Cùng là nữ văn phòng, trong khi giờ nghỉ trưa chị em đồng nghiệp rủ nhau ra ngoài thư giãn, thì các sếp lại chọn lối đi khác để thành công?

Bích Loan,
Chia sẻ

Bạn đang phân vâng không biết giờ nghỉ trưa nên ăn nhanh và tranh thủ đánh một giấc hồi sức hay là năng nổ tham gia các hoạt động như xu hướng dân văn phòng hiện giờ? Tham khảo xem "người thành công" làm gì vào giờ nghỉ trưa.

Giờ nghỉ trưa của hội chị em văn phòng thường sẽ có những hoạt động đúng với nghĩa đen "nghỉ trưa", chẳng hạn như cho mình khoảng thời gian thả lỏng trí óc, đứng dậy vươn vai rời khỏi chỗ ngồi, cùng ăn trưa tám chuyện với đồng nghiệp, hay tắt bớt đèn để chợp mắt 1 tiếng hơn…

Thế nhưng với các sếp nữ – những người được coi là hình mẫu phụ nữ thành đạt thường làm gì vào khoảng thời gian nghỉ này? Họ có dùng 1 tiếng 30 phút để ngồi xuyên suốt với đống tài liệu cần duyệt, mắt dán màn hình và gõ lạch cạch khiến nhân viên cấp dưới nằm ngủ thôi cũng thấy áp lực?

Việc tận dụng giờ nghỉ trưa sao cho hiệu quả cũng là một bí quyết để tăng giá trị bản thân và nâng cấp năng lực. Để thành công như họ, tìm hiểu xem cách họ phân chia thời gian như thế nào nhé!

RỜI VĂN PHÒNG ĐỂ KHÔNG NHẬP NHẰNG
GIỜ NGHỈ VÀ GIỜ LÀM

Người thành công không đồng nghĩa với người lao động nhiều. Nhiều trưởng phòng, người quản lý ngày nay luôn rạch ròi thời gian công việc và thời gian nghỉ ngơi, chính vì vậy họ luôn chọn cách rời khỏi văn phòng vào giờ nghỉ trưa. Việc đến một nơi khác sẽ giúp các sếp tránh khỏi những nhờ vả "cần xử lý gấp" của đồng nghiệp, những buổi tư vấn, xin ý kiến ngoài giờ của cấp dưới… Ngoài chuyện không bị làm phiền, tách biệt công việc còn giúp tập trung hoàn toàn vào dự định giải lao cá nhân của riêng mình.

Ảnh minh hoạ: @lylychu

Về nguyên tắc sử dụng giờ nghỉ trưa, chị Kim Thanh – một trưởng nhóm nội dung còn khá trẻ nói rằng: "Giờ nghỉ trưa mình tuyệt đối không làm việc. Đây là khoảng thời gian riêng dành cho bản thân như đi ăn, đi cà phê một mình để thay đổi không khí, tự mình nạp thêm năng lượng và đôi lúc còn tận dụng để mở rộng thêm mối quan hệ xã hội. Mình cũng không có thói quen ngủ trưa hết khoảng thời gian này, vì nếu ngủ không tròn giấc có khi lại đau đầu không tiếp tục xử lý công việc giờ chiều được."

Nếu trạng thái tinh thần và sức khoẻ của bạn cần được nghỉ ngơi, đừng cố tranh thủ thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi để kiểm tra email hay "làm nốt một tí cho xong", tham công tiếc việc sẽ gây ra tác dụng ngược.

TĂNG MỐI QUAN HỆ CÔNG VIỆC
HOẶC TĂNG HẠNG NHAN SẮC

Phải thừa nhận rằng ai cũng từng nghĩ "Làm sếp sướng thật!" vì họ không phải có mặt chấm công mỗi ngày, còn mình việc cũ chưa xong việc mới lại giao tới. Thế nhưng chúng ta không thể nào biết để nhân viên làm việc ổn định, công ty vận hành trơn tru, họ đã phải hao công tổn sức như thế nào. Có khi những buổi trưa của họ đều mang tính chất công việc hơn là lấp đầy bao tử, có khi chuyện ăn uống lại phải khiên cưỡng và khách sáo ít nhiều.

"Thường mình sẽ ưu tiên tận dụng giờ nghỉ trưa để đi ăn cùng đối tác tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hoặc gặp gỡ một số kết nối để mở rộng mối quan hệ. Nếu không có lịch vào ngày hôm đó, mình sẽ ghé đến các spa, dịch vụ làm đẹp để tranh thủ chăm sóc ngoại hình. Mình tận dụng tối đa thời gian này vì sau giờ làm mình dành toàn thời gian cho gia đình, con cái… khó có thể xếp chen công việc hay các hoạt động riêng tư dành cho bản thân được" - Chị Nguyệt Quang – người sáng lập và điều hành Công ty cung cấp dịch vụ hành chính, nhân sự khi chỉ mới hơn 30 tuổi chia sẻ.

