Cứ hai người ăn gỏi cá thì một người bị nhiễm sán

,
Chia sẻ

Thậm chí, nhiều người chưa ăn gỏi cá bao giờ cũng nhiễm sán. Nguyên nhân nhiễm sán là do người bệnh ăn cá nấu chưa kỹ!

Hiện có 24 tỉnh, thành phố có bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành. Đây là những vùng có nhiều người thích ăn gỏi cá.

Tại Nam Định, 7/10 loài cá nuôi nước ngọt nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ. Tại Hà Nội, phân tích trên một vùng nuôi cá lớn cho kết quả 4/5 loài cá nước ngọt, chủ yếu tại hồ, bị nhiễm ấu trùng sán lá gan gây bệnh cho người.

Đó là kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - môi trường khi đánh giá tình trạng ô nhiễm ký sinh trùng trên thủy sản tại các chợ và trong hồ nuôi cá nước ngọt.

Cua nướng cháy vỏ vẫn đầy... sán

Theo TS Nguyễn Văn Đề - chủ nhiệm khoa ký sinh trùng ĐH Y Hà Nội, người tham gia thực hiện nhóm đề tài này - thực phẩm nói chung và nguồn thủy sản nói riêng đang bị ô nhiễm ở mức báo động.

Trung bình cứ hai người ăn gỏi cá sẽ có một người nhiễm sán

Nguyên nhân là việc nuôi cá nước ngọt phần lớn vẫn sử dụng nước thải và nguồn nước này hầu như không được xử lý. Ngoài việc nhiễm hóa chất trong nước thải như thuốc bảo vệ thực vật, độc chất từ nhà máy thải ra..., thủy sản nước ngọt còn nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có các loài giun sán truyền bệnh cho người.

Bác sĩ Đoàn Hạnh Nguyên - trưởng khoa khám bệnh Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương - khẳng định bệnh sán lá gan nhỏ, sán lá phổi chủ yếu xuất hiện ở người có tiền sử ăn thủy sản chưa chín như gỏi cá, gỏi cua. Nhiều người nghĩ đơn giản rửa qua nước sạch là các loài ký sinh trùng gây bệnh sẽ bị trôi đi, hoặc ăn gỏi cùng thật nhiều gia vị sẽ giết được sán.

Thực tế lại cho kết quả kinh hoàng: trong gỏi cá đã chế biến (trộn với đủ loại gia vị: giấm, mẻ, riềng, lá mơ) và đưa vào sử dụng, ấu trùng sán lá gan còn sống đến 95%, cua nướng đến vàng vỏ ấu trùng sán lá phổi vẫn còn sống 65%, và với cua nướng cháy vỏ ấu trùng này vẫn còn sống 23,3%!

Ngay tại chợ Hà Nội, phân tích ngẫu nhiên 600 mẫu cá nước ngọt được bày bán gồm 10 loài thì có đến bảy loài nhiễm ấu trùng gây bệnh cho người. Tỉ lệ thủy sản nhiễm sán tại các chợ rõ ràng cao hơn nghiên cứu ở hồ ao nuôi cá địa phương.

“Không có biện pháp nào nhận biết ngay bằng mắt thường hay xét nghiệm nhanh tại chợ xem con cá nào, loài cá nào bị nhiễm sán. Cách duy nhất là tránh xa món gỏi cá mang nhiều nguy cơ”, TS Đề khẳng định. Song thực tế sở thích ăn gỏi cá đang rất phổ biến.

Ngay một xã của Hà Nội, thói quen ăn gỏi cá đã thành tập quán, đến hơn 80% dân số thường xuyên ăn với tỉ lệ nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ lên đến 40% dân cư! Nghĩa là trung bình cứ hai người ăn gỏi cá sẽ có một người nhiễm sán, có người một lần xét nghiệm cho ra hàng ngàn con sán!

Coi chừng ung thư đường mật

Bác sĩ Nguyên cho hay bệnh sán lá gan nhỏ diễn tiến âm thầm, ở giai đoạn sớm hầu hết đều không có triệu chứng lâm sàng, một số bệnh nhân rối loạn tiêu hóa nhẹ. Ở giai đoạn muộn bệnh biểu hiện bằng trạng thái đầy bụng, cảm giác như bị đau dạ dày, ăn mỡ thì mức độ đau tăng, khi lao động nặng người bệnh có cảm giác đau tức hạ sườn phải và vùng gan.

Sán lá gan nhỏ ký sinh trong đường mật, làm đường mật dày lên, xơ hóa, thoái hóa mỡ gan, cổ trướng với kích thước gan to gấp 2-3 lần bình thường. Bệnh gây sỏi mật, thậm chí nó chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư đường mật.

Theo điều tra của Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương, hiện cả nước đã có 24 tỉnh thành có bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành, cao nhất ở Nam Định, Phú Yên (37%), Hà Nội (tỉ lệ nhiễm Hà Tây cũ là 40,1%)... Đây là những vùng mà gỏi cá được người dân quan niệm như món ăn “vừa mát vừa bổ”.

Tại miền Bắc, gỏi cá được chế biến dưới dạng những lát thịt cá thái nhỏ trộn với thật nhiều gia vị. Còn ở miền Trung, miền Nam, đặc biệt là các tỉnh Phú Yên, Bình Định, người dân lại chuộng món gỏi sinh cầm (ăn cá còn bơi trong chậu).

Cả hai cách ăn gỏi này, theo TS Đề, đều “bắc cầu” đưa sán vào cơ thể. Điều bất ngờ là tại các địa phương có lưu hành sán lá gan nhỏ này, nhiều người chưa ăn gỏi cá bao giờ cũng nhiễm sán. Điều tra mới hay nguyên nhân nhiễm sán là do người bệnh ăn cá nấu chưa kỹ! TS Đề cảnh báo những món lẩu cá, cá rán, cá hấp chưa kỹ tại các nhà hàng đều có nguy cơ tồn lưu sán gây bệnh trong thức ăn.

Theo Ngọc Hà
Tuổi trẻ
Chia sẻ