Cứ giữa tháng là hết tiền chi tiêu, phải làm sao?

,
Chia sẻ

Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu/tháng. Nhưng không hiểu sao, cứ đến giữa tháng là Hoài đã hết sạch tiền.

Chưa hết tháng, đã hết tiền

Không biết bao nhiều lần, chồng Hoài vặn vẹo: “Hôm nay mới là giữa tháng mà tiền anh đưa đã hết rồi, em chi tiêu kiểu gì vậy?”. Thu nhập của hai vợ chồng gần 20 triệu một tháng, cũng không đến nỗi. Nhưng từ ngày có thêm bé Tí, Hoài không hiểu tại sao cứ đến giữa tháng là trong tay chẳng còn một xu.

Trước khi sinh con, Hoài cũng xác định khi con ra đời là sẽ phát sinh nhiều khoản, phải tiết kiệm hơn, nhưng chi phí đội lên vù vù. Tiền điện, tiền nước, gas, bỉm, sửa... cái gì cũng tiền cả. Thỉnh thoảng lại phát sinh thêm vài khoản hiếu hỉ nữa, đối nội, đối ngoại.

Khi nghe chồng nói không hiểu vợ chi tiêu những gì, Hoài không khỏi giật mình. Có con, cô vẫn giữ nguyên cách chi tiêu như trước khi sinh con, thích gì mua nấy, không lên kế hoạch hàng tháng. Đến khi những khoản cần chi như tiền điện, nước, điện thoại tới thì cầm mớ hóa đơn, H mới đau đầu. Cô lại cuống cuồng. Không biết bao nhiêu lần cô vay tạm chị gái, mẹ đẻ để nộp và chờ tháng lương tới.

Hãy làm bà mẹ đảm đang!

Rất nhiều chị em từ ngày có con vẫn tiêu như khi hai vợ chồng còn son nên cầm tiền cứ như bị mất cắp. Hãy nghe các mẹ đảm đang chia sẻ kế hoạch chi tiêu tiền một cách hoàn hảo nhé!
 
Lập bảng chi tiêu có kế hoạch là lựa chọn của nhiều chị em hiện nay

Mẹ Mimi có làm một file Excel để tính toán để dự trù tiền tiêu trong một tháng: “File của mình có 3 phần gồm các khoản thu, các khoản chi, phần cuối là Tổng hợp. Các khoản thu có thể là lương, khoản này khoản nọ. Các khoản chi gồm có ngày tháng, các lý do, số tiền.

Mỗi khi nhập số liệu thì bên dưới phần tổng hợp sẽ tự tổng hợp mình đã chi tiêu cái gì, hết bao nhiêu. Từ đó có thể giúp mình thấy chi phí 1 cách cụ thể. Mỗi tháng mình copy sang 1 worksheet mới, như vậy sẽ không lẫn lộn các tháng. Cuối mỗi ngày ngồi tổng hợp các khoản chi chắc chỉ 2 phút là xong. Các mẹ có thể bổ sung thêm bớt các mục để biết được một tháng mình đã chi tiêu như thế nào”.

Còn mẹ Hin lại có cách chi tiêu khác: “Mình chia số tiền thu nhập thành 3 phần gồm chi tiêu cho gia đình, con cái và cá nhân. Trong việc chi tiêu sẽ có khoản cố định và phát sinh.

Chi phí cố định sẽ là tiền điện, nước, điện thoại, tiền học, tiền bỉm, tiền sữa và khi con lớn sẽ có thêm tiền học. Hãy ước lượng và cất đi các khoản tiền này để khi hóa đơn đến hạn sẵn sàng mang ra nộp.

Tiếp đó là tiền ăn uống, sinh hoạt gia đình: Tùy theo thu nhập mà bạn đưa hạn mức, thống nhất tiền ăn hàng ngày không vượt quá 150 nghìn/ngày, còn trung bình là 100 nghìn đồng cho hai bữa trưa và tối.

Với những khoản phát sinh, cũng nên ước lượng một khoản để cất riêng phòng trường hợp cần đến như vài trăm nghìn hiếu hỉ, vài trăm nghìn tiền mua sắm quần áo cho con phòng khi trời trở lạnh hoặc khi chẳng may em bé bị ốm thì bạn cũng có sẵn một số tiền để chi phí thuốc men”.

Nhiều mẹ cũng có ý kiến rằng vấn đề chi tiêu cá nhân cho các chị em hay bị lạm vào tiền thu chi hàng tháng nhất. Cứ chăm chú vào mấy khoản quần áo, mỹ phẩm, shopping, spa, chẳng mấy chốc, tiền sẽ không cánh mà bay.

“Chỉ nên mua những thứ thật cần thiết thôi nhé. Hãy làm bà mẹ thông minh cho gia đình bằng cách “kiên quyết” hơn với những kế hoạch chi tiêu đã đề ra”. Mẹ Mimi chia sẻ.

 Thu Hằng
(Tổng hợp)
Chia sẻ