Cục PCCC chính thức lên tiếng về quy chuẩn phòng cháy mới

MINH NGỌC,
Chia sẻ

Mới đây, đại diện hàng trăm chủ đầu tư quán karaoke của nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị gửi các cấp sau việc thực hiện quy định về PCCC, mong được tháo gỡ khó khăn.

Trước những thắc mắc của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về PCCC. Với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH vừa có hàng loạt câu trả lời.

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH, Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là các công trình sử dụng sơn chống cháy.

Để nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, Cục Cảnh sát PCCC đã gặp và trao đổi trực tiếp với một số Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp (Hàn Quốc, Nhật Bản…) có khó khăn, vướng mắc.

Qua trao đổi, Cục Cảnh sát PCCC nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khó khăn nêu trên là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.

Tại các buổi làm việc, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn chung:

Đối với các trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10/1/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình.

Đối với các dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 10/1/2021) phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đưa ra ví dụ, hồ sơ phải đáp ứng chi tiết như dùng sơn, vữa, tấm ốp chống cháy hay loại vật liệu gì, cách thực hiện như thế nào?

Chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế chịu lửa, định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, và các thành phần hồ sơ khác theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP đến cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Căn cứ kết quả kiểm định mẫu kết cấu đã được thử nghiệm, kiểm định (kiểm chứng), nhà thầu tổ chức thi công bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực của công trình theo hồ sơ thiết kế và thực hiện nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Đối với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Chủ quán karaoke của nhiều tỉnh thành kêu cứu tháo gỡ khó khăn: Cục PCCC chính thức lên tiếng về quy chuẩn phòng cháy mới - Ảnh 1.

Đại diện các chủ doanh nghiệp cam kết các quy định PCCC

Gần đây, chỉ trong 18 tháng, Bộ Xây dựng đã ban hành 03 Quy chuẩn về PCCC, gây khó khăn cho người dân khi áp dụng. Đề nghị Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin chi tiết về vấn đề này:

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC lí giải, ngày 6/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Sau một thời gian thực hiện, thấy có một số điểm chưa phù hợp thực tiễn, ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).

Ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).

Nội dung QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc.

Thứ nhất, giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính.

"Quy định cũ phải sử dụng màn ngăn cháy đạt EI 60; cửa kính, vách kính phải đảm bảo giới hạn chịu lửa EI nhưng tại quy chuẩn mới cho phép màn ngăn cháy đạt EI 60, 30,15; cửa kính, vách kính chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa EW dễ đạt hơn, phù hợp với các sản phẩm kính", đại diện Cục Cảnh sát PCCC phân tích.

Thứ hai, quy chuẩn mới giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất.

Cụ thể, theo quy chuẩn cũ, với công trình nhà công nghiệp hạng sản xuất C, nếu nhà 1 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 5.200m2; nếu nhà 2 tầng cho phép phân khoang cháy tối đa 3.500m2. Còn quy chuẩn mới, cho phép nhà 1 tầng có khoang cháy đến 25.000 m2, nhà 2 tầng có khoang cháy đến 10.400 m2 và chỉ yêu cầu bậc chịu lửa III, IV tương ứng giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực là 45 phút hoặc 15 phút, giúp dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu chịu lửa.

Thứ ba, quy chuẩn mới giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực. Trước đây, tất cả các công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư.

Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này;

Thứ tư, giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC. Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC thì được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động.

Thứ năm, bổ sung quy định để cho phép một số trường hợp chỉ cần thiết kế 1 lối ra (cầu thang) thoát nạn hoặc bố trí cầu thang thoát nạn để hở.

Thứ sáu, giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như các công trình quy mô nhỏ.

Chủ quán karaoke của nhiều tỉnh thành kêu cứu tháo gỡ khó khăn: Cục PCCC chính thức lên tiếng về quy chuẩn phòng cháy mới - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Dũng là chủ đầu tư của 4 cơ sở kinh doanh karaoke mong được tháo gỡ

Không được hoạt động vẫn phải chi hàng loạt khoản tiền

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke idol số 16 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Các trang thiết bị máy móc không được vận hành sẽ hỏng hóc, hao mòn đi, cùng với đó là tiền thuê nhà, tiền lãi suất vay kinh doanh từ nhiều nguồn tài chính, cứ đà này không bao lâu nữa chúng tôi sẽ rất khó khăn".

Ông Sỹ, cho rằng, hoạt động karaoke cũng là hoạt động kinh doanh như các ngành nghề khác, luôn muốn được tuân thủ pháp luật, hoạt động theo những quy định pháp luật cho phép. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.000 quán karaoke bị đóng cửa nên cần phải tìm cách tháo gỡ cho hoạt động kinh doanh này tránh lãng phí, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư và dẫn đến các hệ lụy không tốt cho xã hội.

