Cuộc đi săn "trầm hương của biển": Cả gia tài nằm gọn trong nắm tay
Trên những bãi biển hoang vu, các "thợ săn" long diên hương truy tìm báu vật biển khơi từ loài cá voi.
CUỘC ĐI SĂN "TRẦM HƯƠNG CỦA BIỂN": CẢ GIA TÀI NẰM GỌN TRONG NẮM TAY
Trên những bãi biển hoang vu, các "thợ săn" long diên hương truy tìm báu vật biển khơi từ loài cá voi.
Frans Beuse ngồi vào bàn bếp, xem xét kỹ lưỡng thứ trông giống như một mảng đá. Sử dụng một lưỡi dao mảnh và sắc bén, ông lần lượt cạo thành từng viên, tạo ra 5 khối bột: màu trắng sáng, màu caramel đậm, hoặc màu đen như hắc ín.
Thắp một ngọn nến, ông cắm một cây kim dày vào ngọn lửa, sau đó cho vào bột, bốc khói và sủi bọt thành chất lỏng bóng. Beuse nghiêng người về phía trước, nhắm mắt và hút một làn khói mỏng vào lỗ mũi trái.
"Ngọt ngào và đượm hương hổ phách", ông nói. "Nó đọng lại trên môi, nên tôi có thể nếm được ngay lập tức".
Cả quá trình nghe có vẻ bí hiểm nhưng thực ra thứ mà Beuse sử dụng không phải chất cấm. Đó là long diên hương, hay "hương nước bọt của rồng", một loại chất thải của cá voi, vô cùng hiếm và có giá trị cao, được săn lùng ráo riết bởi những nhà điều chế nước hoa và người thu hoạch bí mật bên các bờ biển gió bão của New Zealand.
Trong số các "thợ săn" long diên hương, Beuse và vợ ông là Adrienne là những thương nhân lớn ở đất nước này.
Ngành kinh doanh long diên hương được phủ sau màn sương bí mật. Rất ít "thợ săn" đồng ý nói chuyện với các phóng viên. Thậm chí, một số còn khá quyết liệt trong việc bảo vệ vỏ bọc của họ. Gần đây, hoạt động "hái ra tiền" trên biển này đã bị tái định hình bởi bàn tay con người - do biến đổi khí hậu làm thay đổi các hình mẫu thời tiết và dòng biển, sự phân bố long diên hương ngoài tự nhiên cũng do đó mà không còn như xưa.
"Trầm hương" của biển
"Chẳng thứ gì khác có mùi giống long diên hương, trừ bọn cá nhà táng", Kane Fleury, giám tuyển của Bảo tàng Otago, cho biết. Ông rất hiểu mùi hương đó do bảo tàng thường xuyên phối hợp với Bộ Bảo tồn New Zealand để xem xét thi thể cá voi hoặc hỗ trợ khi chúng mắc cạn.
"Có một mùi hương ngọt ngào trong đó, một tinh chất nồng đượm của loài động vật có vú của đại dương, ngầy ngậy và hơi nặng, mùi của cá voi", ông giải thích.
Một sự thật thú vị là long diên hương trong tiếng Anh có tên "ambergris", còn hổ phách là "amber". Có lẽ đây không phải sự trùng hợp tình cờ nào cả.
Mùi hương đó thấm sâu vào long diên hương, một thành phần được tạo ra từ hệ tiêu hóa của cá voi nhằm bảo vệ nó khỏi bị thương từ những vật sắc nhọn như mỏ mực và các mảnh vụn trong đại dương. Nó được "trui rèn" trong sóng gió (theo nghĩa đen), tôi dưới ánh mặt trời và phơi mình trong muối.
Quá trình này khiến từng viên long diên hương trở nên nhỏ hơn, đặc quánh và khô từ bên trong, cho đến khi chúng có màu trắng hoặc gần trắng xuyên suốt và không còn chút chất lỏng nào. Quá trình này mất đến hàng trăm năm.
Khi đã đủ độ chín, long diên hương sẽ được định giá bởi các nhà điều chế nước hoa nhờ khả năng định hương cũng như chất lượng mùi hương của nó, có thể mang mùi xạ hương khá nặng của động vật, hoặc hương caramel ngọt ngào, đến mùi nhẹ như phấn ở các dòng cao cấp hơn.
Long diên hương thượng hạng có thể mang mức giá 27 USD (633 nghìn đồng)/gram. Vì nó thường được tìm thấy trong các khối lớn, ngư dân đôi khi cũng tìm thấy chúng và có những khối được báo cáo lại mang giá trị lên tới hơn 40 tỷ đồng. Với giá trị cao như vậy, việc săn tìm long diên hương đôi khi lại rất thử thách và nguy hiểm.
Đãi cát tìm "vàng"
Trên một bãi biển lớn ở Đảo Bắc, New Zealand, nhà Beuse lang thang dọc theo những dấu thủy triều trên cát. Hàng đụn cát lớn xếp sau họ. Bãi biển này nổi tiếng với trảng cát rộng lớn, dòng biển mạnh và những con sóng khổng lồ. Nó cũng là một địa điểm săn long diên hương phổ biến, nhờ gió Tây mang chúng vào từ Biển Tasman.
