Covid-19 đã khởi động một loạt "văn phòng ma" dành cho ngày tận thế: Siêu bảo mật, bất chấp mọi kiểu đại thảm họa
Thế giới có 3 kiểu đại thảm họa: thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh. Để tránh trường hợp chẳng may bị rơi vào bất kỳ đại thảm họa nào, một số công ty, tập đoàn đã chuẩn bị trước cho mình một căn phòng làm việc dự trữ.
Hẳn là bạn vẫn nhớ sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ? Khi ấy, nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda đã cướp 4 máy bay dân sự, đâm thẳng vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới. Thảm họa ấy đã làm chết 2996 người, cùng 6000 trường hợp bị thương. Sau thảm họa, có thể nói toàn bộ thành phố New York đã tê liệt. Các công ty, doanh nghiệp buộc phải tạm đóng cửa. Ước tính tổng thiệt hại kinh tế lên đến 3000 tỷ USD.
Và cũng chính sau sự kiện này, ngành xây dựng bỗng xuất hiện một kiểu thiết kế mới. Đó là các văn phòng dùng để chống lại đại thảm họa.
Sự kiện 11/9 mở màn cho xu hướng xây dựng văn phòng dự trữ.
Bảo mật và siêu "sạch" trong mùa dịch
Văn phòng chống đại thảm họa là một kiểu văn phòng dự trữ. Nó chỉ được sử dụng trong tình cảnh một thảm họa xảy ra mà thôi.
Thế giới hiện đang trong đại dịch Covid-19. Số lượng người thiệt mạng và mắc Covid-19 gia tăng từng ngày, nhiều nơi thi hành chính sách phong tỏa. Từ trường học cho đến các công ty, tập đoàn lần lượt phải tạm đóng cửa. Nhiều nhân viên được cho phép làm việc từ xa tại nhà.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có sẵn văn phòng dự trữ thì lại không phải lo gì cả.
Văn phòng dự trữ luôn đầy đủ cơ sở vật chất, sẵn sàng đón tiếp nhân viên
Theo Sungard Av Available Services (Mỹ), tập đoàn xây dựng văn phòng dự phòng toàn cầu, họ đã xây dựng tổng cộng 60 văn phòng dự trữ trên 9 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ và Ấn Độ - 3 đất nước đang chao đảo vì Covid-19.
Vì lý do bảo mật, Sungard từ chối tiết lộ vị trí cũng như khách hàng của các văn phòng dự phòng. Tuy nhiên tại Anh, họ cho biết có một tòa nhà văn phòng dự trữ cho thuê nằm trên đường Southwark Bridge, London. Nó được chia thành nhiều phòng, có tổng cộng khoảng 1700 bàn làm việc.
Tòa nhà văn phòng thường được xây ở những nơi bí mật và bằng vật liệu siêu bền
Trong bối cảnh mùa dịch, mỗi văn phòng dự phòng đều được trang bị đầy đủ dung dịch khử trùng. Nhân viên vệ sinh túc trực suốt 24/7, chia ca kiểm tra và dọn dẹp liên tục, đảm bảo không để dính một hạt bụi nào. Các khách hàng sử dụng văn phòng dự phòng cũng phải tuân thủ quy định vệ sinh nghiêm ngặt.
Siêu kiên cố, tiện nghi, đảm bảo bất chấp mọi kiểu đại thảm họa
Điều kiện đầu tiên của văn phòng dự trữ là phải cực kiên cố, đảm bảo bất chấp thiên tai hay bom đạn. Một số tận dụng luôn hầm, boongke quân sự trong chiến tranh. Theo chuyên gia tư vấn thiết kế phòng làm việc đối phó đại thảm họa David Teed (Mỹ), đa phần các văn phòng đều được xây dựng ở những nơi bí mật, cách xa khu dân cư đông đúc.