Cũng chung hoàn cảnh, ông Trần Xuân Dũng là chủ đầu tư của 4 cơ sở kinh doanh karaoke với số vốn hơn chục tỉ đồng cho mỗi cơ sở (ông Dũng cũng đại diện cho các cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.HCM) cho biết, ngành nghề kinh doanh karaoke đã trải qua 2 năm khó khăn về dịch bệnh nên vô cùng khó khăn về tài chính. Đầu năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế, các cơ sở được mở lại, nên nhiều chủ quán đã đi vay mượn đầu tư để sửa sang lại cơ sở, vật chất.

Ông Dũng, cho biết, cơ quan chức năng đã công bố công khai số liệu, TP.HCM có khoảng hơn 400 cơ sở karaoke bị đóng cửa.

"Tôi là chủ đầu tư của 4 cơ sở karaoke, mỗi cơ sở khoảng 10 tỉ đồng, cộng thêm tiền thuê mặt bằng khoảng 500 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhân viên bảo vệ trông coi, tiền lãi suất ngân hàng, kể ra như thế mới thấy thiệt hại nhiều như thế nào.

Các loại tiền thì không được miễn giảm, để duy trì quán trong lúc đóng cửa, tôi buộc phải đi vay ngân hàng, giờ không vay được nữa, chuẩn bị tuyên bố phá sản", ông Dũng nói thêm, đặc thù kinh doanh karaoke còn phải đóng phí bản quyền tác phẩm, dù không hoạt động nhưng vẫn phải nộp phí theo quy định nếu như cơ sở chưa thông báo giải thể.

Chủ quán karaoke của nhiều tỉnh thành kêu cứu tháo gỡ khó khăn: Cục PCCC chính thức lên tiếng về quy chuẩn phòng cháy mới - Ảnh 3.

Nhều chủ đầu tư kiến nghị đến các ban ngành mong được tháo gỡ vướng mắc về PCCC

Lãi chồng lãi, nhiều người mất việc

Bà Bùi Thị Thu Hà, đại diện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Thanh Hóa, cho biết, trong tỉnh có khoảng 838 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, từ trước đến nay vẫn hoạt động bình thường có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng PCCC trên địa bàn.

Theo bà Hà, hiện nay nhiều cơ sở đã phải gồng gánh vay mượn tiền khắp nơi, thế chấp sổ đỏ ngân hàng để nâng cấp cơ sở vật chất, làm mới hệ thống PCCC, nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách hàng, nhằm bù đắp lại thiệt hại rất lớn do dịch gây ra nhưng vẫn chưa thể mở cửa trở lại.

"Tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động, đình chỉ hoạt động để tiến hành khắc phục theo đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc phải dừng hoạt động từ cuối năm 2022 đến nay, cộng với việc dừng hoạt động trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19 đã làm các doanh nghiệp karaoke gặp muôn vàn khó khăn", bà Hà chia sẻ.

Chủ đầu tư cho biết, mỗi phòng hát, các cơ sở đầu tư trung bình cho hệ thống PCCC, lối thoát hiểm, trang trí âm thanh hết khoảng 500 triệu - 1 tỉ đồng, ngoài ra còn có cơ sở đầu tư cả hệ thống tự động. Chưa kể đến tiền thuê mặt bằng, chi phí bảo trì hàng tháng, nhân viên... nên khi khi áp dụng theo thông tư QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình thì đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu, nhiều quán karaoke sẽ phải đập bỏ và phá sản. Mỗi cơ sở bị phá sản sẽ kéo theo hàng chục lao động thất nghiệp.

Song các đại diện doanh nghiệp bày tỏ kiến nghị: Đối với vật liệu trang trí trong phòng hát thì thông tư 47/2015 trong chương II về quy định các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường karaoke, tại điểm c khoản 1 điều 4 có nêu tường, vách và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người được thiết kế bằng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

Năm 2020 có thông tư 147 quy định các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường karaoke tại điểm m khoản 2 Điều 6 có nêu các gian phòng có diện tích từ 50m2 trở lên và các gian phòng trong tầng hầm, nửa hầm phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

"Như vậy đối với doanh nghiệp chúng tôi có thể hiểu do thông tư 47 chỉ nói là gian phòng tập trung đông người thì nay tại thông tư 147 đã quy định cụ thể hơn là gian phòng từ 50m2 trở lên. Hơn nữa khi nghiệm thu chúng tôi đã hoàn thành việc trang trí trong phòng cũng như hàng năm đều có cán bộ phòng cháy tới kiểm tra đều không có ý kiến về vật liệu trang trí vậy tại sao sau khi xảy ra vụ cháy ở Bình Dương thì lại bắt chúng tôi đóng cửa vì vật liệu trang trí ở trong phòng", đại diện chủ đầu tư nêu.

Chia sẻ