Tìm ý nghĩa cuộc sống từ việc làm thiện nguyện
Ẩn phía sau vẻ trẻ trung, giỏi giang, năng động và nhiệt huyết tham gia các hoạt động từ thiện của chị Hoa là một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh khi không có cơ hội làm mẹ, hôn nhân tan vỡ.
Tôi gặp chị Lê Thị Hoa (42 tuổi, trú khối Bắc Mỹ, phường quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) trong một lần chị cùng đoàn thiện nguyện trao số tiền quyên góp được từ các nhà hảo tâm cho trường hợp 3 cháu bé vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ trên địa bàn phường Quỳnh Thiện.
Ấn tượng đầu tiên tôi gặp chị là một người phụ nữ khuôn mặt khả ái ngồi ôm bé gái 4 tuổi (con gái út của cặp vợ chồng vừa mất). Chỉ trong vòng chưa đầy 50 ngày, 3 chị em bé gái đáng thương này đã mất cả cha lẫn mẹ. Nghe qua câu chuyện đau lòng, khuôn mặt chị Hoa nhòe lệ.
Khát khao có một đứa con, chị Hoa ngỏ ý muốn nhận cháu bé 4 tuổi làm con nuôi, đưa về chăm sóc nhưng người thân cháu bé muốn 3 chị em ở bên nhau cho có tình cảm.
Cũng trong buổi chiều hôm đó, chị sắp xếp thời gian, xin phép người thân được đưa bé gái đi chơi, mua quần áo, đồ chơi… động viên tinh thần cháu bé.
Những lần sau đó, tôi thường xuyên gặp chị tại điểm nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19, trao quà cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, nghĩa trang chôn cất thai nhi xấu số, cứu trợ lũ lụt miền trung, thăm, tặng quà cho những cơ sở, trung tâm chăm sóc trẻ bỏ rơi, tàn tật…
Chị Hoa chia sẻ: "Kết hôn, chờ đợi mãi vẫn không có con, khát khao làm mẹ cháy bỏng nên làm được đồng nào, vợ chồng tôi mang đi để điều trị hiếm muộn. 5 năm, rồi 10 năn kiên trì chữa trị, mong muốn có một mụn con vẫn không thành hiện thực. Tôi lại nuôi hy vọng có con bằng nhiều phương pháp nhân tạo nhưng vẫn không có kết quả. Gần 20 năm mong ngóng, phép màu không đến với vợ chồng tôi và rồi hôn nhân sau đó cũng tan vỡ".
"Từ thiện giúp tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa"
Cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện của chị Hoa từ năm 2015. Trong một lần ngồi chuyện trò với một người bạn, nghe câu chuyện có 2 cháu nhỏ ở xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) mồ côi cha và đều mắc bệnh hiểm nghèo, cơ thể bại liệt dần. Chị đã ủng hộ, ngõ ý xin đi cùng và đã khóc khi chứng kiến cảnh 2 đứa trẻ thơ (7 tuổi và 5 tuổi) mất cha, đi lại không vững. Chị cũng thấy ấm lòng khi vừa cùng mọi người làm một việc thiết thực, ý nghĩa.
Cũng từ đó, chị Hoa dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện như đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho những số phận bất hạnh mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro… có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cứu trợ lũ lụt tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị…; tham gia nấu những bữa cơm cho các bệnh nhân covid-19; chia sẻ căn ấm, lương thực thực phẩm và gạo cho người nghèo vào những dịp lễ, Tết; tặng quà cho bà con thiểu số, vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn; thăm hỏi, tặng quà tại các cơ sở, trung tâm cưu mang nuôi dạy trẻ tàn tật, bỏ rơi…và đặc biệt, chị Hoa cùng một số thiện nguyện viên khác đứng ra xây dựng nghĩa trang đầu tiên tại Nghệ An chôn cất thai nhi xấu số bị vứt bỏ.
"Ngoài công việc kinh doanh, tôi dành thời gian cho những hoạt động từ thiện. Đi làm mà nghe có trường hợp nào khó khăn, bất hạnh đang kêu gọi ủng hộ thì tôi ủng hộ và cố gắng sắp xếp thời gian đi theo đoàn. Tiếp xúc bao hoàn cảnh, thấy người ta nghèo, không có cơm ăn, áo không đủ mặc… tôi thấy cuộc đời của mình còn may mắn hơn họ rất nhiều. Tôi tự nhủ mình còn khả năng giúp được ai thì sẽ cố gắng giúp", chị Hoa chia sẻ.
Chia tay người phụ nữ đơn thân xinh đẹp vào buổi chiều muộn, ngước nhìn lại vẫn thấy chị cúi khom người quét dọn nghĩa trang cưu mang những thai nhi xấu số. Người dân quý trọng tấm lòng của chị và cho biết, cứ mỗi chiều lại thấy chị Hoa xuất hiện tại nghĩa trang, làm những công việc này một cách nhiệt tình, chu đáo, âm thầm và lặng lẽ, không cần một ai ghi nhận và xem như đó là duyên nợ của cuộc đời mình.
"Tôi ước khỏe mạnh, đi làm kiếm tiền để thực hiện tâm nguyện xây một căn nhà để cưu mang, bao bọc những cô gái chót mang thai ngoài ý muốn. Khi họ mang thai và có ý định bỏ thai, tôi sẽ cố gắng thuyết phục, đưa họ về chăm sóc. Khi đứa trẻ chào đời nếu không nuôi được thì tôi sẽ nuôi. Có như vậy thì xã hội này mới bớt nạn nạo phá thai và tôi cũng bớt đau lòng khi cùng những người bạn tự tay chôn cất những thai nhi xấu số bị vứt bỏ.
Tôi còn mong muốn những người xung quanh mình sẽ có cuộc sống ổn định hơn", chị Hoa tâm sự.