CSGT, công an xã, phường sẽ cấp giấy đi đường ở Hà Nội
Chiều nay 4/9, CATP Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT các vùng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, Công an TP Hà Nội cho biết các đơn vị đang triển khai phần mềm duyệt cấp giấy đi đường, đồng thời hướng dẫn quận, huyện quy trình thực hiện. Sau khi địa phương chuẩn bị xong cơ sở vật chất thì bắt đầu quá trình tiếp nhận hồ sơ.
Về nhóm đối tượng, lĩnh vực được phép hoạt động và phân công, phân cấp duyệt, cấp giấy đi đường, CATP Hà Nội căn cứ vào nhóm đối tượng thuộc diện thật sự cần thiết để cấp giấy đi đường đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Phòng CSGT duyệt, cấp giấy đi đường đối với công - nhân viên chức làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội cấp thành phố, cấp Trung ương; cá nhân làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoại giao đóng trên địa bàn thành phố; cá nhân thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công thiết yếu; phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.
Công an xã, phường, thị trấn duyệt, cấp giấy đi đường đối với công nhân, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội cấp quận, huyện và thị xã và cấp xã, phường, thị trấn; Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và công dân thuộc một số trường hợp thiết yếu.
Làm thế nào để được cấp giấy đi đường tại Hà Nội trong giai đoạn phân 3 vùng chống dịch?
Về quy trình cấp giấy đi đường, thẻ đi chợ được Công an Hà Nội dự kiến gồm các bước sau:
Cá nhân
1. Người dân đăng ký với công an khu vực tại xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
2. Công an khu vực tiếp nhận, thẩm định lại thông tin và gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.
3. Cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại Giấy đi đường được duyệt cho Công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận.
4. Công an khu vực sẽ gửi lại Giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho cá nhân theo địa bàn quản lý.
Tổ chức, doanh nghiệp
1. Tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thông tin qua công an khu vực.
2. Cán bộ xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin được thẩm định từ công an khu vực và nhập đăng ký của tổ chức, doanh nghiệp.
3. Hệ thống gửi email xác nhận trả về tổ chức, doanh nghiệp.
4. Tổ chức, doanh nghiệp gửi email danh sách cán bộ công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định.
5. Cán bộ xã, phường, thị trấn duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách (trường hợp không được duyệt hệ thống sẽ gửi email thông báo lại cho tổ chức, doanh nghiệp).
6. Cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại Giấy đi đường được duyệt cho Công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận.
7. Công an khu vực sẽ gửi lại Giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho tổ chức, doanh nghiệp cấp, phát cho cán bộ, công nhân viên.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ công
1. Các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng...).
2. Cơ quan chủ quản căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sơ về Công an Thành phố.
3. Công an Thành phố chuyển Giấy đi đường về cơ quan chủ quản.
4. Cơ quan chủ quản chuyển Giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.
Thẻ đi chợ
1. Công an khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn xã, phường, thị trấn quản lý.
2. Công an khu vực gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.
3. Cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại Thẻ đi chợ, siêu thị được duyệt cho Công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận.
4. Công an khu vực sẽ gửi lại Thẻ đi chợ, siêu thị đã được duyệt, đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.
6 nhóm được đề xuất cấp giấy đi đường, gồm:
Nhóm 1: Cá nhân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao.
Nhóm 2: Các nhân thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ thiết yếu.
Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
Nhóm 4: Cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao.
Nhóm 5: Công dân thuộc một số trường hợp thiết yếu.
Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cần thiết khác để phục vụ các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.