Công tử đất Việt ăn chơi khét tiếng đa tình (P2): Công tử Bạc Liêu đốt tiền giấy nấu đậu xanh
Chàng Công tử Bạc Liêu ngày nào đốt tiền đốt bạc cuối cùng cũng chết trong đơn độc và nghèo khó.
Hắc công tử hay Công tử Bạc Liêu có tên khai sinh là Trần Trinh Huy, còn gọi là Ba Huy. Công tử là kẻ ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Cũng giống như nhiều con cái của các bậc vương giả thời bấy giờ, Ba Huy được cho đi du học ở Pháp. Là người có tiền, sang kinh đô ánh sáng, Ba Huy dường như chỉ học được đúng những gì gọi là ánh sáng, tức là sự ăn chơi của chốn đô hội.
Chân dung công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Vung tiền không biết mỏi tay
Sau khi “du học” ở Pháp về, Trần Trinh Huy được ba mở lễ đón rước không thua gì vua Bảo Đại. Tất cả những gì gọi là xa hoa nhất thời bấy giờ đều được thực hiện trong ngày hôm ấy, đưa cái tên Ba Huy trở thành giai thoại trong giới ăn chơi Nam Kỳ.
Niềm đam mê với động cơ biết đi
Ba Huy rất thích ô tô, ca nô và thậm chí là cả máy bay. Được cha giao cho việc trông coi điền sản, Huy thường dùng ô tô riêng để thăm các sở điền. Mỗi lần công tử ghé qua là đám người làm, tá điền lại vây quanh như kiến vì tò mò. Thêm vào đó, khi đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.
Vào thời điểm ấy, chỉ có vua Bảo Đại là có đủ tiền từ ngân khố quốc gia để tậu máy bay nhưng Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng không hề kém cạnh khi dùng chính đồng tiền của gia đình mình để tậu phi cơ và sân bay riêng. Sự bốc đồng của Ba Huy đã phải trả giá đắt bằng khoản phạt khi lỡ bay vào lãnh thổ nước Xiêm.
Chiếc ô tô còn lưu lại cho đến thời nay.
Đó là một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí tranh lái với phi công Pháp, bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc quí tử về.
Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân.
Người của chủ nghĩa xê dịch và quá sanh chảnh
Theo các tài liệu còn ghi lại, Ba Huy đã ra đường là phải xa hoa bằng veston và những phụ kiện đắt tiền. Ba Huy ăn sáng kiểu Tây, ăn trưa kiểu Tàu và cuối ngày lại trở về với Tây. Mỗi lần chu du, Huy đều ở những khách sạn sang trọng và có đoàn xe cộ đưa rước linh đình. Thậm chí, có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ lặt vặt khác của công tử.
Chính vì thú mê chơi này của mình mà cuộc sống của Ba Huy hầu như lúc nào cũng ngập trong tiệc tùng, rượu thịt. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông đánh một cây bài trị giá bằng cả gia sản của một gia đình bình thường khác.
Cha của Ba Huy, ông Trần Trinh
Trạch rất giàu có vì từng đi làm viên chức cho tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu và là chủ sở hữu của
74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối.
Cuộc cạnh tranh Hắc – Bạch công tử và giai thoại đốt tiền nấu đậu xanh
Như đã đề cập ở số trước, Bạch công tử cũng là cái tên khét tiếng ăn chơi ở Nam Kỳ cùng thời với Ba Huy. Hai người gần như trở thành kỳ phùng địch thủ trên mọi chiến tuyến, từ những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng đến chuyện tình cảm.
Có câu chuyện kể rằng hai người đã thi nhau đốt tiền để nấu chín một kg đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Không rõ hai người đã đốt bao nhiêu nhưng kết quả Bạch Công Tử thắng nên mối thâm hận lại ngày càng dày hơn.
