COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B: Những thay đổi cần biết
Chiều 20/10, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về quyết định COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thông tin về ca bệnh tiếp tục được báo cáo trong hệ thống y tế hàng ngày để cung cấp, thu thập thông tin, xử lý thông tin. Từ đó, bộ phận chuyên môn sẽ tổng hợp báo cáo tuần, tháng và phục vụ công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc thông tin COVID-19 phù hợp.
“Với những người bị COVID-19, chúng tôi khuyến cáo người bệnh đeo khẩu trang trong thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Ngoài ra những người đi chăm sóc người mắc COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang... ", GS Lân nói. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong năm 2023, số ca mắc COVID-19 đã giảm 82 lần so với năm 2022; tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 0,022 giảm gần 100 lần so với năm 2021; tác nhân gây bệnh là virus SARS-CoV-2 đã được xác định...
"Với đặc thù bệnh COVID-19, dù chuyển sang nhóm B, virus vẫn tiếp tục có những biến đổi. Từ những biến đổi này, vẫn cần phải giám sát trên ca bệnh, đồng thời giám sát lồng ghép với bệnh truyền nhiễm khác, các ổ dịch đường hô hấp cấp hiện hành... để theo dõi", ông Lân nói.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay kể cả khi COVID-19 thuộc về nhóm B thì vẫn có thể có trường hợp bệnh nặng, vì vậy phác đồ điều trị vẫn theo hướng dẫn cập nhất mới nhất tính đến tháng 6/2023.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, hiện nay, Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (gọi tắt là Bệnh viện COVID-19) trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã giải thể và được xem xét chuyển đổi công năng, tiếp nhận bệnh nhân bình thường. Với Bệnh viện dã chiến 13 tại Bình Chánh (TP.HCM), Sở Y tế TP.HCM vẫn đang duy trì và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp dịch COVID-19 quay trở lại, hoặc có những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở và Bộ Y tế cũng sẽ xem xét giải thể, chuyển đổi công năng của cơ sở này.
Về thanh toán chi phí điều trị COVID-19 khi COVID-19 thành nhóm B, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết việc thanh toán viện phí được chia ra theo 2 tình huống nếu điều trị từ ngày 19/10 trở về trước đó thì ngân sách nhà nước thanh toán, tuy nhiên từ ngày 20/10 Quỹ BHYT thanh toán.
Trong trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20/10 và ra viện từ ngày 20/10 trở về sau, Quỹ BHYT vẫn thanh toán theo nguyên tắc là nhóm A. Điều này tuân thủ nguyên tắc chi phí điều trị COVID-19 khi là nhóm A thì ngân sách chi trả, khi là nhóm B thì BHYT thanh toán và người bệnh cùng chi trả. Trong trường hợp này nếu người bệnh không tham gia BHYT thì tự thanh toán.
Về phụ cấp với người tham gia chống dịch sau khi COVID-19 thành nhóm B, ông Lê Thành Công- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Từ ngày 20/10 thực hiện theo đúng quy định của nhóm B, có nghĩa là không thực hiện chi trả chế độ phòng chống dịch với người tham gia chống dịch.