Công ty TNHH Coca Cola Việt Nam: Phải tạm dừng sản xuất và lưu thông 13 sản phẩm
Thanh tra Bộ Y tế vừa gửi công văn yêu cầu sở y tế 6 tỉnh, thành phố gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An và Khánh Hòa giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 thực phẩm bổ sung của công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam.
13 thực phẩm bổ sung phải tạm dừng sản xuất, lưu thông này gồm: nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước tăng lực nhãn hiệu Samurai (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth.
Các sản phẩm của công ty Coca Cola. |
Nguyên nhân phải tạm dừng sản xuất, lưu thông các sản phẩm thực phẩn bổ sung nói trên là do tại 3 nhà máy của công ty ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng qua công tác kiểm tra cho thấy đang sản xuất một số sản phẩm thực phẩm, trong đó có thực phẩm bổ sung. Các nhà máy này đều có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh nước đóng chai nhưng chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền cấp cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung. Vì vậy, ngày 23.6, công ty Coca Cola Việt Nam đã ra thông báo tạm dừng sản xuất, lưu thông và thu hồi các sản phẩm liên quan để hoàn tất việc xin cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Được biết từ ngày 21.6, đoàn thanh tra Bộ Y tế bắt đầu thanh tra tại công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ thanh tra tại các chi nhánh sản xuất của công ty này với các nội dung kiểm tra, xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối các sản phẩm thực phẩm của công ty này; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm cho công ty TNHH NGK Coca - Cola Việt Nam; phát hiện các sơ hở, bất cập (nếu có) trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.