COVID-19 tạo ra một "kỷ băng hà việc làm" và gia tăng tỷ lệ nghèo đói
Xếp hàng dài nhận cứu trợ thực phẩm dù là lúc gần nửa đêm, đó là hình ảnh đã trở nên quen thuộc từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Nhật Bản.
Báo cáo của tổ chức từ thiện Oxfam mang lại cái nhìn tổng quan, cho thấy khoảng cách giàu-nghèo hầu như ở nước nào cũng có. COVID-19 có nguy cơ đang tạo ra một "kỷ băng hà việc làm" và gia tăng tình trạng nghèo đói, kể cả ở những quốc gia vốn thịnh vượng như đất nước Mặt trời mọc.
Hình ảnh đã trở nên quen thuộc tại các con phố ở Tokyo, Nhật Bản kể từ khi dịch bùng phát. Từng hàng dài người xếp hàng nhận cứu trợ thực phẩm dù là lúc gần nửa đêm. Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% và nổi tiếng về mạng lưới an sinh xã hội, Nhật Bản cũng không thể chống chọi lại thảm họa kinh tế của đại dịch.
Một người nhận cứu trợ cho biết: "Những nơi phát thực phẩm cứu trợ ngày ngày càng phổ biến, có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi tại quận Ikebukuro, Ueno, Shinjuku và Shibuya".
Khoảng 40% người lao động đang làm những công việc thời vụ, dễ bị tổn thương với mức lương thấp và hợp đồng có thể dễ dàng bị chấm dứt. Giàu có là hình ảnh của Nhật Bản, nhưng đại dịch đã hé lộ mặt trái ít được nói tới, cứ 6 người thì có 1 người sống trong tình trạng "nghèo tương đối" với mức thu nhập thấp hơn một nửa mức trung bình của cả nước.
Ông Ren Ohnishi - Người đứng đầu Trung tâm hỗ trợ cuộc sống độc lập Moyai cho biết: "Nhiều người Nhật đang làm việc bán thời gian và có mức lương thấp. Trong hệ thống xã hội của Nhật Bản, bạn sẽ được giúp đỡ nếu là lao động chính thức toàn thời gian hoặc nếu có gia đình hỗ trợ. Nhưng một khi bạn trượt khỏi mạng lưới an toàn, chẳng hạn như làm công nhân bán thời gian hoặc không có quan hệ tốt với gia đình, bạn có thể dễ dàng rơi vào cảnh nghèo đói. Điều này làm cho sự nghèo đói ở Nhật Bản trở nên vô hình và điều này là duy nhất ở Nhật Bản".
Hậu quả của COVID-19 cũng không chỉ là đói nghèo. Tỷ lệ tự tử tại Nhật Bản trong năm 2020 vừa qua đã tăng trở lại, sau 1 thập kỷ chứng kiến đà giảm. Số lượng phụ nữ tự tử có xu hướng gia tăng do những áp lực kinh tế và tinh thần từ đại dịch COVID-19.