có thể kể chuyện cho con nghe. Mỗi khi chúng con làm việc tốt có thể cùng chúng con đi xem phim. Lúc buồn có thể tâm sự, chia sẻ với nhau, làm mọi việc cùng nhau mà tạm rời xa những thiết bị công nghệ…”. Đó là góc nhìn khơi gợi nhiều suy ngẫm của thí sinh 9 tuổi Hà Tú Quyên khi xây dựng kế hoạch “Làm thế nào để bố mẹ “cai nghiện” thiết bị điện tử?”.

Những tâm sự ấy đã nhắc nhớ nhiều cha mẹ về những mong muốn chính đáng, bình dị của trẻ - điều mà ít nhiều bị cha mẹ đang lãng quên bởi nhịp sống công nghiệp.

Nói như anh Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển TTT&DN, Bộ KH&CN – Thành viên Giám khảo Cuộc thi thì có những điều trẻ nói ra khiến người lớn phải giật mình vì nhìn thấy chính mình trong “vai” những nhân vật tưởng tượng của trẻ, từ đó giúp người lớn phải tự nhìn nhận lại bản thân.

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, những ý tưởng mà các em mang đến cuộc thi còn mở rộng tới cả những vấn đề lớn hơn của cộng đồng, xã hội, thể hiện sự nhạy cảm và đầy sâu sắc trong tâm hồn trẻ. Thí sinh Phan Lê Hà Linh (16 tuổi) nêu một loạt các dẫn chứng về sự vô cảm của con người – nhất là khi mạng xã hội phát triển bùng nổ. “Hãy thương lấy nhau” là thông điệp mà Hà Linh muốn mang tới, khuyến khích và mong mỏi mọi người sống bao dung độ lượng, nhân ái và vị tha để cùng tạo một cộng đồng lành mạnh, thấm đẫm tính nhân văn

Truyền cảm hứng cho người lớn

Chỉ trong 38 ngày phát động, Ban tổ chức Cuộc thi “Tuổi nhỏ nghĩ lớn – Hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn” đã nhận được 480 ý tưởng từ các em học sinh với những kết quả hết sức bất ngờ về tinh thần dám nghĩ, dám thử, dám hành động của các công dân tương lai. Những mơ ước và hành động sáng tạo của trẻ thơ đã truyền cảm hứng và động lực để các bậc phụ huynh cùng chung tay thay đổi “thế giới người lớn”.

Chị Vũ Thủy, một phụ huynh có con học lớp 6 cho biết: "Thỉnh thoảng tôi cũng giật mình trước một bộ ảnh, bài báo cảnh tỉnh về những 'bữa cơm im lặng' và tinh trạng nghiện thiết bị công nghệ. Nhưng rồi cuộc sống, thói quen, bạn bè và những 'cám dỗ ngọt ngào' của công nghệ lại kéo mình đi. Xem bài dự thi của các con, tôi mới sững sờ nhận ra rằng, không chỉ là nỗi lo xa của các nhà khoa học hay nhà hoạt động xã hội, rõ ràng con trẻ đang bị tác động trực tiếp, cảm thấy bất an và cô đơn trong chính ngôi nhà mình. 'Thay đổi thế giới' đúng là nên bắt đầu từ những hành động nhỏ mà ý nghĩa lớn - ví dụ như đặt điện thoại xuống khi bước qua cánh cổng nhà mình".

Những ước mơ trẻ thơ và ý tưởng của cuộc thi đã truyền cảm hứng để người lớn thay đổi

“GS Xoay” Đinh Tiến Dũng – thành viên Ban giám khảo đánh giá: “Chỉ cần nhìn vào số lượng bài dự thi cũng đã thể hiện sức sáng tạo hết sức mạnh mẽ của các em. Ngoài chủ đề đa dạng, các em còn đưa ra những cách xử lý khác biệt trên cùng một vấn đề. Chưa nói đến tính khả thi, bản thân những ý tưởng này đã giúp tỏa ra năng lượng của sự sáng tạo và tự tin”.

Còn anh Phạm Hồng Quất thì nhận định, cuộc thi đã thể hiện một cách toàn diện và đa dạng nhận thức sâu sắc của lớp trẻ về các vấn đề phụ huynh, gia đình, xã hội, khoa học công nghệ, …

“Đây là sân chơi bổ ích, khuyến khích và nuôi dưỡng cảm xúc của trẻ. Cuộc thi cho thấy trẻ tuy ngây thơ nhưng có những suy nghĩ rất sâu sắc, tinh tế, cha mẹ cần phải quan tâm đến tình cảm và cảm xúc của trẻ nhiều hơn. Trẻ không chỉ nhận thức mà còn khái quát được vấn đề, khiến người lớn cũng thấy mình trong đó với nhiều thói hư tật xấu cần phải thay đổi” – anh Quất nói.


Cuộc thi “Tuổi nhỏ nghĩ lớn – Hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn” – Trại hè VinCamp 2015 là chương trình do Tập đoàn Vingroup khởi xướng, dành cho mọi thiếu nhi từ 6-16 tuổi là con em của cư dân Vinhomes hoặc là học sinh của hệ thống giáo dục Vinschool.

Ban tổ chức đã chọn ra tác giả của 50 ý tưởng xuất sắc nhất để tham gia Trại hè VinCamp được tổ chức tại Vinpearl Nha Trang từ ngày 10 – 14/8/2015. Trại hè “Chủ nhân của Tương lai” VinCamp sẽ là một động lực mới giúp các công dân nhí nuôi dưỡng niềm tin về khả năng thay đổi chính mình, thay đổi thế giới tương lai, qua đó lan tỏa tinh thần sống có trách nhiệm và chủ động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn trong cộng đồng.

Chia sẻ