Cụ bà 76 tuổi bán vàng, rút hết tiền tiết kiệm mua đất "ma" của Công ty Alibaba
Được học trò cũ rủ đầu tư vào Công ty Alibaba, thấy giá rẻ, bà V. - giáo viên về hưu mang vàng đi bán, rút tiền tiết kiệm, mua lô đất 230 triệu đồng.
Ngày 15/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), với phần xét hỏi các bị hại, là những khách hàng đã đóng tiền mua đất của Công ty Alibaba.
HĐXX tiếp tục đối chiếu số tiền các bị hại đã nộp vào 26/58 dự án "ma" của Nguyễn Thái Luyện và yêu cầu bồi thường của họ.
Bà Lâm Thị Tuyết V. (76 tuổi, giáo viên về hưu ngụ quận 1, TP.HCM) cho hay, trong một lần gặp lại học trò cũ, bà được học trò rủ rê đầu tư vào dự án của Công ty Alibaba. Thấy giá rẻ, hợp túi tiền, bà về mang hết vàng bạc đi bán, rút số tiền tiết kiệm, mua lô đất trị giá 230 triệu đồng.
" Học trò của tôi cũng là giáo viên, mua dự án của Alibaba. Nó nói với tôi đầu tư vào đây sẽ nhận được tiền lời khá hơn. Tôi nghe lãi suất cao cũng ham nên bán thêm 3 cây vàng thời điểm giá vàng chỉ 30 - 40 triệu đồng/cây, cộng với tiền mặt là số lương hưu dành dụm 21 năm, tôi đổ hết vào mua đất", bà V. nói
Theo bà V., trước giờ bà không biết Nguyễn Thái Luyện cũng như Công ty Alibaba, chỉ đến khi bỏ tiền ra mua đất mới biết tên Luyện vì "thấy ký tên trong hợp đồng".
Bà cho biết lúc đến trụ sở Công ty Alibaba ở đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, thấy công ty hoành tráng, xe hơi nhiều, quảng cáo rầm rộ nên bà tin tưởng mua dù không được nhân viên công ty đưa đi xem dự án trực tiếp.
Bà V. mong Nhà nước cho bà lấy lại số tiền đã đầu tư, vì bà đã già, có được ít để dưỡng già thì dốc hết vào mua đất của Công ty Alibaba.
Cũng như bà V., nhiều bị hại mong muốn được nhanh chóng nhận lại số tiền đã đầu tư. Ngược lại, nhiều bị hại vẫn muốn nhận đất.
Trình bày trước HĐXX, bà Nguyễn Linh K. (ngụ TP.HCM) cho biết thời điểm ký hợp đồng mua bán, bà biết đất của dự án Alibaba Long Thành Capital là đất nông nghiệp nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán.
“ Đất của tôi mua tại dự án nằm ngay mặt tiền quốc lộ 51 và nó nằm trong quy hoạch đất ở của huyện Long Thành. Đất của tôi mua là quy hoạch đất ở, tôi vẫn muốn nhận đất, dù là đất nông nghiệp thì tôi vẫn muốn nhận đất ”, bà K. nói.
Đối với yêu cầu của bị hại này, đại diện Viện KSND TP.HCM giải thích: " Đây là những điều Công ty Alibaba quảng cáo còn cơ quan chức năng xác định không có dự án đó. Đất đó không được chính quyền quy hoạch như thế, bà có ý kiến gì không? Bây giờ đối tượng trong hợp đồng của bà không có thật, bà có từ chối quyền của mình không?".
Trả lời công tố viên, bà K. vẫn khăng khăng muốn nhận lại đất.
“ Nếu bị hại xác định chỉ nhận đất ở mà HĐXX xác định không có đối tượng đất ở như bị hại đã ký để giao cho bị hại thì bị hại có thể khởi kiện dân sự ở một vụ án khác để đòi bằng được đất như mong muốn của mình”, vị đại diện VKS nhấn mạnh.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 "dự án ma". Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.