Chị Nguyệt Quang – người sáng lập và điều hành Công ty giải pháp hành chính và trợ lý nhân sự Em Ơi

Nhìn chung không chỉ các sếp mà nhiều chị em văn phòng đều hiểu được rằng thời gian nghỉ giữa ngày là lúc lý tưởng nhất để chăm sóc bản thân. Chính vì ngoài giờ làm, trách nhiệm đối với gia đình hay các việc không tên khác ngốn khá nhiều thời gian, năng lượng. Ngoài ra, tranh thủ đến các tiệm spa gội đầu, làm nail, mát-xa… sẽ giúp có một tinh thần hứng khởi để bắt đầu tiếp với lượng công việc cuối ngày.

GIỜ NGHỈ TRƯA CŨNG CẦN PHẢI CÓ TO-DO-LIST

Mỗi sếp sẽ có mỗi cách điều hành nhân sự khác nhau, và tất nhiên việc quản lý thời gian cũng không giống. Chị Ngọc Mai – Giám đốc Công ty dịch vụ kế toán GMS chia sẻ hẳn một To-do-list nghỉ trưa của mình cho mọi người tham khảo:

1. Ăn trưa

2.  Xem qua tài liệu (nếu buổi chiều có lịch họp)

3. Giải quyết các công việc nhỏ lẻ phát sinh trong ngày

4. Xem xét, phê duyệt hồ sơ, văn bản của cấp dưới gửi

5. Hệ thống lại các công việc đang làm và cần làm

6. Đọc báo cập nhật tin tức

Ngoài ra, nếu hôm nào việc ít chị sẽ đầu tư thời gian này để xây dựng văn hoá nội bộ, tổ chức ăn uống, trò chuyện cùng nhân viên. Đồng thời, chị cũng ưu tiên việc ra ngoài ăn trưa cùng khách hàng để mở rộng mạng lưới mối quan hệ. Dù vậy, chị luôn khuyến khích các bạn nhân viên của mình ngủ nghỉ đúng giờ ít nhất 30 phút để tái tạo sức lao động.

Chị Ngọc Mai - Giám đốc Công ty dịch vụ kế toán thuê ngoài GMS

Nếu có thể, chị em công sở chúng ta có thể học chị Ngọc Mai để làm một "To-do-list nghỉ trưa" của riêng mình. Liệt kê là bước đầu để hoàn thành các kế hoạch ấp ủ từ lâu. Hãy phân chia khung giờ để đến phòng gym/yoga, thực hiện chu trình chăm sóc da, tham gia các buổi workshop/ khoá học như cắm hoa, kĩ năng mềm,… 1 tiếng 30 phút nghe có vẻ ít ỏi nhưng nếu biết khéo léo sắp xếp, bạn có thể làm được một chuỗi hoạt động không thể ngờ.

Ảnh minh hoạ: @tipsyart

NGỦ GIẤC NGẮN ĐỂ ĐẢM BẢO
HIỆU SUẤT LAO ĐỘNG CHO BUỔI CHIỀU

Khi ở vị trí quản lý có thâm niên và lớn tuổi hơn, đa phần giờ nghỉ trưa của các sếp sẽ nghiêng về thư giãn về mặt tinh thần. Họ thường quan tâm và hiểu giấc ngủ rất quan trọng. Chị Anh Thư – Giám đốc của một công ty tư vấn đầu tư: "Vì đã U50 nên mình nghĩ giấc ngủ cần phải chú trọng. Nếu không cân đối ngủ nghỉ và làm việc rõ ràng, mình sẽ lao lực và hiệu quả lao động ngày càng kém đi".

Một ý kiến khác lại cho rằng: "Sử dụng giờ nghỉ trưa như thế nào còn phụ thuộc vào tính chất công việc, tính cách/quan điểm cá nhân, sở thích…" vậy nên các cách sử dụng thời gian nghỉ được khảo sát trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu cơ thể bạn cần ngủ, đừng nên gò bó mình để tham thêm một hoạt động nào khác.

Nhìn chung, chúng ta cần phải xác định rõ nhu cầu của bản thân là gì, và cơ thể của mình phù hợp với các hoạt động nào trong giờ nghỉ. Chẳng hạn, nếu bạn muốn biết thêm nhiều kĩ năng mới, bạn sẽ chọn học xen kẽ chuyện làm. Bạn quan tâm đến sức khoẻ và giá trị của mình, bạn sẽ chăm chút tinh thần và chọn hoạt động làm bản thân thư giãn… Giờ nghỉ trưa của dân văn phòng ngày xưa và bây giờ dẫu có khác biệt, chúng ta vẫn nên tìm điều mình phù hợp hơn là "cố đấm ăn xôi".

Chia sẻ