Của hồi môn "teo tóp" vì giá vàng ngất ngưởng

,
Chia sẻ

Bà Hồng hứa tặng con gái bộ nữ trang một cây vàng làm của hồi môn về nhà chồng, song giờ đến ngày cưới mà giá vàng lại tăng cao...

Bà Hồng đành xin lỗi con bởi khoản tiền lương dành dụm cả năm chỉ đủ mua một nửa số trang sức đó.
 
Có mặt tại tiệm vàng Kim Sơn, quận Phú Nhuận, TP HCM, bà Hồng đắn đo cả tiếng đồng hồ để tìm mua một chiếc kiềng và cặp nhẫn cho đứa con gái đầu lòng, nhưng loay hoay mãi vẫn không chọn được chiếc nào. "Có những chiếc thiết kế đẹp nhưng giá lại cao quá, còn mấy chiếc rẻ hơn một chút thì lại nhỏ mà thiết kế không sang trọng lắm", bà Hồng lưỡng lự trong khi giá vàng niêm yết tại cửa hàng đã ngoài 30,7 triệu một lượng.
 
Nhiều cặp uyên ương chuẩn bị xây tổ ấm đang đứng trước nỗi lo khôn nguôi khi giá vàng tăng cao. Ảnh có tính minh họa: Hoàng Hà.

Đối mặt với hàng tá nỗi lo chuyện cưới hỏi, các cặp uyên ương "con nhà nghèo" dắt nhau đi sắm trang sức trong "cơn bão" giá vàng càng lâm vào cảnh khó khăn hơn. Anh Trung, công nhân một xí nghiệp giày da tại quận Bình Thạnh cho biết, từ khi lên kế hoạch làm đám cưới vào cuối năm nay, hai anh chị phải thắt lưng buộc bụng ki cóp tiền để tổ chức tiệc và lo các thủ tục kết hôn. Tuy nhiên chỉ còn gần 2 tháng nữa mà vẫn chưa mua được nhẫn cưới khiến cặp uyên ương lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

"Nhiều đêm mình trằn trọc không ngủ được vì lo khoản tiền kếch xù cho đám cưới, nào là đặt tiệc nhà hàng, thiệp mời, sắm sửa giường chiếu, lại thêm khoản nữ trang nữa. Hai đứa mình làm công nhân lương ba cọc ba đồng dành dụm mãi cũng chỉ được vài triệu định mua cặp nhẫn, ai ngờ đến khi cầm tiền đi mua mới biết giá vàng đã lên thêm cả triệu đồng. Mình đang không biết lấy khoản nào bù vào nữa", chú rể 25 tuổi ngao ngán.

Chị Hoa, vợ sắp cưới của anh Trung cho biết thêm, chị đang tính đến hướng dùng trang sức mạ vàng hoặc thuê nữ trang đeo trong ngày cưới rồi trả lại sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể. "Nhưng chỉ sợ dùng vàng giả thì ảnh hưởng đến ý nghĩa thiêng liêng của lễ cưới, rồi sau này vợ chồng không hạnh phúc lại đổi tại thế này, thế nọ. Nghĩ cũng tủi thân, hồi mới yêu nhau cứ tưởng chỉ cần một túp lều tranh hai trái tim vàng là đủ, ai ngờ lại còn phải... nhẫn vàng nữa chứ", chị thở dài.

Trước biến động thất thường của giá vàng, nhiều người trước đây dự tính dùng nữ trang vàng để tặng cho cô dâu chú rể thì nay cũng chuyển sang mừng bằng tiền mặt hoặc một số hiện vật khác. Như trường hợp của bà Vũ Thị Hoa năm ngoái dự định mua cho đứa cháu dâu một sợi dây chuyền 2 chỉ nhưng với giá vàng ngất ngưởng hiện giờ, bà chuyển sang cho cháu tiền mặt.

