COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ sau 3 năm nhiễm bệnh
Một nghiên cứu trên quy mô lớn cho thấy COVID-19 có thể là yếu tố nguy cơ cao gây đau tim và đột quỵ trong vòng ba năm sau khi nhiễm bệnh.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên hồ sơ y tế của khoảng 250 nghìn người đã đăng ký vào một cơ sở dữ liệu lớn có tên là UK Biobank. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người mắc COVID-19 vào năm 2020, trước khi có vaccine để ngăn chặn bệnh, có nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch lớn như đau tim, đột quỵ hoặc tử vong trong gần ba năm sau khi mắc bệnh, cao gấp đôi so với những người không có kết quả xét nghiệm dương tính.
Nếu người bệnh phải nhập viện, tức là bệnh tình nghiêm trọng hơn, nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch lớn thậm chí còn cao hơn gấp ba lần so với những người không có tiền sử nhiễm COVID-19 trong hồ sơ bệnh án.
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim cao do COVID-19 dường như không giảm theo thời gian.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ đó giảm bớt" - tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Stanley Hazen, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Tim mạch & Chuyển hóa tại Cleveland Clinic, cho biết - "Tôi nghĩ đó thực sự là một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất".
COVID-19 có tác động lâu dài đến hệ tim mạch. Ảnh: The Daily Beast
Tiến sĩ Patricia Best, bác sĩ tim mạch tại Phòng khám Mayo ở Rochester, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng, phát hiện này thật đáng kinh ngạc và dường như chỉ có ở COVID-19.
"Chúng ta đã biết từ lâu rằng các bệnh truyền nhiễm làm tăng nguy cơ đau tim, vì vậy nếu bạn bị cúm hay bất cứ loại bệnh nào, do vi khuẩn hay virus gây ra, thì nguy cơ đau tim cũng sẽ tăng lên. Nhưng nhìn chung, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau khi khỏi bệnh".
Nhóm nghiên cứu thừa nhận, họ không biết chính xác tại sao COVID-19 lại có tác động lâu dài đến hệ tim mạch như vậy. "Có thể COVID-19 đã tác động đến thành động mạch và hệ thống mạch máu khiến chúng bị tổn thương liên tục và tiếp tục biểu hiện theo thời gian" - Tiến sĩ Hooman Allayee, Giáo sư khoa Hóa sinh và Di truyền phân tử tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định.