Chưa dừng lại ở đó, vì tranh giành nhau một người con gái tên là Ba Trà, người được mệnh danh là đệ nhất nhan sắc Nam Kỳ thời trước. Mặc dù Ba Trà khét tiếng ăn chơi và tiêu tiền không tiếc tay nhưng vì đam mê nhan sắc mà 2 công tử không ai chịu nhường cho ai. Dù vậy, Ba Trà không trao trái tim cho người nào mà tự nhận mình không là người tình của riêng ai.
Gã đàn ông tham lam, đa tình
Trước khi lấy vợ, công tử đã vướng phải bê bối tình ái với một cô gái người Pháp tên Marie lúc còn đi du học. Tình cảm của Ba Huy với cô gái ngoại quốc này là thật lòng và hai người đã có với nhau một đứa con trai. Khi cậu bé được 7 tháng, Ba Huy phải lên đường về nước, gần 6 năm sau, Marrie dẫn con trai về gặp cha. Công tử Bạc Liêu đã dẫn vợ con về ra mắt bố mẹ, nhưng 2 mẹ con Marie chỉ ở lại Bạc Liêu một thời gian rồi về lại Pháp vì lúc đó Ba Huy lại vừa kết hôn với người khác. Tương truyền bà thân sinh ra công tử Bạc Liêu đã cho mẹ con Marie đến vài chục ký vàng để nuôi dạy con trai đến tuổi trưởng thành.
Chinh phục Hoa hậu Đông Dương bằng 50 ký vàng
Dù đã có vợ rồi nhưng công tử Bạc Liêu vẫn say mê nhan sức của Trần Ngọc Trà, thường gọi là cô Ba Trà, thuở ấy được mệnh danh là "Hoa hậu Đông Dương" vì có nhan sắc khiến các ông phủ, ông huyện, các công tử, thầy thông, thầy ký đều nhìn cô thán phục, thèm thuồng... Công tử Bạc Liêu đã tiêu tốn khoảng chục triệu đồng Đông Dương, tương đương 40 - 50kg vàng để theo đuổi người đẹp bằng những món đồ quý đắt giá như dây chuyền, nhẫn hột xoàn, thậm chí cả nhà cửa, xe hơi.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cô Ba Trà không yêu Ba Huy mà sống cuộc đời ăn chơi sa đọa rồi cuối cùng cũng chết trong cô đơn, nghèo khó.
Suốt cuộc đời đa tình của mình, Ba Huy đã dùng nhiều cách để chinh phục các cô gái trẻ đẹp. Tư liệu còn ghi lại cho thấy công tử thậm chí đã bao trọn vẹn cả một nhà hàng bằng nửa ký vàng chỉ để được gặp mặt và uống rượu cùng một cô ca sĩ.
Cuộc đời đa thê nhưng chết trong cô đơn
Người vợ đầu tiên chính thức của Ba Huy tên Ngô Thị Đen, sau đó, công tử có cưới thêm bàTrần Thị Hai. Bà Hai ở với công tử Bạc Liêu sinh được 2 người con trai. Người vợ cuối cùng được Ba Huy cưới hỏi đàng hoàng nhỏ hơn ông tới 40 tuổi. Bà tên Nguyễn Thị Ba, xuất thân trong gia đình nghèo, sống bằng nghề gánh nước mướn ở cạnh công viên Tao Đàn - Sài Gòn. Vào cuối thập niên 1960, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy về sống hẳn ở Sài Gòn với cô vợ cuối cùng và có 4 người con.
Vợ chồng công tử Bạc Liêu Ba Huy.
Trải qua không biết bao nhiêu là chuyện tình, không đếm xuể những nhân tình qua tay công tử Bạc Liêu nhưng cuối đời ông Trần Trinh Huy chủ yếu sống trong bệnh viện, ở bên ngoài những đứa con, cháu của ông tiếp tục ăn chơi vô độ, tàn phá gia sản của gia đình. Đầu năm 1973, sức khỏe của Công tử Bạc Liêu càng suy sụp nặng nề. Ba Huy từ giã cõi đời trong cô độc, dù ông có hàng chục bà vợ, hàng trăm cô nhân tình, 4-5 dòng con.