Một số chủ tiệm kim hoàn ở TP HCM cho hay, sau một thời gian đóng băng do giá cả tăng đột biến, tình hình mua bán nữ trang mấy ngày này đang bắt đầu khởi sắc trở lại là nhờ gặp mùa cưới. Ông Trương Minh Hoàng, chủ một tiệm vàng tại quận Bình Thạnh cho biết, do tâm lý của khách hàng chuộng những bộ trang sức có giá "mềm" vừa túi tiền nên ông tăng cường gia công những chiếc kiềng, nhẫn có trọng lượng nhẹ hoặc dùng nguyên liệu vàng non nhằm giảm giá thành.

Trước cơn bão giá vàng, nhiều cặp uyên ương lựa chọn trang sức trọng lượng nhỏ hoặc tuổi vàng kém hơn để giảm chi phí. Ảnh minh họa: Lệ Chi.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, sở dĩ giá vàng luôn có xu hướng tăng cao trên thế giới một phần là do vị trí độc tôn của vàng trong các nền văn hóa, tâm lý của người dân cũng như giới đầu tư.

Giới phân tích chỉ ra rằng vàng không phải kim loại quý hiếm nhất nhưng vẫn lên ngôi cao trong các cuộc khủng hoảng vì nó thỏa được tâm lý cất giữ của người dân. Trong suốt hàng nghìn năm qua, vàng được dùng làm đơn vị tiền tệ toàn cầu và có vai trò to lớn trong mọi ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa. Theo quan niệm của người phương Đông, vàng còn tượng trưng cho sự giàu có, bền vững vĩnh cửu, giống như cuộc hôn nhân hạnh phúc trăm năm, lại có thể cất để phòng thân.

Vì giá vàng ngày nay quá cao, nhiều đôi uyên ương Việt Nam đã chuyển sang dùng bạch kim để thay thế cho vàng trong ngày cưới, vì họ cho rằng kim loại này có tuổi thọ bền hơn mà thiết kế cũng sang trọng. "Mặc dù bạch kim mua rồi bán lại sẽ bị mất giá hơn vàng cũng tiếc, nhưng thực ra đeo nhẫn cưới bằng bạch kim thì thanh nhã và an toàn hơn, không lo bị cướp giật nên mình quyết định tặng bà xã các món trang sức này", anh Hùng mới lập gia đình nói.

Xét thực tế thì bạch kim còn quý hơn vàng, bởi cho đến nay chưa có mỏ bạch kim lớn nào từng được phát hiện trên thế giới. Trong khi đó sản lượng hàng năm của bạch kim chỉ chiếm 7,5% so với vàng. Tuy vậy, "thân phận" của kim loại này lại hẩm hiu hơn, giá cả của nó lên xuống giống một số kim loại rẻ tiền như đồng, kẽm và phụ thuộc vào những biến động cung, cầu của thị trường.

Bạch kim còn gọi Platinum, là kim loại quý có giá trị cao gấp 1,7-2 lần so với vàng 4 số 9. Bạch kim có màu trắng, có độ bóng sáng cao. Kim loại này có tỷ trọng cao hơn, do đó nữ trang làm bằng bạch kim nặng hơn rất nhiều so với nữ trang vàng có cùng kiểu dáng và kích cỡ.

Tuy nhiên khi chọn mua, cần phân biệt giữa bạch kim và vàng trắng - hợp kim của vàng và các kim loại quý khác, trong đó vàng là thành phần chính. Vàng trắng có màu trắng ngà nên khi chế tác thành trang sức sẽ được phủ lên bề mặt một lớp kim loại Rhodium quý hơn vàng, có màu trắng sáng rực rỡ. Loại trang sức loại này dùng một thời gian thường bị ngả vàng. Vì thế để nữ trang luôn đẹp, tốt nhất khoảng hai tháng nên mang tới cửa hàng để xi lại lớp Rhodium đã mòn.
 
 
 
The Vnexpress
Chia sẻ