'Cúm lạc đà' là gì mà tuyển Pháp lo lắng trước trận chung kết

HỒNG VÂN,
Chia sẻ

Theo trang AS chuyên về thông tin thể thao, hiện đội tuyển Pháp đã có 5 cầu thủ bị nhiễm cúm lạc đà. Ngoài ra, nhiều cổ động viên, kể cả những người đã về nhà từ Qatar, cũng bị cúm dai dẳng và mất rất nhiều thời gian mới khỏi bệnh.

'Cúm lạc đà' là gì mà tuyển Pháp lo lắng trước trận chung kết - Ảnh 1.

Đội Pháp tập luyện trước trận chung kết ở sân vận động Al Sadd SC, Doha, Qatar ngày 17-12 - Ảnh: REUTERS

Cúm lạc đà là tên dân dã phổ biến của "Hội chứng hô hấp Trung Đông" (MERS) - một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) gây ra.

MERS là chữ viết tắt của cụm từ Middle East Respiratory Syndrome. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Saudi Arabia vào năm 2012, gây suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong ở nhiều người nhiễm bệnh. MERS có thể lây từ người sang người, đặc biệt tại vùng dịch, trong môi trường bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tháng 11-2022, thế giới đã ghi nhận 2.601 ca nhiễm ở người và 935 trường hợp tử vong với tỉ lệ tử vong là 36%.

Trong các trường hợp nhiễm bệnh, có tới 84% các trường hợp được ghi nhận ở Saudi Arabia. MERS-CoV đã lây lan ra 27 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi, châu Âu, châu Á và Mỹ.

Các triệu chứng nhiễm chủng vi rút corona MERS‐CoV gồm sốt, ho và khó thở. Ngoài ra cũng có thể có nhiều triệu trứng khác gồm đau và nhức mỏi cơ, tiêu chảy, nôn mửa.

MERS‐CoV có thể lây từ động vật sang người, trong đó lạc đà là loài mang bệnh trung gian.

Đã có các bằng chứng cho thấy MERS-CoV có nguồn gốc ban đầu từ dơi, lây nhiễm sang người thông qua lạc đà.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đa quốc gia gồm Đức, Anh, Nga và Saudi Arabia đã phát hiện MERS-CoV tồn tại ở gần 23% nhóm lạc đà nghiên cứu tại Saudi Arabia - điều này cho thấy tỉ lệ xuất hiện vi rút là cao và là nguy cơ nhiễm bệnh cao với những người chăm sóc lạc đà.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện MERS-CoV xuất hiện nhiều hơn ở nhóm lạc đà bản địa của Saudi Arabia so với nhóm lạc đà có nguồn gốc nhập khẩu từ châu Phi.

WHO khuyến cáo rằng nguy cơ lây nhiễm MERS-CoV từ lạc đà sang người ở Trung Đông và nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, chủ yếu trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế khác, chủ yếu ở Saudi Arabia, vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngoài ra, bệnh có nguy cơ lây lan rộng thông qua các hoạt động giao thương, du lịch.

Các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đã cảnh báo rằng người hâm mộ bóng đá trở về từ Qatar có nguy cơ mang cả cúm lạc đà về nhà.

Một lời khuyên được đăng trên trang web của Bộ Y tế Úc nói rằng người hâm mộ trở về từ Qatar nên tìm hiểu về MERS và làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách "tuân thủ các biện pháp vệ sinh tốt, tránh tiếp xúc gần với lạc đà và tránh ăn thịt chưa nấu chín hoặc uống sữa chưa tiệt trùng".

Chưa có bằng chứng rõ ràng của việc vi rút MERS-CoV có thể lây từ người nhiễm không có triệu chứng sang cho người lành.

Chia sẻ