Cuộc đời của nữ tỷ phú tốt bụng
Bao nhiêu người nghèo trong phố phường Hà Nội và ở nhiều những miền quê khác nhau chị đã cưu mang, giúp đỡ. Những việc từ thiện đó như là một nhu cầu tự nhiên trong đời sống thường nhật.
Đã gần chục năm nay rồi, mỗi chiều 30 tết, khi gần như tất cả mọi người Việt sẽ tạm gác mọi toan lo để trở về gia đình, để sum họp cho một cái tết cổ truyền đầm ấm và hạnh phúc thì chị lại lặng lẽ rời ngôi nhà của mình. Chị mua đầy một xe ôtô bánh kẹo, bánh chưng và chuẩn bị một ít tiền, gọi mấy người bạn thân thiết nhất và bắt đầu cho hai điểm đến quen thuộc là khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, và Viện Nhi TW. Chị vào hai nơi này để thăm hỏi, chia sẻ và động viên những người bệnh không có tết, không có được niềm vui sum họp bên gia đình chiều 30.
Bao nhiêu người nghèo trong phố phường Hà Nội và ở nhiều những miền quê khác nhau chị đã vô tình gặp và cho tiền, giúp đỡ. Bao nhiêu phận người bất hạnh chị dã chìa tay cứu giúp. Quá nhiều để không thể kể tên ra hết được. Chỉ biết rằng, chị làm những việc từ thiện đó như là một nhu cầu tự nhiên trong đời sống thường nhật của chị.
Chị là Lê Phương Dung. Trước khi trở thành nữ tỷ phú, chị, từng là một nữ nhà báo xông xáo, tác giả của những bài viết về thị trường thấm đẫm đời sống quê kiểng của những người đàn bà Việt, những tâm hồn Việt. Có mấy ai biết rằng, đằng sau đời sống lặng lẽ của người phụ nữ luôn nở nụ cười trên môi, luôn lạc quan trong tất cả mọi tình huống có thể xem là bi đát nhất của đời mình lại là một người phụ nữ đã trải qua nhiều nỗi mất mát trong cuộc đời. Trong cộng đồng những người mắc những căn bệnh trọng, chị là một trong số ít những trường hợp hy hữu vượt lên số phận để chống chọi với bệnh tật và chiến thắng mệnh trời.
Là con gái Hà Nội gốc, chị mang trong mình dòng máu lai Việt Pháp khi bố chị là con của một người phụ nữ Pháp với người chồng Việt. Sau năm 1945, người phụ nữ Pháp theo cha là quan tây trở về Pháp, bỏ lại bố chị là cậu con trai duy nhất của bà. Bố chị lớn lên, đi kháng chiến rồi bị thương, ra quân về công tác ở một công ty hóa chất. Một lần, vết thương cũ tái phát, ông ra đi khi ngoài 30 tuổi, để lại 4 người con thơ dại và người vợ trẻ. Chị mồ côi cha lúc tròn 5 tuổi, sau là hai em, em út mới chỉ là bào thai hình thành trong bụng mẹ được 3 tháng. Mẹ chị cắn răng ở vậy thờ chồng nuôi khôn lớn đàn con.
Chị là con cả trong nhà, theo mẹ quản đàn em đi sơ tán. Từ nhỏ, là gái Hà Nội nhưng chị giỏi mò cua, bắt ốc, mót sắn mót khoai để cùng mẹ nuôi đàn em mồ côi cha. Cuộc đời của chị nhiều trắc trở, cả trong công danh lẫn tình cảm. Mười lăm tuổi vào trường Âm nhạc Trung ương học kèn. Học được 3 năm, mẹ và chú kiên quyết bắt ra vì hồi đó, văn công là nghề bạc bẽo, cả nhà sợ chị khổ.
Chị Lê Phương Dung.
Chị thi đỗ Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Nga, học xong ra trường thì tiếng Nga chẳng còn thông dụng. Vậy là chị bập vào yêu, rồi làm vợ một người đàn ông làm nghề lái xe ở Ngoại giao đoàn. Cuộc hôn nhân thực sự bất hạnh khi đứa con đầu lòng đỏ hỏn mới chỉ 3 tháng tuổi trên tay, chị đã trở nên bơ vơ giữa Hà Nội. Nhà chồng không cưu mang con dâu thất nghiệp. Chồng lại quá nhiều người phụ nữ bên cạnh mà sẵn sàng bỏ rơi vợ.
Không dám quay về nhà mẹ đẻ vì lòng tự trọng bởi mẹ ngăn cản cuộc hôn nhân này mà chị vẫn đâm đầu lao vào. Cắn răng, ôm con trai đầu lòng 3 tháng tuổi đi thuê trọ ở Ga Hà Nội. Từ đó là những ngày cay cực, lam lũ, có khi phải bán những chiếc áo ấm cuối cùng, dấu tích của một cuộc hôn nhân vương giả, để nuôi con trong cơn bĩ cực.
