Cứ lên Threads là thấy drama nghỉ việc: Quản lý nhắn "hello" để sa thải trong đêm, Gen Z vào cuộc tưng bừng nhưng ai mới bị oan?

HẢI MY/ THIẾT KẾT: TRƯỜNG DƯƠNG,
Chia sẻ

Không ít Gen Z thừa nhận mình bị công ty cho nghỉ sốc sau khi xin nghỉ việc thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nếu như trên các MXH khác, phải vào các nhóm hội chuyên biệt mới tìm được những drama công sở thì ngay trên Threads, cứ lướt 10 post thì có đến 8,5 post là về chuyện đi làm. Nhưng không phải hội đi làm lâu năm đã chán việc, hay hội đang tính lương hưu mà là những Gen Z mới bước chân vào thị trường lao động với những tâm sự đầy bỡ ngỡ xen lẫn trái ngang.

Trên Threads bây giờ, một phe là tìm việc, 1 phe là vừa nghỉ việc. Không ít trong số đó thừa nhận mình bị công ty cho nghỉ sốc sau khi xin nghỉ việc thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều.

Xin làm hết tuần mới nghỉ nhưng bị công ty "hello" rồi “tạm biệt” ngay trong đêm

Mới đây, cộng đồng mạng trên Threads dành nhiều sự quan tâm cho một bài đăng tâm sự về việc bị cho nghỉ việc ngay trong đêm. Theo đó, anh chàng này cho hay đã xin nghỉ việc từ đầu tuần nhưng thoả thuận làm việc nốt đến hết Chủ Nhật vì trong đó có ngày nghỉ lễ, mức lương được tính gấp 3 lần. Được biết, quản lý cũng đã đồng ý với thoả thuận này.

Tuy nhiên ngay trước ngày nghỉ lễ, quản lý đã nhắn tin trong đêm với nội dung: “Hello, Em nghỉ luôn từ hôm nay nhé”. Điều này khiến anh chàng tỏ ra bức xúc vì cách làm việc thiếu chuyên nghiệp khi sa thải mà không một lời giải thích. Chưa kể, thời gian nhắn tin nằm ngoài giờ hành chính, quá muộn và gấp để trao đổi công việc.

Cứ lên Threads là thấy drama nghỉ việc: Quản lý nhắn "hello" để sa thải trong đêm, Gen Z vào cuộc tưng bừng nhưng ai mới bị oan? - Ảnh 1.

Tin nhắn lúc nửa đêm của quản lý khiến nam thanh niên xin nghỉ việc bức xúc

Đáng chú ý, đây không phải trường hợp hi hữu mà cũng có rất nhiều bạn trẻ từng trải qua cảnh nghỉ việc “cơm không lành, canh không ngọt” với công ty như vậy. Phía dưới phần bình luận, đa phần các Gen Z chia sẻ lại trải nghiệm của mình. Hầu hết, đều cùng giống nhau ở tình huống đã xin nghỉ nhưng bị công ty sa thải đột ngột, kết thúc trước thời gian đã thoả thuận.

Chẳng hạn như trường hợp của A.T (tên nhân vật đã được thay đổi), sau khi thử việc tại một công ty và thấy không phù hợp đã chủ động xin nghỉ việc. Dẫu vậy, A.T vẫn cho biết sẽ đợi công ty tìm được người mới để bàn giao lại công việc rồi mới nghỉ. Tuy nhiên, A.T nhắn tin từ Chủ Nhật, sếp không rep, nhưng đến ngày Thứ 2, vẫn đi làm bình thường thì sếp mới phản hồi có thể đi về luôn vì không cần bàn giao công việc gì.

Cứ lên Threads là thấy drama nghỉ việc: Quản lý nhắn "hello" để sa thải trong đêm, Gen Z vào cuộc tưng bừng nhưng ai mới bị oan? - Ảnh 2.

Một trường hợp khác được netizen chia sẻ trên Threads

Tương tự như vậy, một số người cũng cho rằng dù xin nghỉ trước 1 tháng nhưng chỉ vài ngày sau đó, sếp cũng thông báo có thể nghỉ luôn. Và khi nhận lương thì không được đủ 100% vì lý do: “Không làm đủ tháng”. Có người còn bị sốc vì mới xin nghỉ lúc sáng, chiều sếp cho "bay màu" ra khỏi các group chat công việc, còn chưa kịp cả thu dọn đồ đạc trên công ty.

