Nghe dân công sở bàn luận về chuyện COCC
Tình trạng Con Ông Cháu Cha (COCC) “hoành hành” trong môi trường công sở từ lâu được xem là “chuyện thường ở huyện”. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn được dư luận quan tâm nhiệt tình.
“Thành công nếu là xứng đáng thì sẽ không bao giờ là muộn”
Nhà báo Tạ Thị Ngọc Diệp (23 tuổi) cảm thấy tiếc cho những người sinh ra trong gia đình có nền tảng vững chắc, điều kiện tốt mà không chịu trau dồi kiến thức, kinh nghiệm làm việc để tiếp quản công ty của gia tộc. Họ đang bỏ lỡ cơ hội lớn mà số phận đã đem đến cho mình. Nếu một COCC, nhất là những người trẻ đảm nhận vị trí điều hành công ty mà lại thiếu năng lực, kinh nghiệm làm việc, họ dễ dàng khiến nhân viên không phục và dần dần mất đi sự tôn trọng và chính họ là người làm nản lòng những nhân tài thực thụ mà công ty cất công tuyển vào.
Tạ Thị Ngọc Diệp cảm thấy tiếc cho những người sinh ra trong gia đình có nền tảng vững chắc mà lại không chịu trau dồi kiến thức - (Ảnh minh họa)
Ngọc Diệp tâm sự: “Đối với cá nhân Diệp nói riêng và những người “ngoại đạo” nói chung, dù không xuất thân từ một gia đình giàu có, quyền lực, nhưng hãy luôn nỗ lực hết mình, bỏ qua những ích kỷ cá nhân và nghĩ cho tương lai lâu dài, cứ cống hiến đi, bạn sẽ được đền đáp, không bằng cách này cũng bằng cách kia. T
hành công nếu là xứng đáng thì sẽ không bao giờ là muộn cả. Khi bạn phải làm việc trong một môi trường đầy rẫy COCC lạm quyền thì hãy mạnh mẽ lên, cứ để “lửa thử vàng” và thời gian sẽ trả lời cho tất cả".
“Con ông cháu cha là con sâu làm rầu nồi canh”
Sau thời gian dài trầy trật tìm việc, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hải Huyền (23 tuổi) may mắn tìm được công việc tốt, ai cũng chúc mừng cô vì vị trí vừa an nhàn lại lương cao. Huyền cũng hạnh phúc không kém, cô tự hứa sẽ cố gắng gắn bó lâu dài và hết lòng phục vụ công ty. Nhưng “ở trong chăn mới viết chăn có rận”, khi sắp bước vào môi trường làm việc mới, cô háo hức bao nhiêu thì lúc chính thức vào làm, cô thất vọng bấy nhiêu.
Ngày nào Huyền cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc mà không biết phản ánh với ai, từ trên xuống dưới đều bị một dàn COCC kiểm soát bởi lẽ nhân viên công ty Huyền hầu hết đều được người nhà giới thiệu. Nào là bị trưởng phòng chèn ép, anh quản lý la rầy vô cớ, các sếp đua nhau bóc lột sức lao động nhưng phận nhân viên như Huyền chỉ biết cúi đầu im lặng và cô gái nhỏ bé cũng không thể chống đối được cả thế lực mạnh mẽ kia.
Nguyễn Thị Hải Huyền cho rằng COCC chính là con sâu làm rầu nồi canh - (Ảnh minh họa)
Hải Huyền càng bất ngờ hơn khi chính anh quản lý ngọt nhạt: “Em phải thấy mình may mắn vì là một trong những người “ngoài” hiếm hoi có “cửa” vào đây.” Dù rất ức chế và bế tắc khi làm việc tại đây, nhưng Huyền vẫn kiên trì hoàn thành xong hai tháng thử việc rồi mới nghỉ.
Cô bộc bạch: “Bên cạnh những vị COCC tài năng, có ích cho doanh nghiệp và xã hội, vẫn còn khá nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”, họ không chỉ gây xung đột, mâu thuẫn nội bộ mà còn khiến nhân viên – tầng lớp đông đảo của công ty mất niềm tin vào các vị lãnh đạo, để về lâu về dài, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của công ty, doanh nghiệp khó trụ vững, nhất là trong nền kinh tế đầy cạnh tranh như hiện nay.”
“Hãy cho họ thời gian để chứng minh tài năng của mình”
Với bề dày kinh nghiệm trong cuộc sống và công việc, Trần Quốc Khánh (30 tuổi) đưa ra một số góc nhìn vô cùng sâu sắc: “COCC vốn là chuyện bình thường ở Việt Nam. Tôi từng phỏng vấn nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân, hơn 95% đều muốn con mình, người thân thừa kế và phát triển cơ nghiệp cả đời của dòng họ. Người Việt Nam có thói quen chỉ trích ngay khi bắt gặp một người người trẻ giữ chức vụ cao, gia đình giàu có, chứ ít khi nào đi sâu bản chất vấn đề. Vấn đề chúng ta cần lên án, không phải là việc COCC giữ chức vụ cao khi tuổi đời còn trẻ, mà nên lên án COCC nhậm chức khi chưa đủ tài năng và kinh nghiệm.”
Quốc Khánh thấy hơi quá khi dư luận phê phán những người đó bởi lẽ họ không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra. Được gia đình lo ăn học tốt, tạo cơ hội để phát triển sự nghiệp, tiếp quản nghiệp kinh doanh của gia đình thì tại sao phải nói không? Hãy cho họ thời gian để chứng minh tài năng của mình, nếu kết quả cuối cùng là tồi tệ, khi đó lên tiếng “ném đá” cũng chưa muộn.
Trần Quốc Khánh cho rằng mọi người nên có cái nhìn đúng đắn hơn về các COCC - (Ảnh minh họa)
Chàng biên tập viên bình luận thêm: “Mọi người nên nhìn nhận sự việc dưới hai chiều khác nhau. Ngoài việc phê phán khi COCC bất tài, đảm nhận vị trí cao, chúng ta hãy nghĩ biết đâu một doanh nghiệp già cỗi, bộ máy trì trệ bao năm cần có một nhân tố trẻ với tư duy mới lạ. Tóm lại, chuyện COCC là chuyện rất bình thường. Thực tế nó sẽ luôn diễn ra như vậy nên chúng ta không thể cấm. Đừng vội phê phán và đánh giá cực đoan khi chỉ biết bề nổi của vấn đề, hãy nhìn vào thực lực và có cách đánh giá sâu sắc hơn, công bằng hơn về những người mang tên Con ông cháu cha.”
Nghe chị em chia sẻ chuyện gái công sở "chân dài óc ngắn"