Trong một lần ôm con lang thang về Hải Dương xem bói để đoán định tương lai trong lúc bi quan và không lối thoát, chị đã gặp được vị thần hộ mệnh trên chuyến tàu tốc hành. Trên chuyến tàu đó, con trai khóc nhiều, người mẹ trẻ là chị cũng khóc vì không dỗ được con, người phụ nữ lớn tuổi ngồi đối diện đã bế con hộ rồi hỏi han hoàn cảnh.
Biết chị đang thất nghiệp, khó khăn, chồng bỏ rơi, người phụ nữ ấy đã trao toàn bộ giấy tờ của Trạm vật tư nông nghiệp Mộ Đức Quảng Ngãi cho chị để chị gõ cửa cấp trên xin được mua phân lân theo tiêu chuẩn. Người phụ nữ ấy chỉ nói rằng: “Em trẻ trung xinh đẹp, em hãy mạnh dạn mà đi giao tiếp, ắt sẽ thành công đấy. Chị già rồi, nhường việc này cho em”.
Người đàn bà ngoài hai mươi tuổi với đứa con hơn 8 tháng tuổi trên tay đã đến nơi cần đến. Hơn 50 tấn phân lân được ký duyệt, chị được trả lãi 5 triệu đồng, và lăn lóc những chuyến hàng cả hai mẹ con chị từ Hà Nội về Quảng Ngãi. Con trai chị gần như lớn lên trên những chuyến tàu tốc hành. Những năm 80,5 triệu đồng là cả một gia tài quá sức tưởng tượng. Chị mua được căn nhà nhỏ ở Nguyễn Thái Học. Còn tiền nữa không biết để làm gì, mấy người bạn buôn bán ở ga Hà Nội khuyên đem đi mua đất tất. Chị mua được mảnh đất ở Hồ Tây 400m chỉ với 2 triệu đồng.
Có tiền, chồng chị lúc này mới tìm đến. Tình yêu là thứ khó giải thích, đau đớn đấy, căm hận đấy nhưng cũng mềm yếu và tha thứ đấy. Chị lại có thêm con trai thứ 2. Nhưng, tình yêu vốn là thứ mong manh, khi hiểu ra tận cùng cái người mình yêu thương sống chết, lòng chị đã lạnh lẽo. Chị kiên quyết bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy. Năm đó chị chỉ mới ngoài 30 tuổi.
May mắn kèm với may mắn, đất đai đẻ ra tiền bạc. Không kinh doanh, không phải là doanh nghiệp, chị vẫn thành người giàu có, từ những mảnh đất ở những vị trí đẹp ở Hà Nội đem lại. Chị giữ lại mảnh đất 400m ở Hồ Tây xây nhà cho thuê, cuộc sống của chị nhờ vào nguồn thu nhập ổn định này, tiền thuê nhà hàng tháng trên dưới 10.000USD. Là một nữ tỷ phú nhưng chị không kinh doanh, không buôn bán. Của cải và toàn bộ bất động sản mà chị có đã tôn vinh chị lên hàng những nử tỷ phú thành đạt. Chị có gia đình bên nội ở Pháp, mỗi năm chị bay qua bay lại ở bên đó và sống một cuộc sống rời xa những bon chen.
Bắt đầu có tiền, chị làm từ thiện từ đó, cho tiền không tiếc tay, giúp đỡ bất kỳ ai mà chị gặp hằng ngày. Chị làm từ thiện mà không có nhu cầu được ghi nhận hay đền đáp. Chị đi với những người bạn thân thiết coi như đó là việc làm cá nhân của chị, không có nhu cầu chia sẻ với báo chí. Đọc một mẩu báo ở mục “vòng tay nhân ái”, chị sẵn sàng giúp đỡ ngay những hoàn cảnh đáng thương. Có khi chị trực tiếp làm việc đó, có khi không có thời gian, chị nhờ người thân, gia đình gửi tiền cho những mảnh đời bất hạnh. Họ nhận tiền của chị mà không hề biết chị là ai, bản thân chị gửi tiền giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp mà chị cũng chưa một lần biết mặt. Tất cả nằm ở trái tim nhiều yêu thương và lòng nhân ái của chị.
Chị nói, làm tự thiện mà quảng cáo lên thì còn gì là lòng từ thiện nữa. Nên làm những việc đó một cách lặng lẽ và âm thầm thì lòng từ bi của mình mới có ý nghĩa. Số tiền từ thiện lớn nhất mà chị đã từng ủng hộ là 1,660 tỷ, để xây một ngôi trường học cho các em ở một vung quê nghèo.