Những Gen Z đưa câu chuyện về drama nghỉ việc và cách bị công ty cũ cho nghỉ việc lên Threads thường có 1 điểm chung: Cảm thấy không được tôn trọng. Họ chia sẻ câu chuyện như một cách phơi bày cú sốc khi đi làm và mong muốn tìm 1 công việc khác nhanh chóng.

Netizen tranh luận căng thẳng, người xin nghỉ việc liệu có đúng hoàn toàn?

Sau khi những câu chuyện bị cho nghỉ đột ngột này xuất hiện, netizen đã vào cuộc phân tích đúng sai. Đa số mọi người đều mong góp một vài quan điểm cá nhân, mong người trong cuộc lẫn người tham gia thảo luận có cái nhìn tổng quát hơn về sự việc ở góc độ người đi làm lẫn người quản lý.

Theo đó, nhiều người đứng về phía nhân viên, chê trách công ty cho nghỉ việc đột ngột là thiếu trách nhiệm, không chuyên nghiệp. Thậm chí, còn rất chán nản vì ngày càng có nhiều công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách vô lý để không phải trả lương cho nhân sự.

- “Có rất nhiều người làm quản lý hay sếp nhưng lại có cách ứng xử không phù hợp lắm. Chỉ riêng việc nhắn tin cho nghỉ vào thời điểm 12h đêm là đủ thấy họ thiếu chuyên nghiệp thế nào”.

- “Mình không rõ mọi người thoả thuận hợp đồng như thế nào nhưng dù gì cũng nên thông báo rõ ràng qua email thay vì 1 tin nhắn không đầu không cuối như vậy”.

- “Trường hợp này cũng có nhiều, họ gần như chỉ là chờ mình xin nghỉ để sa thải luôn thôi. Đấy là chưa kể sau khi nghỉ còn nhập nhằng tính lương nữa”.

Trái lại với những quan điểm này, không ít người bênh vực công ty vì cho rằng cách xin nghỉ của chủ nhân bài post nói riêng và một số người trẻ hiện nay đều “có vấn đề”. Ngoài ra, những người có kinh nghiệm đi làm lâu năm cũng đưa ra lời khuyên nên đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng cũng như luật lao động để tránh các tình huống tranh cãi không hay xảy ra.

- “Thực tế chuyện này khá bình thường. Bản thân bạn cũng không còn nhu cầu làm việc nữa thì công ty cho nghỉ luôn”.

- “Vì bạn không nói rõ bối cảnh xin nghỉ nhưng mình cũng thấy có một chút vấn đề. Thường người lao động sẽ phải xin nghỉ việc trước 30 - 45 ngày. Ở đây mình thấy, bạn cũng muốn nghỉ luôn và vì tuần này có ngày lễ nên bạn cố làm nốt 1 tuần. Như vậy cũng không phải là cách ứng xử chuyên nghiệp trong môi trường làm việc đâu bạn”.

- “Nếu công ty đã tìm được người thay thế hoặc họ cảm thấy nếu thiếu vị trí của bạn cũng không ảnh hưởng, họ có thể chấm dứt hợp tác luôn. Bởi dẫu sao, bạn cũng đã xin nghỉ trước”.

- “Lạ thật, công ty làm đúng luật 30 - 45 ngày mới cho nghỉ thì các bạn cũng không thích, muốn nghỉ luôn vì không còn hào hứng làm việc. Đến giờ họ đáp ứng cho nghỉ luôn cũng lại chê họ vô lý, thiếu trách nhiệm. Có vẻ các bạn tiêu chuẩn kép quá rồi”.

Trên thực tế, những câu chuyện như trên không hề hiếm gặp. Vấn đề đến từ việc thoả thuận hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động không rõ ràng. Theo Bộ luật Lao động 2019 đều có những quy định, điều khoản rõ ràng về việc người lao động xin nghỉ việc cũng như các trường hợp người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Căn cứ khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Song, nhìn chung, câu chuyện vẫn nằm ở cách ứng xử của 2 bên. Nếu nhân viên cũng chuyên nghiệp, đàng hoàng trong cách xin nghỉ và bàn giao công việc, công ty cũng sẽ ứng xử tương tự. Ngược lại, những công ty có chế độ tốt, quản lý làm việc rõ ràng đúng sai, nhân sự cũng cảm thấy thoải mái và tôn trọng dù không tiếp tục hợp tác làm việc.

Chia sẻ