Cứ lao vào tập thể dục nhưng chưa chắc bạn đã biết rằng đây mới là cách tập giúp bạn trẻ lâu
Bạn hoàn toàn có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng các bài tập đơn giản, dễ tập, không tốn tiền.
Khoa học chứng minh rằng, những hoạt động như chạy, đạp xe, bơi lội có tác dụng lớn nhất trong việc làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể so với nâng tạ.
Những nhà nghiên cứu Đức đã tiến hành điều tra dạng tập luyện nào giúp giảm lão hóa tế bào hiệu quả nhất. Họ thực hiện so sánh giữa các bài tập rèn sức bền (như chạy hay đạp xe), bài tập rèn sức mạnh (như nâng tạ) và bài tập cường độ cao cách quãng (HIIT).
Mục đích là tập trung vào telomere – các cấu trúc tổ hợp ở cuối nhiễm sắc thể có tác dụng bảo vệ ADN của chúng ta. Theo thời gian, những đầu mút nhiễm sắc thể này bị hao mòn dần, dẫn tới tình trạng lão hóa tế bào. Những protein như telomerase đóng vai trò kiểm soát mức độ đầu mút nhiễm sắc thể ngắn đi nhanh tới mức nào.
Có 266 người tình nguyện khỏe mạnh, độ tuổi 30-60 tham gia nghiên cứu. Người tham gia không hút thuốc, tập luyện thể dục thể thao ít hơn 1 tiếng/tuần trong vòng 12 tháng qua và do đó, được định nghĩa là những người kém vận động.
Họ được phân công ngẫu nhiên một dạng bài tập và được yêu cầu hoàn thành 3 lần/tuần, kéo dài trong 6 tháng. Những yếu tố liên quan tới lối sống khác, ví dụ, chế độ ăn uống, được giữ nguyên.
Bài tập sức bền gồm 45 phút đi bộ hoặc chạy. Nhóm thực hiện bài tập sức bền hoàn tất một lượt 8 bài tập trên máy, như duỗi lưng, gập bụng, lưng xô (pulldowns), chèo thuyền trong tư thế ngồi, gập và duỗi chân khi ngồi, ép ngực khi ngồi và ép chân khi nằm.
Trong khi đó, nhóm tập luyện các bài tập cường độ cao cách quãng được đề nghị thực hiện dạng bài tập HIIT theo phương pháp 4x4: Mỗi người tập cường độ cao tới mức tối đa 4 lần cho các lượt tập, mỗi lượt dài 4 phút, xen kẽ bởi các quãng tập cường độ thấp, mỗi quãng dài 3 phút.
Trong số tất cả tình nguyện viên, có 124 người tham gia nghiên cứu hoàn thành nhiệm vụ. Các nhà khoa học sau đó tiến hành so sánh chiều dài đầu mút nhiễm sắc thể của họ trước và sau khoảng thời gian 6 tháng.
Kết quả: Các bài tập HIIT và sức bền kéo dài đầu mút nhiễm sắc thể và tăng cường hoạt động của telomerase – enzyme có vai trò giúp phân tử ADN sao chép toàn bộ nhiễm sắc thể mà không bị mất đi đoạn cuối cùng. Các bài tập sức mạnh không mang lại kết quả tương tự.
Các nhà nghiên cứu đã khá bất ngờ khi phát hiện thấy có "sự khác biệt rõ rệt giữa bài tập sức bền và bài tập sức mạnh, xét trên khía cạnh điều hòa đầu mút nhiễm sắc thể".
Ioakim Spyridopoulos, giáo sư chuyên ngành tim mạch và lão hóa tim mạch tại Đại học Newcastle (Anh) chia sẻ trên tờ Newsweek: "Kết quả đáng ngạc nhiên nhất là các bài tập aerobic (hoạt động với cường độ trung bình trong thời gian dài), chứ không phải bài tập rèn sức mạnh, giúp thúc đẩy hoạt động của telomarae".
Ông giải thích rằng, việc này không chỉ dẫn tới kết quả đầu mút nhiễm sắc thể dài ra - vốn được coi như chiếc khóa cuộc đời mà những dạng bài tập này còn có tác dụng giảm viêm trong cơ thể.
"Thực tế các bài tập rèn sức mạnh dẫn tới tình trạng tăng tối đa hàm lượng oxy hấp thụ tương đương các bài tập sức mạnh. Nhưng kết quả trên gợi ý rằng, có thể áp dụng một cơ chế khác (có lợi hơn), theo đó, tập luyện nâng cao sức bền có thể làm trì hoãn quá trình lão hóa", Giáo sư cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh thêm, nghiên cứu này tạo nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai về việc sử dụng sản phẩm bổ sung và dưỡng chất có tác dụng kích hoạt telomerase.
Ulrich Laufs, giáo sư khoa tim mạch tại Đại học Leipzig, Đức, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định: "Liên quan tới những gợi ý về tập luyện nhằm mục đích ngăn ngừa quá trình lão hóa tế bào, dữ liệu của chúng tôi cho thấy, bài tập sức mạnh kết hợp với bài tập sức bền sẽ tốt hơn là thay thế hoàn toàn cho bài tập sức bền".