Cuộc đời thăng trầm của siêu mẫu đầu tiên trên thế giới: Tuổi thơ nghèo khó, bị xâm hại tình dục và vướng vào một vụ giết người
Evelyn Nesbit từng được xem là siêu mẫu hàng đầu của thế kỷ 20, là người tạo nên cuộc cách mạng trong đời sống văn hóa và thời trang lúc bấy giờ. Nhưng “hồng nhan bạc phận”, sau ánh hào quang lẫy lừng đó, Evelyn vấp phải sóng gió cuộc đời khiến sự nghiệp của cô xuống dốc không phanh.
Siêu mẫu hàng đầu thế kỷ 20, Evelyn Nesbit.
Những năm đầu của thế kỷ 20, chân dung của Evelyn Nesbit gần như xuất hiện khắp nơi. Cô sở hữu nét đẹp mê hồn với mái tóc màu đồng thướt tha, thân hình mảnh mai, cân đối đã làm say đắm hàng triệu trái tim đàn ông nước Mỹ.
Tuổi thơ vất vả, khổ nhọc
Evelyn Nesbit sinh năm 1884, xuất thân trong một gia đình người Scotland bình thường tại thị trấn Tarentum, bang Pennsylvania. Cha cô mất khi cô mới 11 tuổi. Mẹ cô, bà Nesbit vốn chỉ là nội trợ, trở thành trụ cột trong gia đình và vật lộn bươn chải để nuôi Evelyn với em trai.
Bà để Evelyn cùng em trai sống với người thân ở Pittsburg và một mình đi đến Philadelphia để lập nghiệp. Sau khi kiếm được việc làm ở chuỗi cửa hàng bách hóa Wanamaker, bà Nesbit đón hai con lên ở cùng và bắt chúng làm việc cùng bà.
Khi ấy, dù Evelyn mới 14 tuổi và em trai 12 tuổi, họ vẫn phải lao động 12 tiếng mỗi ngày và chỉ được nghỉ vào cuối tuần.
Evelyn sở hữu nét đẹp mê hồn với mái tóc màu đồng thướt tha, thân hình mảnh mai, cân đối đã làm say đắm hàng triệu trái tim nước Mỹ.
Khoảng thời gian này, Evelyn vô tình gặp gỡ và quen biết một người họa sĩ. Anh ta nhanh chóng bị thu hút trước nhan sắc quyến rũ của cô bé và mời Evelyn làm người mẫu. Nhận thấy đây là cách kiếm tiền dễ dàng và nhàn hạ hơn, Evelyn đã bắt đầu làm người mẫu để kiếm tiền giúp gia đình thoát nghèo, dù cho mẹ cô chưa bao giờ ủng hộ điều này.
Khi gia đình chuyển đến New York vào năm 1900, cuộc sống mưu sinh trở nên khó khăn hơn nơi thành thị. Evelyn nghiễm nhiên trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình bằng nghề người mẫu.
Sự nghiệp bỗng lên như "diều gặp gió"
James Carroll Beckwith đã giới thiệu Evelyn với các nghệ sĩ và cô nhanh chóng trở thành người mẫu được ưa chuộng hàng đầu ở New York. Tiếng tăm của cô vụt sáng như sao băng, nhưng đồng thời cô cũng bước chân vào một thế giới mới hoàn toàn khác.
Evelyn trở thành "nàng thơ" của vô số họa sĩ đương thời, là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có tác phẩm nổi tiếng "Innocence" (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan) của nhà điêu khắc George Grey Barnard và "Women: The Eternal Question" (1905) của Charles Dana Gibson.
Bức "Innocence" (Ngây thơ) của nhà điêu khắc George Grey Barnard trưng bày trong Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York) khắc họa nàng Evelyn Nesbit.
Cô cũng là gương mặt sáng giá trên nhiều trang bìa minh họa của các tờ báo và tạp chí, trong đó có Vanity Fair, Harper' Bazaar, The Delineator và Ladies’ Home Journal. Evelyn Nesbit thuở đó là nhân vật được công chúng "quen mặt" nhất.
Khi những bìa tạp chí bắt đầu chuyển từ vẽ minh họa sang sử dụng ảnh chụp, cô gái Evelyn Nesbit đã đón đầu xu hướng và tiếp tục là người mẫu "đắt sô" nhất trong ngành giải trí.
Không bằng lòng với việc làm người mẫu, Evelyn còn tham gia kịch nghệ Broadway ở New York. Nhưng báo chí vẫn bàn nhiều đến nhan sắc của cô hơn là diễn xuất.
Hồng nhan bạc phận
Siêu mẫu Evelyn Nesbit đã trở thành biểu tượng của thời đại mình, nhưng tài năng và sắc đẹp thường gắn liền với những tai ương.
