Cụ ông sống trong ngôi nhà hơn 2.600 tỷ nhưng lại là hộ nghèo ở địa phương
Gia đình rất khó khăn, là hộ nghèo của địa phương, nhưng cụ ông này lại sống trong một ngôi nhà trị giá bạc tỷ.
Một cụ ông đến từ Hồ Bắc (Trung Quốc) sống trong ngôi nhà gỗ dột nát, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng ngôi nhà này lại trị giá 800 triệu NDT (hơn 2,6 nghìn tỷ đồng).
Cụ ông này sống ở châu tự trị dân tộc Miêu, nơi tương đối hẻo lánh, chủ yếu làm nông nên điều kiện ở nhà rất khó khăn.
Cụ ông thậm chí còn không có tiền lo cho đám cưới của con trai, và cả gia đình phải sống trong ngôi nhà cũ kỹ gần như dột nát. Để duy trì cuộc sống của gia đình, con cái đã tự lập ra ngoại tỉnh làm việc kiếm tiền, nên ông thường ở nhà một mình. Già đi và không thể làm việc, vì vậy ông đã xin trợ cấp hộ nghèo từ chính quyền địa phương.
Nhưng chút tiền trợ cấp này cũng phải chắt chiu hết mức mới đủ sống qua ngày. Mãi đến năm 2015, khi ngôi nhà sắp bị phá dỡ cho dự án quy hoạch, lúc đó ông mới biết nhà mình có lai lịch “khủng”.
Cụ ông nói rằng ngôi nhà đã được xây dựng từ thời nhà Minh, theo đó nó có thể được coi là kiến trúc cổ. Ông cũng nghĩ rằng ngôi nhà có lịch sử lâu đời như vậy, nếu nhờ chuyên gia đến xác nhận thì có thể nhận thêm chút khoản bồi thường di dời.
Chuyên gia khảo cổ đương nhiên không bỏ qua cơ hội này. Tuy nhiên, điều bất ngờ không nằm ở lịch sử lâu đời của ngôi nhà, mà là ở điểm khác. Cụ ông nghe xong cảm thấy khó hiểu, không biết ngôi nhà của mình có gì đặc biệt?
Các chuyên gia nhận định quả thật ngôi nhà đã tồn tại từ rất lâu, nhưng quan trọng là nó được xây dựng bằng gỗ trinh nam thớ vàng rất quý, là loài cây đặc hữu đang bị đe dọa.
Gỗ trinh nam thớ vàng đắt đỏ vì số lượng hiếm và rất khó tạo hình. Vào thời xưa, trinh nam thớ vàng được sử dụng bởi các quý tộc hoàng gia, điều này cũng có thể phản ánh sự quý giá của loài cây thân gỗ này. Người giàu thích xây nhà và dùng vật dụng trang trí bằng gỗ trinh nam thớ vàng không chỉ để thể hiện địa vị của họ, mà còn vì loài gỗ này rất đẹp mắt, tỏa sáng dưới ánh mặt trời.
Ngôi nhà cổ của cụ ông được làm bằng trinh nam thớ vàng, các chuyên gia ước tính nó ít nhất là 800 triệu NDT.
Cụ ông nói ngôi nhà này là do tổ tiên truyền lại, ông cha của ông có thể rất giàu có. Nhưng sau khi các chuyên gia phổ biến kiến thức về sự quý giá của loại gỗ trinh nam, cụ ông suy đi nghĩ lại và cuối cùng quyết định giao quyền quản lý ngôi nhà cho nhà nước. Ông nghĩ rằng như vậy, ngôi nhà có thể được bảo vệ tốt hơn, hơn nữa cũng không an toàn cho người già khi sở hữu ngôi nhà đắt tiền như vậy.
Cuối cùng, chính quyền địa phương đã đưa ngôi nhà gỗ trinh nam thớ vàng thành một địa điểm đẩy mạnh du lịch. Đồng thời, chính quyền cũng lên chính sách hỗ trợ cho gia đình cụ ông để giúp họ thoát khỏi cảnh khó khăn, đảm bảo xứng đáng với phần giá trị mà ông đã bỏ ra.
Rất nhiều thương nhân giàu có lũ lượt kéo đến, hy vọng cụ ông bán lại căn nhà, thậm chí còn ra giá 1 tỷ NDT (hơn 3,2 nghìn tỷ đồng). Đối với một gia đình bình thường thì số tiền này đủ để sống dư dả cả đời. Nhưng ông đều từ chối với lý do rất đơn giản, vì đây là nơi ông sống từ nhỏ đến giờ, nhà cũ hay nhà đắt tiền đều không quan trọng.
Hiện tại, sau khi được chính quyền cho người tân trang lại, ngôi nhà gỗ trinh nam thớ vàng đã được liệt vào danh sách cổ vật thuộc Bảo tàng Văn hóa Lâm nghiệp Hồ Bắc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan mỗi năm.
Cụ ông được bố trí một nơi ở mới, được chính quyền trợ cấp cố định hàng tháng, cuộc sống đã được cải thiện rất nhiều so với trước. Thỉnh thoảng, ông trở về ngôi nhà cũ thân quen và ở lại mấy hôm cho đỡ nhớ nơi mình từng gắn bó.