Cử tri TP.HCM: Lương giáo viên thấp, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng/tháng
Cử tri tại TP.HCM cho rằng, mức lương của giáo viên công tác trong 5 năm đầu khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, không đủ giữ chân họ lại trường.
Ngày 17/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tiếp xúc cử tri ngành y tế, giáo dục trên địa bàn TP.HCM trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Ý kiến tại hội nghị, ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức) chia sẻ, thời gian qua đã có những sửa đổi, bổ sung trợ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp…
Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ.
Theo ông Lực, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/tháng/người. Ông Lực đánh giá mức lương này không cao, bởi lao động phổ thông rất nhiều người đã có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Trong khi chi phí tất yếu cho cuộc sống rất cao, không đủ trang trải cuộc sống. Điều này khiến một số giáo viên nghỉ việc, chuyển sang làm việc khác. Mặt khác, thị trường kinh tế bây giờ đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho sinh viên và đội ngũ giáo viên.
Vị hiệu trưởng cũng cho biết, việc tăng lương cơ sở vừa qua không theo kịp giá hàng hóa, khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống ở đô thị lớn như TP.HCM. Vì vậy, dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề, nhà trường cũng khó tuyển giáo viên mới do mức lương thấp.
Từ đó, ông Lực đề nghị Quốc hội quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng, được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ…
Tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương (tối thiểu - trung bình - tối đa) nhằm khắc phục triệt để tính cào bằng trong chi trả lương hiện nay; có chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhân viên bảo vệ, thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư…
Cũng theo ông Lực, hiện vẫn còn tình trạng trả lương mang tính "cào bằng", "làm nhiều, làm ít cũng hưởng lương như nhau", tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
" Nhìn chung, chính sách tiền lương dù trải qua nhiều lần "cải cách" nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy năng lực và cống hiến. Mặt khác, tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực", ông Lực nhấn mạnh thêm.
Qua đó, ông đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học...
Tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3 (quận 5) cho biết, khi giáo viên, nhân viên ốm đau nằm viện hoặc nghỉ thai sản, nhà trường không có người thay thế do việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn. Thực tế, có trường không tuyển đủ giáo viên mầm non, trong khi tỷ lệ giáo viên mới ra trường bỏ nghề cao.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Văn Bền (huyện Nhà Bè) Trần Thị Lợi cũng cho biết, nhà trường gặp khó khăn trong việc tuyển nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và nhân viên công nghệ thông tin do đồng lương, phụ cấp thấp và khó tìm ứng viên đáp ứng tiêu chí tuyển dụng.
Đồng tình với các ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho rằng, thực trạng như đối với đơn vị tư thực thì lực lượng nhân viên rất đông, trong khi đó đơn vị công lập từ mầm non tới THPT đang kiêm nhiệm nhiều vị trí.
Ngoài ra, với các vị trí thiếu như giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ thì với cơ chế lương hiện nay khó thu hút được đối tượng này. Dù TP.HCM có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt nhưng chưa đủ sức thu hút số lượng đáp ứng nhu cầu. Nhiều giáo viên bỏ việc, bỏ nghề vì chưa đủ đảm bảo cuộc sống.
Theo ông Dũng, để tạo bước đột phá cần có thêm cơ chế để các đơn vị sử dụng tài sản công, cơ chế tiền lương, quản lý và sử dụng biên chế hợp đồng lao động tại đơn vị.
Tiếp nhận ý kiến của các cử tri, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, chính sách tiền lương hiện nay đối với ngành giáo dục và y tế còn bất cập; cùng với đó là chưa có cơ chế, chính sách để tạo đột phá phát triển các lĩnh vực này như mong muốn.
Các quy định hiện nay, Luật Giáo dục sửa đổi đều quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với ngành giáo dục và y tế cao, trong khi lực lượng sẵn có không đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian tới, những kiến nghị thực tế này sẽ tiếp tục trình lên Quốc hội khoá XV.