Sau khi nổi tiếng, cuộc sống của Evelyn gặp nhiều xáo trộn và tên tuổi của cô lên đến đỉnh điểm khi dính líu vào một vụ giết người. Vụ án mạng này được mệnh danh là "phiên tòa thế kỷ" và làm tốn không ít giấy mực của truyền thông vào thời điểm đó.
Siêu mẫu Evelyn Nesbit đã trở thành biểu tượng của thời đại mình, nhưng tài năng và sắc đẹp thường gắn liền với những tai ương.
Mọi chuyện bắt đầu khi Evelyn gặp gỡ và quen biết Stanford White, một kiến trúc sư nổi tiếng và là người có vai vế trong xã hội.
Vì say mê Evelyn, White thiết kế một căn hộ đặc biệt cho cô gái trẻ, giúp em trai của Evelyn vào Học viện Quân sự và chu cấp tài chính cho gia đình cô. Đổi lại, White muốn được chiếm hữu nàng siêu mẫu xinh đẹp này.
Một lần nọ, White mời Evelyn đến nhà mình ăn tối, chuốc cô uống rượu say và hãm hiếp Evelyn khi cô còn chưa đến 17 tuổi. Evelyn đã giữ kín việc này vào thời gian đó còn White thì vẫn tỏ ra là một ân nhân đặc biệt của cô ấy.
Sau khi mối quan hệ này chấm dứt, Evelyn cặp kè với triệu phú Harry Kendall Thaw. Tuy nhiên, Thaw là một người có tính tình bất thường, kỳ dị và bạo lực.
Khi hắn cầu hôn Evelyn lần đầu tiên, cô đã từ chối vì biết rõ hắn là người rất ám ảnh chuyện trinh tiết. Cô đã tiết lộ sự thật những gì White đã làm với cô, và điều này hoàn toàn làm tên triệu phú nổi điên. Hắn giam cô vào một tòa biệt thự ở Áo, dùng roi đánh đập và lạm dụng Evelyn trong suốt 2 tuần liền.
Evelyn từng bị hai đàn ông lạm dụng tình dục.
Sau tất cả những tồi tệ đã gây ra, hắn nói lời xin lỗi và lập tức được Evelyn tha thứ, với một lý do đơn giản rằng hắn giàu có. Thaw mất 4 năm tiếp theo để Evelyn chấp nhận lời cầu hôn của mình và cưới hắn.
Nhưng kể cả khi đã kết hôn, nhà triệu phú vẫn không thể quên đi quá khứ của vợ, vẫn ghen tuông với Stanford White, người đã khiến vợ hắn không còn trong trắng.
Tên tuổi của Evelyn lên đến đỉnh điểm khi dính líu vào một vụ giết người.
Cuối cùng, vào ngày 25/6/1906, lấy lý do ghen tuông và bảo vệ danh dự cho người vợ trẻ, Thaw đã bắn chết White tại một buổi trình diễn kịch nghệ, ngay trước sự chứng kiến của đông đảo người xem, trong đó có vợ mình.
Ngay hôm sau, báo chí khắp nơi đồng loạt đăng tin về vụ ám sát kinh hoàng cũng như bí mật thầm kín của người mẫu Evelyn Nesbit. Nhiều người đã kể lại rằng, tên triệu phú đã hét lên "Mày đã làm hại đời vợ tao" trước khi giết White. Thaw sau đó bị nhận án tù chung thân.
Evelyn trở thành nạn nhân của chính những hào quang mà mình tạo ra
Xã hội và truyền thông đã không thông cảm cho Evelyn. Cô bị vùi dập và chỉ trích không thương tiếc. Những lùm xùm, rắc rối về đời tư đã làm cô không thể có được hạnh phúc lần nữa, khi người chồng thứ hai vì dư luận đã bỏ rơi cô.
Người ta đàm tiếu những lời không hay về cô, luôn nhắc đến cô là "vẻ đẹp chết người", "cô ả lẳng lơ". Cô mất hết danh vọng, sự nghiệp và buộc phải làm vũ công ở quán café.
Sau lần tự tử không thành vào năm 42 tuổi, cô sống tiếp những chuỗi ngày còn lại với vai trò diễn viên phim câm, tạp kỹ và tác giả của hai cuốn hồi ký.
Siêu mẫu đầu tiên trên thế giới, Evelyn Nesbit đã trở thành nạn nhân của chính những hào quang mà mình tạo ra.
Danh tiếng như con dao hai lưỡi, đã "nuốt chửng" Evelyn. Lần cuối Evelyn còn hoạt động nghệ thuật là qua bộ phim "The Girl in the Red Velvet Swing" 1995 (Cô gái trên xích đu nhung đỏ) với vai trò cố vấn kỹ thuật.
Những năm sau đó, Evelyn lui về ở ẩn, vật lộn với chứng trầm cảm và qua đời ở viện dưỡng lão tại California năm 1967, thọ 82 tuổi.