Cửa sổ tâm hồn nhìn từ... mắt bác sĩ

,
Chia sẻ

Chúng ta từng nghe nói đến những đôi mắt "biết nói", đôi mắt "biết cười", thậm chí có cả đôi mắt... "mang hình viên đạn" nữa. Nhưng...

... đối với BS, những người "nhìn đâu cũng thấy vi trùng", đôi mắt mang một sắc thái thực tế hơn, chỉ đơn giản là "cơ quan thị giác".

Ông bà ta thường nói "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay". Thế nhưng, những điều quý giá lại thường mỏng manh và dễ vỡ. Đôi mắt vốn rất yếu ớt, nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi nhiều yếu tố khác nhau của môi trường như các yếu tố vật lý (ánh nắng, ánh sáng gắt, các tia tử ngoại...), yếu tố hóa học (các hóa chất, hơi cay...), yếu tố cơ học (các dị vật, các chấn thương trực tiếp hay gián tiếp...), yếu tố về bệnh lý (bệnh lý tại mắt hay bệnh lý toàn thân như bệnh tiểu đường, cường giáp, cao huyết áp...), và cả yếu tố tâm lý và tinh thần (buồn rầu, lo âu, căng thẳng, mất ngủ...). Chế độ dinh dưỡng không tốt cũng có thể gây nguy hại cho mắt như ăn uống có nhiều chất cồn (bia, rượu...), chế độ ăn thiếu vitamine A hoặc thiếu dầu mỡ gây khô mắt, loét giác mạc... thiếu máu dinh dưỡng cũng làm mắt nhợt nhạt.

Nhìn dưới mắt BS, một đôi mắt, cho dù là mắt lá răm, mắt bồ câu, mắt nai, mắt ngọc, mắt nhung huyền gì gì đi nữa, chỉ được đánh giá là đẹp và khỏe khi mắt "trong" và "sáng". Điều này có nghĩa là mắt phải có thị lực tốt, giác mạc trong suốt, không đỏ, mí mắt không thâm quầng, không sưng, mắt không bị đau nhức, chảy nước mắt sống hay tiết nhiều chất tiết (ghèn, nhử mắt), mắt không bị lệch trục, không lồi ra khỏi hốc mắt...

Cũng như các cơ quan khác của cơ thể, đôi mắt bị lão hóa theo thời gian và chức năng thị giác bị giảm dần. Nguyên nhân của quá trình lão hóa này là do sự tích tụ các gốc tự do theo thời gian sinh sống. Các gốc tự do được sinh ra trong quá trình chuyển hóa, và thường bị phân hủy bởi một hệ thống bảo vệ bao gồm các yếu tố chống gốc tự do của cơ thể. Khi hệ thống bảo vệ này bị quá tải (có thể do sự sản sinh quá nhiều gốc tự do, hoặc cơ thể thiếu các yếu tố chống gốc tự do), các gốc tự do sẽ tấn công vào tế bào, làm hư hỏng tế bào. Đây chính là cơ chế thúc đẩy sự lão hóa của cơ thể. Đối với mắt, các gốc tự do có thể gây tổn thương trực tiếp qua việc làm biến đổi tính chất các proteine của thủy tinh thể và gây nên đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc, thoái hóa hoàng điểm...

Các gốc tự do là sản phẩm trong quá trình hoạt động sống của chính các tế bào trong cơ thể và chúng được sản sinh với số lượng lớn nếu hoạt động của tế bào càng nhiều, hoặc có rối loạn hoạt động thông thường của tế bào như trong các trường hợp viêm nhiễm, chấn thương, stress; có thể tiếp xúc với các yếu tố vật lý hoặc yếu tố hóa học độc hại. Ngoài ra, việc ăn quá thừa calo cũng giúp làm tăng chuyển hóa cơ bản và tăng sự sản sinh các gốc tự do.

Cho đến nay, có năm đơn chất đã được khẳng định và chứng minh đầy đủ là góp phần bảo vệ được cơ thể khỏi sự xâm hại của các gốc tự do là beta-caroten, vitamine C, vitamine E, kẽm và selen. Ngoài ra, người ta còn lưu ý đến vai trò chống oxy hóa của một số chất khác như các vitamine nhóm B, các chất vi khoáng, đồng, mangan, các chất màu và axít hữu cơ có trong thảo mộc, rau quả, tanin của trà, flavonoid, một số phenolis thực vật.

Như vậy, việc giữ gìn đôi mắt trước hết cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối, phù hợp với nhu cầu; sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều rau quả tươi, chế biến đơn giản nhằm cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thường xuyên cho mắt và chú trọng đến các yếu tố dinh dưỡng chống lại các gốc tự do.

Một cuộc sống cân bằng, sinh hoạt điều độ, giảm stress, giảm tiếp xúc với các tác nhân gây hại của môi trường như ô nhiễm, rượu, thuốc lá... là các điều kiện tiếp theo để đôi mắt chúng ta được bảo vệ tốt trước những bệnh lý liên quan đến quá trình lão hóa như đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc, thoái hóa hoàng điểm... 

ThS. BS. Đào Thị Yến Phi
(Chủ nhiệm bộ môn
Dinh dưỡng - Đại học Y khoa
Phạm Ngọc Thạch TP.HCM)
Theo Phụ nữ
Chia sẻ