Bề ngoài của loại văn phòng này không có gì đặc biệt. Chúng có thể được xây dưới đất hoặc trên mặt đất, nhưng không có biển báo hay chỉ dẫn. Như công ty công nghệ Corus360 (Mỹ) có một văn phòng được xây dựng ở Norcross, Georgia. Nó đủ rộng để đặt 150 bàn làm việc, được thiết kế bán ngầm trong lòng đất.
Tường của tòa nhà này là lớp bê tông cực dày, còn mái lợp bằng vật liệu siêu bền chắc, không bị tốc ngay cả trước sức gió trên 160km/h. Bên dưới nền nhà lắp hệ thống máy phát điện dự phòng với nhiên liệu đủ cho 48h liên tục. Corus360 còn chuẩn bị luôn phòng vệ sinh có vòi sen, phục vụ nhân viên ở lại khi cần.
Bên cạnh việc xây dựng văn phòng dự phòng tương tự như Corus360, các công ty cũng có thể thuê hoặc cùng nhau thuê. Theo Sungard Av Available Services, họ có 2 dạng văn phòng dự trữ cho thuê: "văn phòng nóng" và "văn phòng lạnh".
"Văn phòng nóng" là kiểu phòng làm việc có sẵn toàn bộ các trang thiết bị cần thiết. Nhân viên chỉ việc ngồi vào bàn là bắt tay ngay vào công việc. "Văn phòng lạnh" thì hoàn toàn trống trơn, khách thuê tự mang máy móc, dụng cụ đến xếp đặt và sử dụng.
Những "văn phòng ma" ngày thường, chủ yếu đốt chi phí duy trì
Trước mùa dịch Covid-19, tòa nhà văn phòng dự trữ cho thuê trên đường Southwark Bridge, London, Anh luôn vắng ngắt. Mặc dù nó có đến 3 cổng vào, nhưng 2 cổng luôn khóa. Bên trong các văn phòng chỉ có những dãy bàn làm việc nằm im lìm. Thỉnh thoảng, nơi này mới loáng thoáng bóng nhân viên từ công ty khách hàng đến tập duyệt "làm việc trong ngày đại thảm họa".
Điều này tương tự với tất cả các văn phòng dự trữ khác trên thế giới. Tuy chúng được xây siêu kiên cố, trang bị hệ thống tối tân nhất, nhưng chẳng có ai dùng. Đến nỗi, người ta thường gọi chúng là những "văn phòng ma".
Ngoại trừ tốn phí xây dựng (dùng toàn vật liệu đắt tiền), các "văn phòng ma" còn "ngốn" tiền duy trì, đặc biệt là với dạng "văn phòng nóng". Bởi lẽ trong đó, hệ thống máy tính luôn ở trạng thái đã khởi động, được nhập sẵn dữ liệu, cài đặt các mềm cần thiết. Thế nên, chỉ riêng tiền điện thôi cũng đã rất nhiều.
Chưa hết, các "văn phòng nóng" còn đầy đủ mọi dụng cụ văn phòng cần thiết. Tất cả bàn làm việc đều trong trạng thái sẵn sàng, nhân viên chỉ cần tay không bước vào, ngồi xuống và làm việc. Có điều vì họ chỉ đến khi có đại thảm họa, thành ra bình thường mọi thứ đều… bỏ không.
Một số chuyên gia cho rằng, tốn phí xây dựng và duy trì các văn phòng dự phòng là không cần thiết. Bởi vì nếu xảy ra đại thảm họa, các công ty chỉ cần linh hoạt cho phép nhân viên làm việc ở nhà. Tuy nhiên, giải pháp này không thích hợp với các công ty có thông tin nhạy cảm hoặc cần tốc độ xử lý dữ liệu nhanh, mạnh. Vì thế, Sungard Av Available Services vẫn "kiếm ăn" hiệu quả. Trong bối cảnh Covid-19, họ còn càng "đắt khách" hơn.
Tham khảo Bbc