"Cuộc đua" giữa các chàng rể

,
Chia sẻ

'Anh kèo cột' biếu bố mẹ vợ cái gì, anh Chính cũng học theo vì sợ 'mất mặt'.

Anh Chính được bố vợ khoe: ‘Anh Phương mới cho bố chiếc điện thoại cũ này’. Biết bố đang khen chàng rể cả, anh Chính thấy không thoải mái. Chờ lĩnh lương, anh Chính quyết định đổi điện thoại, mang biếu bố vợ chiếc điện thoại cũ mà theo anh còn “nhiều tính năng và mới hơn của anh rể”.

Anh Chính là rể út trong nhà, lại mang tiếng là “có học” nên sợ phải “lép vế” người anh rể ít bằng cấp hơn mình. Anh rể cả tính hòa đồng nên thường biếu bố mẹ vợ thứ nọ, thứ kia. Mỗi lần như thế, anh Chính thấy ông bà gặp ai cũng khoe. Sợ “kém cạnh” nên hễ thấy anh rể biếu bố mẹ vợ cái gì, anh Chính cũng học theo.

Có lần vì thấy anh rể mang biếu bố vợ chiếc quần kaki và đôi giày thể thao cũ, anh Chính cũng cố tìm trong tủ quần áo của mình một chiếc quần đùi cũ nhưng hợp với bố vợ. Thấy vợ chồng anh chị mua biếu bố mẹ vợ áo dài hay thuốc bổ, anh cũng về bàn với vợ mua quà.

Lần khác, nghe mẹ vợ gọi điện kể chuyện vừa được vợ chồng anh Phương đưa đi ăn hàng thì tuần sau, anh Chính cũng yêu cầu vợ chi tiền đưa cả nhà ngoại đi ăn hàng. “Nếu không mỗi lần gặp mặt sẽ rất ngại khi phải nghe bố mẹ vợ ca ngợi anh rể cả” – anh Chính nói.
 

Khác với anh Chính, anh Long (32 tuổi, lập trình viên) là anh rể cả. Sau khi cô em vợ kết hôn thì anh liên tục thấy bị “mất mặt”.

Anh Long cho biết: “Động đến thứ gì trong nhà, ‘nhạc phụ, nhạc mẫu’ cũng hồ hởi: ‘Của vợ chồng em Ngân đấy’, lại thấy chạnh lòng”. Một lần, vì vô tình làm vỡ chiếc lọ hoa mà người em rể mua từ Hàn Quốc biếu bố mẹ vợ, anh Long còn bị mẹ vợ giận. Tự ái nên ngay ngày hôm sau, anh quyết định mua đền chiếc lọ hoa ấy, dù giá của nó là quá nửa lương tháng của anh.

Những lần thấy em rể mua biếu bố vợ đồng hồ hàng hiệu, cà-vạt nhập khẩu hay kính lão “xịn” là anh Long cũng gắng mua biếu bố mẹ vợ thứ gì đó, cho cân xứng. “Cứ để ông bà nức nở vì vợ chồng cô em thì mình cũng không đáng mặt là anh” – anh Long nói. Anh rất sợ bị nhà vợ chê là keo kiệt, coi thường nghèo hèn. Vì thế, anh luôn ngấm ngầm muốn “đua” với vợ chồng cô em.

Nỗi lòng chàng rể

Đừng tưởng chỉ có cảnh đi làm dâu mới ấm ức, nhiều chàng rể cũng không thoải mái gì. Nhất là khi anh (em) rể của họ có kinh tế và giỏi lấy lòng bố mẹ vợ hơn. Khi đó, những anh bị “lép vế” (thường do kinh tế kém hơn, chẳng hạn) cũng muốn ganh đua, sao cho không bị thua thiệt trong mắt nhà vợ.

Sợ bị nhà vợ chê “ki bo” hoặc bất tài là nỗi ám ảnh với không ít chàng rể. Nếu bố mẹ vợ ít tâm lý, hay khen ngợi chàng rể này trước mặt chàng rể khác thì “cuộc đua ngầm” càng khốc liệt hơn.

Chàng nào “kém” lại dễ tự ái có thể nghĩ đang bị bố mẹ vợ coi thường nên cố sức lấy lòng, dù chuyện đó không hợp với kinh tế của mình. Có chàng thì ấm ức, thành ra không thân thiện với nhà vợ hoặc gia đình vợ. Nếu suy nghĩ đang bị nhà vợ “coi khinh” càng nhiều thì thái độ chán nản càng thấy rõ.

Chuyện hiếu thảo với bố mẹ vợ (chồng) là điều cần thiết dù là con dâu hay con rể. Nhưng hiếu thuận phải hợp với hoàn cảnh và điều kiện riêng. Nếu chỉ cố lấy lòng bố mẹ vợ (chồng) vì ganh tị với anh chị em thì không phải cách hay. Nó làm mất đi giá trị của sự hiếu thảo; đồng thời, có thể gây ra tác dụng ngược. Cố sức mà bố mẹ vẫn coi trọng và khen ngợi anh (chị em) dâu (rể) nhiều hơn thì dễ nảy sinh thái độ bất mãn, không còn yêu quý nhà vợ (chồng) nữa. Cái gì thật lòng thì sẽ bền hơn.

Người vợ trong hoàn cảnh này có thể bàn bạc chuyện biếu quà cho ông bà nội - ngoại với chồng. Sao cho vừa thể hiện được tình cảm, vừa hợp với kinh tế gia đình.
Theo Me&be
Chia sẻ