Có một cô bé lên 8 tuổi là hàng xóm của chị, học ở trường Hoàng Diệu, trong một bài tập làm văn ở lớp, kể về một tấm gương mà em mến phục, cô bé đã lấy chị ra để viết. Bài văn trở thành bài mẫu cho cả lớp, một ngày, người mẹ của cô bé đã đem đến tặng chị, như một món quà ân nghĩa mà chị nhận được ở những người xung quanh mình: “Cách nhà em là một nhà bác Dung. Năm nay bác đã 47 tuổi nhưng vẫn còn trẻ lắm. Bác làm ở Tạp chí Phụ nữ. Bác rất chăm tập thể dục. Sáng nào em thức dậy, ngó ra ngoài cũng thấy bác đang đi bộ. Bác rất yêu cây và hoa nên bác đã trồng cây ở quanh sân xóm nhà em làm xóm đẹp hẳn lên. Bác rất hay quét sân xóm em, làm sân sạch hẳn lên. Bác rất hay chơi với trẻ con trong xóm. Bác cho trẻ con rất nhiều bánh kẹo ngon ơi là ngon!. Bác còn cho nhà cô Thùy hẳn một chiếc tủ lạnh và một chiếc ti vi. Mọi người trong xóm ai có việc là bác đều đến và cho tiền, giúp đỡ. Xóm nhà em ai cũng yêu quý bác Dung”.
Hay bức thư của một cậu bé mù chị nhận làm con nuôi ở trường Nguyễn Đình Chiểu: “Má kính mến của con. Đã từ lâu con thực sự coi má như người mẹ thứ 2 của con. Mặc dù má bận nhiều, má con mình không được gần gũi nhau thường xuyên nhưng con biết má là một người rất có nghị lực. Má đã từng nói với con, những gì má có hôm nay, đều do mồ hôi, nước mắt của má làm ra. Con đã tìm thấy ở má một điểm tựa. Bởi trong hoàn cảnh của con, nghị lực là yếu tố tất yếu, và con tin rằng, có nghị lực, con sẽ làm được tất cả…”.
Và tôi còn đọc được rất nhiều những bức thư của những cậu bé mù, của những người lính từ Trường Sa nơi chị gửi quà hàng chục triệu đồng, từ những người cô đơn không nơi nương tựa mà chị nhận nuôi dưỡng suốt đời. Hay như ngôi trường phổ thông trung học Việt Trì, nơi cất giấu những ký ức thiêng liêng của người mẹ hiền và mấy chị em trong gia đình chị, chị đã bày tỏ lòng tri ân bằng cách hằng năm gửi một số tiền trị giá hàng chục triệu đồng vào quỹ khuyến học của trường.
Mang trọng bệnh đã mổ tới 2 lần, trong khi lần thứ hai, bệnh rất nặng tưởng không qua khỏi. Lên bàn mổ, chị viết di chúc lại cho hai con trong nước mắt chan mặn môi, trong nỗi tuyệt vọng không nơi níu giữ vì coi như cầm chắc cái chết. Thế nhưng, thật kỳ lạ, không biết có phải chị đã sống quá từ bi để rồi nhận được từ bi ở cuộc đời này như nhận được phép nhiệm màu. Nhà Phật đã nói, tìm trong từ bi sẽ có phép nhiệm màu. Chị đã sống đúng, đã tìm thấy phép nhiệm màu của cuộc đời chị. Sau 10 năm trời chống chọi với bệnh tật, chị đã chiến thắng.
Giờ đây, niềm vui sống của chị trở nên mãnh liệt và đầy ắp hơn bao giờ hết. Mỗi một ngày, chị thức dậy và háo hức với niềm vui rằng có ai đó đang rất cần bàn tay giúp đỡ của chị. Chị mua báo đọc nhiều, thường là tìm đến những mục bàn tay nhân ái, và chị lặng lẽ ghi chép lại, lặng lẽ đến. Có đôi ba lần, nhà báo đã vô tình bắt gặp chị trong bệnh viện, vậy là thi thoảng lại có những bức ảnh từ thiện của chị đăng ở các báo. Đó là những niềm vui nho nhỏ bất chợt mà chị nhận được từ những việc làm âm thầm của mình.
Ngoài làm từ thiện, chị chăm chỉ và kiên trì luyện tập thiền, yoga, để tĩnh dưỡng thần, khí cho sức khỏe hiện tại của chị. Sống vui, sống khỏe và luôn yêu đời, luôn yêu thương người khác. Phương châm sống của chị là vậy.
Thuyết phục mãi chị mới đồng ý để tôi viết bài về con người kỳ lạ của chị nhân tròn 10 năm kể từ khi chị mang trọng bệnh, nay chị đã khoẻ mạnh hoàn toàn như một người bình thường khác. Có lẽ đó là phép nhiệm màu kỳ diệu nhất mà chị được thọ hưởng từ cuộc đời này.