Công ty Trung Quốc phạt tiền, cấm nhân viên nhắn tin khi làm việc
Một công ty ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc đã cấm nhân viên nhắn tin trò chuyện riêng tư khi đang làm việc, đe dọa phạt tiền và thậm chí sa thải họ.
Động thái này đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội nước này, đặc biệt là sau khi một nhân viên ẩn danh đăng tải ảnh chụp màn hình quy định liên lạc cá nhân của công ty.
Quy định ghi rõ: "WeChat (nền tảng trò chuyện trực tuyến lớn nhất Trung Quốc) chỉ nên được sử dụng để làm việc trong giờ hành chính và mọi vấn đề riêng tư khẩn cấp khác phải được liên lạc qua các cuộc gọi trực tiếp".
Quy định cũng cho biết sẽ có các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên hàng ngày và nhân viên bị phát hiện sử dụng dịch vụ này để trò chuyện riêng tư sẽ bị phạt 100 nhân dân tệ (hơn 330.000 đồng) mỗi lần.
Nếu vi phạm 3 lần trở lên trong một tháng, số tiền phạt sẽ là 500 nhân dân tệ (1,68 triệu đồng) mỗi lần. Một cá nhân sẽ bị sa thải mà không được bồi thường nếu vi phạm đến lần thứ 5.
Tuy nhiên, cuối tháng 10, chính quyền địa phương đã đưa ra thông báo công khai cho biết họ đã chỉ đạo công ty sửa lại các quy định của mình và ban hành “các quy định mới trong khuôn khổ pháp luật”.
Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định rằng không tổ chức hoặc cá nhân nào được xâm phạm quyền riêng tư của người dân bằng cách xâm phạm vào vấn đề riêng tư của họ.
Lili, luật sư của công ty luật Chongqing Jieheng, cho rằng việc công ty phạt nhân viên là bất hợp pháp và họ chỉ được phép khấu trừ lương hoặc yêu cầu bồi thường nếu hành động hoặc hành vi của nhân viên dẫn đến hậu quả xấu tổn thất cho công ty, như đi làm muộn hoặc vắng mặt.
Sự việc đã gây ra làn sóng phản đối và chỉ trích công ty trên mạng xã hội.
“Tôi không thể tin rằng đây không phải là một trò đùa do ai đó bịa ra”, một người dùng mạng viết.
“Nếu trò chuyện riêng tư trong giờ làm việc bị phạt, vậy còn việc phạt các công ty trò chuyện ngoài giờ làm việc thì sao?”, người khác nói.
“Họ là nhân viên của bạn, không phải nô lệ của bạn , một người khác bình luận.
Năm 2021, một công ty ở Thượng Hải đã yêu cầu một cựu nhân viên của họ phải bồi thường 140.000 nhân dân tệ (gần 470 triệu đồng), sau khi họ trích xuất tin nhắn từ điện thoại làm việc của người này và phát hiện anh ta chia sẻ đơn đặt hàng của công ty cho một bên khác.
Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Jinshan Thượng Hải đã từ chối yêu cầu của công ty khi cho rằng các bằng chứng đã được thu thập một cách bất hợp pháp.
(Nguồn: SCMP)