Cụ bà 80 tuổi nuôi nấng đàn khỉ hoang nơi cửa biển
Cứ đều đặn như thế suốt 8 năm qua, bất kể mưa nắng, bà Út Chất lặng lẽ bơi thúng ra Hòn Trà, mang thức ăn nuôi nấng một đàn khỉ hoang và xem chúng như con trong nhà. Trong những ngày đầu, làng xóm ai cũng bảo bà bị khùng, làm mấy chuyện tào lao. Nhưng bây giờ chẳng ai nói vậy nữa, ngược lại họ còn hỗ trợ bà nuôi đàn khỉ.
Hòn Trà rộng chừng 1,5ha, nằm ở hạ nguồn con sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần. Đây cũng chính là nơi đàn khỉ hoang tá túc suốt 8 năm qua và được cụ bà Út Chất (Nguyễn Thị Chất, 80 tuổi, trú thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cưu mang, nuôi nấng.
Kể về cơ duyên gặp và nuôi đàn khỉ hoang, bà Út Chất bộc bạch, hồi đó tui đi mò ốc cạnh Hòn Trà thì thấy mấy con khỉ lảng vảng gần đó. Tui biết chúng đói nên hôm sau mang theo một ít trái cây ra cho chúng ăn, dần dần chúng quen mặt và thân thiết cho đến bây giờ.
Suốt 8 năm qua, bất kể mưa nắng, bà Út Chất đã nuôi nấng đàn khỉ hoang ở Hòn Trà. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Hình như ông trời sắp đặt rồi chứ hồi đó nhiều người cũng ra cửa biển Sa Cần để cào hàu, bắt ốc mà sao chỉ mình tui nhìn thấy lũ khỉ, để rồi tui gắn bao nỗi vui buồn của đời mình vào lũ nhỏ ấy”, bà Út Chất thổ lộ.
Cũng không ai rõ về nguồn gốc của đàn khỉ hoang trên Hòn Trà, có người bảo trong một trận lụt nào đó, lỡ sẩy chân, lũ khỉ bám vào bè cây rồi trôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về. Hòn Trà lúc ấy như chiếc phao cứu sinh cuối cùng của chúng.
Cũng không ai rõ về nguồn gốc của đàn khỉ hoang trên Hòn Trà. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Một số người còn cho rằng, chúng từ cánh rừng ở xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) tìm đường lên. Nhưng tất cả đều biết, Hòn Trà là nơi trú ngụ hiếm hoi nhất còn sót lại giữa vùng tập trung của những dự án lớn ở Khu kinh tế Dung Quất.
Những ngày đầu, đàn khỉ thấy bà Út Chất liền bỏ chạy. Dần dần, có lẽ vì thấy bà hay qua đây để lại đồ ăn mà không có ý đồ xấu, chúng dạn dĩ và trở nên thân thiết hơn. “Không ít lần, đàn khỉ còn vạch tóc tôi ra bắt chấy cho tôi. Có lúc đàn khỉ cũng phá, mò xuống thuyền của dân lục lọi, không thấy thức ăn thì hất hết đồ đạc xuống biển. Mấy người thấy vậy nên đi mắng vốn, bảo là: “Tụi cháu bà đi phá kìa”. Sau đó tui qua đảo la cho tụi nó một trận, giờ không phá nữa”, bà Út Chất cười.
Tất cả các cá thể khỉ trên Hòn Trà là loài khỉ vàng (tên khoa học: Macaca Mulatta) thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIB) cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Bà Út Chất cho hay, khi mới nuôi đàn khỉ, xóm làng ai cũng bảo tôi bị khùng, làm mấy chuyện tào lao. Bây giờ, chẳng ai nói tôi khùng, làm chuyện tào lao nữa, ngược lại họ còn hỗ trợ tôi để nuôi đàn khỉ . “Các bà, các cô tiểu thương trong chợ hay gom, để dành trái cây bị hỏng một phần và còn ăn được để bán rẻ hoặc cho tôi mang về cho đàn khỉ ăn”, bà Út Chất nói.
Hằng ngày cứ tầm 3-4h chiều bà Út Chất lại chèo thúng, mang thức ăn bơi sang Hòn Trà cho lũ khỉ. Thuyền cập bờ đá, bà Út Chất lỉnh kỉnh xách túi trái cây lên và cất tiếng gọi: “Bà tới rồi, mấy đứa xuống ăn đi, nay có đồ ăn ngon lắm”. Nghe giọng bà, những ngọn cây trên Hòn Trà đột nhiên lay động, xào xạc, chao nghiêng… lũ khỉ tíu tít dắt nhau xuống ăn .
“Cái tôi lo nhất là sau này mình chết đi, thì ai sẽ nuôi tụi nó. Mấy hôm nay lại có thêm hai con khỉ con nữa, cỡ bằng cái cán dao thôi. Tôi coi chúng như con. Giá mà trên Hòn Trà có cây trái, thức ăn thì tôi đỡ phải lo…”, bà Út Chất trầm ngâm.
Hiện đàn khỉ này cư trú tách biệt trên Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5ha. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Cứ đều đặn như vậy đã suốt 8 năm qua, bà Út Chất đã làm cái việc “khùng khùng” như thế, chỉ với một hy vọng là giữ đàn khỉ hơn 10 con trên Hòn Trà khỏi chết đói và được nghe âm thanh chí chóe quen thuộc của chúng mỗi khi nhận thức ăn từ tay mình là bà cảm thấy vui rồi.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tất cả các cá thể khỉ trên Hòn Trà là loài khỉ vàng (tên khoa học: Macaca Mulatta) thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIB) cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hiện đàn khỉ này cư trú tách biệt trên Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5ha và nằm giữa cửa sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần, cách khu dân cư gần nhất khoảng 200m nên môi trường sống, hoạt động kiếm ăn theo bản năng sinh tồn.
Khỉ đuôi vàng có giá trị trong điều chế vắc xin bệnh bại liệt ở trẻ em. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Được biết, loài khỉ vàng (Macaca Mulatta) có giá trị trong việc sản xuất vắc xin phòng bại liệt trẻ em và được dùng làm vật mẫu để thử nghiệm một số loại vắc xin trong y học, nên cần có giải pháp quản lý đàn khỉ này.
Tuy vậy, trong thời gian tới việc bảo tồn đàn khỉ gặp không ít khó khăn và có nguy cơ mất môi trường sống, nhất là Hội Người cao tuổi của thôn khai thác rừng trồng trên đảo theo chu kỳ và có cả nguy cơ săn bắn trái pháp luật...
Cụ bà 80 tuổi nuôi nấng đàn ‘khỉ hoang’ ở nơi cửa biển Sa Cần. Video: Nguyễn Ngọc