Cuộc sống bình thường trở lại sau giãn cách, làm ngay 4 điều này để dù ngân sách có eo hẹp thì bạn vẫn sẽ "sống khỏe"
Chúng sẽ giúp bạn chuẩn bị cho một cuộc sống bình thường mới thật thuận lợi và suôn sẻ.
Dịch bệnh dần được kiểm soát và cuộc sống của mọi người đang trở lại bình thường. Trong thời gian qua, mọi thứ dường như bị đảo lộn, chắc chắn tình hình tài chính của người dân cũng không là ngoại lệ. Nhiều người bị giảm thu nhập thậm chí là mất nguồn thu. Chính vì vậy khi mọi thứ trở lại bình thường, rất có thể họ sẽ gặp khó khăn về tiền bạc.
Để chuẩn bị cho một cuộc sống bình thường mới thật thuận lợi và suôn sẻ, bạn hãy làm ngay những biện pháp về tiền bạc sau đây:
1. Kiểm tra lại ngân sách
Khi cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường, bạn hãy dành thời gian để đánh giá lại tình hình tài chính của bản thân, tính đến những gì đang sở hữu và cả những gì còn nợ nần.
Shelly-Ann Eweka, giám đốc cấp cao về kế hoạch tài chính tại TIAA, gợi ý chúng ta nên xem xét bảng sao kê thẻ tín dụng và ngân hàng, tài khoản hưu trí, đầu tư cũng như các hóa đơn và chi phí hàng tháng của mình.
Từ đó bạn có thể bắt đầu đánh giá lại ngân sách của bản thân. Ví dụ như phân bổ lại số tiền giữa các danh mục trong ngân sách và xác định các cách để hạn chế chi tiêu.
Bạn cũng nên thêm vào ngân sách những khoản chi phí mới, bởi vì thời điểm này chúng ta sẽ không còn phải ở nhà nhiều như trước nữa.
2. Tinh chỉnh các mục tiêu tài chính
Ngân sách không phải là thứ duy nhất bạn cần xem lại. Bạn cũng nên xem xét kỹ các mục tiêu tài chính của mình, xác định xem chúng có phù hợp với tình hình tài chính và kỳ vọng của bản thân hay không.
Eweka nói: “Bạn thực sự phải cân bằng con người tương lai của mình với con người hiện tại”.
Dịch bệnh có thể đã khiến bạn phải gác lại mục tiêu tài chính nào đó, chẳng hạn như mua chiếc ô tô đầu tiên, mua nhà hoặc trả nợ.
Dù tình trạng tiền bạc của bạn như thế nào sau khi điều chỉnh lại ngân sách, bạn cũng cần đánh giá lại các mục tiêu và ưu tiên những gì quan trọng nhất.
Bạn nên liệt kê các mục tiêu tài chính với hai danh mục “ngắn hạn” và “dài hạn” để hình dung điều gì cấp bách hơn. Một số mục tiêu chung mà mọi người đều có bao gồm tiết kiệm để nghỉ hưu, thành lập quỹ khẩn cấp, trả nợ thẻ tín dụng hoặc bắt đầu kinh doanh.
Khi đã hình dung rõ ràng về các mục tiêu tài chính, bạn có thể chi tiêu và tiết kiệm hợp lý để đáp ứng các mục tiêu đó một cách phù hợp.
3. Sử dụng thẻ ghi nợ hoặc tiền mặt thay vì thẻ tín dụng
Quẹt thẻ tín dụng để mua hàng, nếu không cẩn thận bạn có thể phải gánh cả đống nợ lớn. Thẻ tín dụng chỉ nên được sử dụng nếu bạn thanh toán được đầy đủ hàng tháng. Hoặc ít nhất là bạn cũng phải có kế hoạch trả hết khoản nợ trong khoảng thời gian ngắn.
Sau khi cuộc sống bình thường trở lại, tốt nhất là bạn hãy sử dụng thẻ ghi nợ hoặc tiền mặt để mua hàng. Bằng cách này chúng ta có thể kiểm soát dòng tiền tốt hơn. Dùng thẻ tín dụng có khả năng khiến hóa đơn tăng cao hơn. Đó là điều nguy hiểm nếu tình hình tài chính của bạn đang gặp bất lợi.
4. Tăng số tiền tiết kiệm khẩn cấp của bạn
Những sự kiện bất ngờ trong cuộc sống có thể xảy ra bất cứ lúc nào và điều bạn cần làm là phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính. Đó là lý do tại sao quỹ khẩn cấp trở thành thứ thiết yếu.
Nếu đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn trong thời gian dịch bệnh, chắc hẳn bạn sẽ thấm thía sâu sắc tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp. Nhiều người còn ước rằng giá kể trước đó họ chi tiêu tiết kiệm hơn để xây dựng một quỹ khẩn cấp dồi dào.
Do vậy, một điều quan trọng trong thời điểm này là bạn hãy bắt tay ngay vào xây dựng quỹ khẩn cấp cho mình. Nếu thu nhập chưa cao, hãy cố gắng hạn chế chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn. Chẳng may biến cố có tiếp tục xảy đến thì bạn cũng không cần phải chịu áp lực lớn.
Theo: keyt