Trên cát là những đường dài ngoằn ngoèo vết bánh xe, dấu vết được để lại bởi những người đi tìm long diên hương. Theo Adrienne, họ lái suốt ngày đêm đi tìm báu vật này.
Tất nhiên với điều kiện như thế thì không tránh khỏi những cuộc xung đột nảy lửa giữa những người thu tìm long diên hương. Năm 2014, tòa án New Zealand ghi lại vụ việc 2 "thợ săn" long diên hương có tranh chấp bạo lực với nhau khi một người tấn công người kia bằng ống nước, rồi bị "trả đũa" bằng việc bị cán qua.
Nhà Beuse không xa lạ gì với những đe dọa như vậy. Họ nói mình nhận được những lời đe dọa từ các thợ săn khác và việc bị tấn công vẫn thường xảy ra. Theo Adrienne, chuyện đó chẳng có gì khó hiểu khi gia tài có thể lên tới 1,5 triệu USD.
Tiết lộ bí mật cũng là một hành động đầy rủi ro. Một cây viết khoa học về lịch sử của long diên hương đã nhận được email thù ghét và đe dọa kiện tụng từ các thợ săn quá khích sau khi xuất bản cuốn sách của mình.
Fleury thậm chí từ chối tiết lộ những bãi biển cho "năng suất" cao nhất vì không muốn chọc giận ai. Ông cho rằng việc thu thập long diên hương tạo cảm giác như một ngành nghề bất chính hay phi pháp, trong khi trên thực tế thì không. Vấn đề là, khi có khối tài sản quá lớn như vậy trôi dạt đâu đó, người ta sẽ cố gắng bảo vệ nó đến cùng và rất hứng thú khi có thể tìm được chúng ngay trên các bãi biển hoang vu.
Việc nhận dạng long diên hương cũng phức tạp và mang tính chủ quan, có thể dẫn đến mâu thuẫn. Loại chất này gần như không thể được phát hiện ra chỉ bằng mắt. Long diên hương già trông giống đá bọt, sa thạch hoặc đất cứng, trong khi những viên "non" hơn rất dễ bị nhầm là sỏi đá, gỗ hóa thạch hay thậm chí chất thải động vật.
Những thông tin tìm được long diên hương thường gây sốt dẻo trên báo chí New Zealand, tuy nhiên, rất thường khi chúng lại gây thất vọng khi chỉ là một cục nhựa hoặc tảng đá có hình thù kỳ dị.
Viễn cảnh về sự giàu sang thậm chí làm mờ mắt nhiều người và khiến họ đắm chìm trong ảo tưởng. Theo Anton van Helden, cố vấn khoa học hải dương của Bộ Bảo tồn New Zealand, người ta đôi khi cứ nhầm lẫn bất cứ thứ gì trôi dạt lên các bãi biển là long diên hương thật và mang lại giá trị khổng lồ cho họ. Tuy nhiên, đa số lượng "long diên hương" được mang đến cho ông đánh giá thực ra chỉ là một mảnh đá "trời ơi đất hỡi" vô giá trị nào đó.
"Tôi hỏi người ta, 'Nó có mùi dễ chịu không?' Và họ thề sống thề chết là có, nhưng khi họ mang đến thì chúng chỉ có mùi bọt biển chết hoặc ôi thiu hôi thối".
Tác động của biến đổi khí hậu
Do khủng hoảng khí hậu, môi trường biển đang thay đổi và những người thu thập long diên hương đang lo ngại rằng chúng có thể trở nên ngày càng hiếm.
Vào tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học đã xuất bản một nghiên cứu mới cho thấy ấm lên toàn cầu sẽ thay đổi tập tính di cư của cá voi xanh và cá nhà táng gần New Zealand, đẩy chúng xa hơn về phương nam. Long diên hương có thể trôi trên biển hàng thế kỷ trước khi cập bờ, nên một thay đổi trong tập tính di cư thôi khó mà ảnh hưởng đến phân bố toàn cầu của chúng.
Vấn đề là, hiện tượng ấm lên toàn cầu làm thay đổi gió và các dòng chảy đại dương - những nhân tố mang chúng lên bờ. Khi biển ấm lên, một số dòng hải lưu sẽ trôi nhanh hơn, số khác chậm hơn và một vài thì biến mất hoàn toàn.
Những nhà thu thập chuyên nghiệp như gia đình Beuse cũng nhận ra những thay đổi chóng mặt này - thứ mà họ và các thế hệ cha chú chưa từng thấy. Mùa đông với gió Tây và những cơn bão - thời điểm bội thu long diên hương nhất, giờ đây đang rút ngắn lại. Adrienne cho biết bà vô cùng lo lắng vì họ hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên để thu hoạch loại chất này.
Cũng theo họ, mỏ mực là một trong những đặc tính thú vị nhất của long diên hương khi chúng bao bọc các mảng chất cứng chắc đó. Tuy nhiên gần đây, ngày càng nhiều long diên hương hình thành xung quanh rác thải của con người - đặc biệt là rác nhựa. Người ta đã tìm ra một mảng long diên hương bọc quanh dây nilon với hình thù kỳ dị và trưng bày ở Bảo tàng Otago, minh chứng cho những gì con người đang làm với mẹ thiên nhiên.